Trồng Nấm Sạch Cho Thu Nhập Cao

Ngoài 2 vụ lúa chính trong năm, 5 năm trở lại đây gia đình chị Nguyễn Thị Toàn, thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng nấm sạch.
Ban đầu với vốn kiến thức được học từ lớp dạy nghề trồng nấm do xã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức, gia đình chị nhận thấy mô hình trồng nấm sạch rất phù hợp với điều kiện làm nông nghiệp. Không những tận dụng thời gian nông nhàn mà điều quan trọng việc mở rộng trồng nấm tận dụng được nguồn rơm rạ sẵn có.
Từ mô hình thủ công, mỗi lần gia đình chị sản xuất khoảng 1.000 bịch nấm, sau khi có kinh nghiệm cộng với hiệu quả mang lại, đến nay, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất nấm với 1 lò sấy trị giá hơn 40 triệu đồng; xây mới 3 xưởng sản xuất nấm và tích trữ nhiều nguyên liệu trồng nấm như rơm, mùn cưa, củi để đốt cho khâu sấy bịch nấm…
Theo chị, quy trình trồng nấm đòi hỏi người trồng phải có kiến thức, nắm chắc từng bước, trong các bước thì vấn đề vệ sinh, diệt khuẩn là quan trọng nhất, quyết định đến năng suất nấm.
Bắt đầu từ khâu ủ rơm, ngâm nước vôi, để ráo nước, 3 ngày đảo một lần rồi cho ra băm và ủ với mùn cưa. Khi đóng bịch không quá chặt để tạo độ thoáng cho nấm phát triển thuận lợi. Tiếp đó là bước sấy trong 12 tiếng, nhằm bảo đảm độ sạch bệnh, tiệt trùng.
Cuối cùng là tra giống và khi nấm ăn trắng thì treo và chăm sóc đúng kỹ thuật. Theo chị Nguyễn Thị Toàn, khâu sấy rất quan trọng, tỷ lệ cho nấm sẽ cao hơn nhiều so với làm thủ công. Từ lợi ích của lò sấy nấm nên hiện nay gia đình chị có thể sản xuất nấm quanh năm, thay vì 3 tháng như trước kia.
Trong xưởng sản xuất của gia đình chị hiện nay có khoảng 3.000 bịch nấm, lần lượt các lứa nấm kế tiếp sinh sôi. Mỗi ngày chị thu được từ 20-30 kg nấm, với giá bán ra thị trường từ 35.000 đ/kg trở lên. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu được từ 120 đến 130 triệu đồng.
Sản xuất nấm không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân mà còn giúp thị trường tiêu dùng có nguồn thực phẩm sạch, không thuốc hóa học trong quy trình sản xuất, bởi nấm là cây ưa sạch. Sản phẩm nấm bảo đảm an toàn và dinh dưỡng cao. Chị cho biết, hiện nay trên thị trường nhu cầu về nấm rất lớn, có thể bán buôn, bán lẻ nên vấn đề tiêu thụ không khó khăn.
Nguồn bài viết: http://baobacninh.com.vn/news_detail/84963/trong-nam-sach-cho-thu-nhap-cao.html
Có thể bạn quan tâm

Ngày 23/4, bà Trần Thị Minh Thể, thuộc Công ty TNHH Thu mua hải sản Cường Hữu (TP Hồ Chí Minh) cho biết công ty đang thu mua tôm hùm thương phẩm ở Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) với giá 1,2 triệu đồng/kg tôm loại 1 và 1 triệu đồng/kg tôm loại 2 và loại 3, thấp hơn tuần trước 100.000-150.000 đồng/kg.

Tính đến ngày 20-4-2012, các chủ ao đầm thuộc các xã vùng triều huyện Quảng Xương (tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Chính, Quảng Trung, Quảng Khê) đã thả 47,3 triệu con tôm sú giống trên tổng diện tích ao nuôi 750 ha, đạt 100% kế hoạch thả nuôi tôm sú nước lợ vụ xuân-hè năm 2012. Nhìn chung, bà con trong huyện đã tập trung cải tạo ao đầm đúng hướng dẫn kỹ thuật và tuân thủ lịch thời vụ thả tôm. Hiện tại, diện tích tôm sú mới thả nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Vào thời điểm này, các đơn vị và chủ ao đầm đang tiến hành thả nuôi 30 ha tôm he chân trắng. Nét mới là UBND huyện Quảng Xương đã đầu tư 2 mô hình nuôi tôm he chân trắng trên diện tích 4 ha tại xã Quảng Lưu và Quảng Trung nhằm hỗ trợ bà con tham quan, học tập, chuyển giao kỹ thuật, tổng kết rút kinh nghiệm để mở rộng diện tích nuôi tôm he chân trắng theo hình thức thâm canh mới trong năm tới.

Gia đình của anh Tống Văn Phong (SN 1962) ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung vươn lên làm giàu từ cây quýt đường. Nhiều người dân địa phương đã phong cho anh danh hiệu “vua quýt đường Tư Phong”.

Nuôi vịt là một trong những nghề có lãi nhưng nhiều rủi ro, bất trắc do thường xảy ra dịch bệnh phức tạp trong đó có dịch cúm H5N1. Thế nhưng, hơn 13 năm gắn bó với nghề nuôi vịt, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ trại vịt Việt Hưng (ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành) vẫn trụ vững với nghề bằng mô hình nuôi vịt theo hướng trang trại khép kín kết hợp nuôi cá.

Sau gần một tháng trời lênh đênh, đón giao thừa trên biển, hàng chục tàu cá của ngư dân Phú Yên đã tấp nập về bến ngày 24-1 (mùng 2 tết, mang theo “lộc biển” đầu năm: hàng trăm tấn cá ngừ đại dương.