Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng nấm nghề mới, thu nhập cao ở Sơn Động

Trồng nấm nghề mới, thu nhập cao ở Sơn Động
Ngày đăng: 07/07/2015

Từ trồng nấm ăn

Theo đánh giá của UBND huyện Sơn Động, đã có nhiều hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, làm giàu từ nghề trồng nấm dù đây là nghề mới. Mô hình trồng nấm của gia đình ông Nông Văn Rót ở thôn Han 2, xã An Lập là một điển hình.

Ông Rót cho biết, hơn 300 m2 đất đồi trồng cây ăn quả trước đây cho thu nhập không cao đã được gia đình ông chuyển đổi thành lán trại trồng nấm. Ngoài nấm sò, nấm rơm sản xuất bằng kỹ thuật đơn giản, ông còn trồng, chăm sóc mộc nhĩ, nấm mỡ là những loại đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Vụ nấm vừa qua mang lại cho gia đình ông khoảng 100 triệu đồng tiền lãi.

Ở thôn Gốc Gạo, xã Cẩm Đàn, gia đình chị Lãnh Thị Hằng từng là hộ nghèo nhưng giờ đây nghề trồng nấm giúp kinh tế gia đình ổn định hơn. Trước kia, ngoài 2 sào ruộng, lúc nông nhàn vợ chồng chị chỉ biết vào rừng khai thác lâm sản phụ, thu nhập chẳng được là bao lại lúc có lúc không nên cuộc sống rất khó khăn. Sau khi được tập huấn nghề trồng nấm cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân và bà con xung quanh, cuối năm 2013, gia đình chị dựng lán trại để trồng nấm sò, nấm mỡ. Nhờ thu nhập từ bán nấm, gia đình chị Hằng từng bước cải thiện đời sống.

Để giúp các hộ thuận lợi trong việc tiếp cận kỹ thuật trồng nấm và bao tiêu sản phẩm, huyện đã thành lập HTX Sản xuất tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu Sơn Động do ông Nông Văn Rót là Giám đốc. Cùng với mở rộng diện tích trồng nấm của gia đình, ông Rót còn trực tiếp hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho xã viên. Từ 22 hộ trồng nấm trên địa bàn huyện năm 2014, đến nay HTX Sản xuất tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu Sơn Động đã có 150 thành viên ở nhiều xã tham gia.

Đến thử nghiệm nấm dược liệu

Không chỉ sản xuất các loại nấm ăn, tháng 2-2015, UBND huyện Sơn Động phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam thử nghiệm mô hình trồng nấm lim xanh ở 6 hộ thuộc HTX sản xuất tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu Sơn Động của huyện, mỗi hộ 1 nghìn bịch. Theo các hộ tham gia thử nghiệm, trồng nấm lim xanh đòi hỏi kỹ thuật khá cao khi chăm sóc, phải lựa chọn nguồn nước sạch, theo dõi nhiệt độ và điều chỉnh độ ẩm phù hợp... song cho kết quả rất khả quan. Sau 3 tháng chăm sóc nấm lim xanh được thu hoạch, giá bán hơn 1 triệu đồng/kg. Có hộ ước thu được khoảng 50 triệu đồng/vụ.

Được biết, với nấm sò, nấm mỡ, sau mỗi vụ thu hoạch người trồng lại phải chuẩn bị nguyên liệu cho vụ mới nhưng với nấm lim xanh được cấy trên thân gỗ keo, một bịch nấm có thể cho khai thác trong vòng 2 năm. Đây cũng là ưu điểm nổi bật của nấm dược liệu. Bên cạnh đó, hiện đầu ra của sản phẩm này khá thuận lợi, đến vụ thu hoạch, thương nhân ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội… tìm đến tận nơi thu mua.

Ông Hoàng Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động cho biết: “Kết quả ban đầu cho thấy nấm lim xanh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện có chính sách hỗ trợ về phôi giống, bịch nấm cho các xã viên HTX. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình trồng nấm dược liệu để loại nấm này thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo”.

Nấm lim xanh trước đây chỉ có trong rừng Sơn Động nay đã vươn lên trong vườn nhà nhờ bàn tay chăm sóc của nông dân. Với hiệu quả kinh tế thu được, nghề trồng nấm đã giúp người dân vùng cao đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, chung tay bảo vệ tài nguyên rừng.

Với hiệu quả thiết thực từ trồng nấm, nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm của các xã viên. Một số xã viên HTX cũng đầu tư mở rộng lán trại sản xuất, vì vậy diện tích, sản lượng nấm thương phẩm ngày càng tăng.


Có thể bạn quan tâm

Tây Ninh Nỗ Lực Về Đích Nông Thôn Mới Tây Ninh Nỗ Lực Về Đích Nông Thôn Mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào rộng khắp ở xã Tây Ninh (Tiền Hải), bộ mặt nông thôn và đời sống người dân chuyển biến tích cực, giao thông nông thôn đi lại thuận tiện, học tập, khám chữa bệnh được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững.

09/12/2014
Đổi Thay Ở Xóm Người Dao Đổi Thay Ở Xóm Người Dao

Nằm ngay dưới chân dãy núi Tam Đảo, xóm Thai Thèn Bạ, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) có đến 98% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Trong vài năm trở lại đây nhờ cớ sự đầu tư của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của người dân, xóm đã có sự bứt phá về mọi mặt.

09/12/2014
Sản Lượng Thủy Sản Vượt 3,7% Kế Hoạch Sản Lượng Thủy Sản Vượt 3,7% Kế Hoạch

Đến nay, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã đạt gần 7.800 tấn, vượt 3,7% so với kế hoạch, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt trên 7.600 tấn, còn lại là thủy sản khai thác. Cũng trong năm nay, toàn tỉnh đã sản xuất được 500 triệu con cá giống, cá bột; triển khai nhiều mô hình khuyến ngư hiệu quả như nuôi cá Diêu Hồng trong lồng, nuôi cá thâm canh trong ao sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi cá hồ chứa nhỏ…

09/12/2014
Chủ Động Sản Xuất Cây Giống Phục Vụ Trồng Rừng Chủ Động Sản Xuất Cây Giống Phục Vụ Trồng Rừng

Đến nay, các đơn vị đã xây dựng được 22 nguồn giống cây lâm nghiệp, trong đó: 7 lâm phần tuyển chọn sến mật, vẹt, trang, đước, thông Cariber... với diện tích 463,7 ha; 9 rừng giống chuyển hóa thông nhựa, lát hoa, lim xanh, mỡ, trám trắng, keo tai tượng, diện tích 87,27 ha; 1 rừng giống keo tai tượng, diện tích 10 ha; 2 vườn cung cấp hom phi lao dòng TT2.6, TT2.7, diện tích 0,9 ha... Hàng năm, thu hái hơn 4.000 kg hạt giống đưa vào sản xuất gieo ươm.

09/12/2014
Từ Làm Thuê Thành Tỉ Phú Chè Ô Long Từ Làm Thuê Thành Tỉ Phú Chè Ô Long

Theo anh Trần Văn Phi, có được thành công này là nhờ cách nghĩ, cách làm và kinh nghiệm đúc rút được sau nhiều năm anh làm thuê cho các công ty nước ngoài ở Lâm Đồng. Anh Phi kể năm 1993, anh xin làm công nhân cho một công ty Đài Loan chuyên trồng, sản xuất chè chất lượng cao.

09/12/2014