Trồng Nấm Cho Thu Nhập Gần 1 Tỷ Đồng/năm

Đến thăm nông trại nấm linh chi Nhật Minh của anh Nguyễn Trung Kiên, xã Yên Phong (Yên Mô - Ninh Bình), nhiều người không khỏi khâm phục ý chí và nghị lực của một thanh niên vươn lên làm kinh tế giỏi với mô hình trồng nấm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.
Anh Kiên cho biết: Nhiều năm trước, anh luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế tại quê hương với mong muốn cuộc sống gia đình ổn định và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều đoàn viên, thanh niên. Trong một lần tình cờ vào thăm mô hình trồng nấm của một người bạn tại Đồng Nai, anh Kiên nhận thấy mình thực sự yêu thích loại cây này và tin tưởng có thể sẽ làm giàu được. Từ đây anh bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về cây nấm và bắt tay vào trồng thử nghiệm.
Khi mới lập trang trại, anh Kiên gặp không ít khó khăn, trở ngại như kinh nghiệm chưa có, vốn ít, việc áp dụng KHKT vào trồng nấm chưa được bài bản. Rất may anh được Huyện đoàn Yên Mô và Phòng Nông nghiệp nông thôn huyện cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng nấm.
Có kiến thức, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cộng thêm niềm say mê, tính ham học hỏi, sự sáng tạo của tuổi trẻ, đầu năm 2010, anh Kiên đầu tư xây dựng trại, trồng thí điểm 5.000 bịch phôi mục nhĩ. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, với số vốn bỏ ra ban đầu là 50 triệu đồng, trừ các loại chi phí cho lãi trên 30 triệu đồng. Từ hiệu quả bước đầu, thêm động lực để anh Kiên mở rộng diện tích và bắt tay vào trồng đa dạng các loại nấm.
Sau 4 năm gắn bó với nghề trồng nấm, từ xây dựng lán trại trên 1 nghìn m2, đến nay, nông trại của anh Kiên có tổng diện tích gần 3.000 m2, mỗi năm anh đầu tư trồng khoảng 4 vạn bịch nấm sò, 7 vạn bịch mục nhĩ, 2 vạn bịch nấm linh chi, thu về vài tấn mục nhĩ khô, vài tạ nấm linh chi khô và gần chục tấn nấm sò tươi.
Với giá bán ngoài thị trường hiện nay là 110 - 120 nghìn đồng/kg mục nhĩ, 500 - 600 nghìn đồng/kg nấm linh chi và 25 - 30 nghìn đồng/kg nấm sò tươi, mỗi năm, nông trại cho thu nhập gần 1 tỷ đồng, trừ các loại chi phí cho lãi vài trăm triệu đồng.
Anh Nguyễn Trung Kiên cho biết thêm: Trồng các loại nấm không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải chịu khó, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, tưới nước, chuẩn bị đất cũng như chăm sóc. Nghề trồng nấm như nuôi con mọn, không chỉ cần sự tỉ mỉ, kiên trì mà còn đòi hỏi người trồng biết quan sát, để ý từng thời kỳ phát triển của nấm để có sự can thiệp kỹ thuật kịp thời.
Bên cạnh đó, việc thu hoạch nấm sớm hay muộn cũng ảnh hưởng đến chất lượng nấm để bán được giá hay không trên thị trường. Hiện nông trại của anh Nguyễn Trung Kiên chủ yếu trồng nấm sò, mục nhĩ và nấm linh chi. Đây là những loại nấm có kỹ thuật trồng không cầu kỳ, vốn đầu tư ít, công chăm sóc không nhiều mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, các sản phẩm này có giá cả ổn định, mối tiêu thụ rộng khắp trên thị trường, do đó được nông trại duy trì trồng với số lượng lớn.
Với hiệu quả bước đầu đáng phấn khởi, vừa qua, anh Kiên tiếp tục đầu tư thêm vốn mở rộng trang trại, xây dựng nồi hơi trị giá gần 200 triệu đồng để hấp thanh trùng các túi nguyên liệu. Hiện nông trại đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, anh Kiên còn hăng hái tham gia các hoạt động Đoàn, Hội của cơ quan cũng như của địa phương. Đặc biệt anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật và truyền đạt kinh nghiệm làm ăn của mình cho những đoàn viên, thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế nói chung, bằng nghề trồng nấm nói riêng, với mong muốn giúp nhiều ĐVTN trên địa bàn xã, huyện vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian thực hiện mô hình được duy trì thực hiện trong 2 năm (2014 - 2015). Con giống thực hiện mô hình là giống vịt bầu dòng bố, mẹ thuần chủng loại 10 ngày tuổi, được Trạm Khuyến nông huyện ký hợp đồng chuyển giao từ Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 122,3 triệu đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 85,2 triệu đồng.

Có mặt tại cánh đồng xóm Làng Áng, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) vào một buổi sáng mùa đông, mặc dù thời tiết rét đậm kèm sương mù dày đặc nhưng để đảm bảo tiến độ sản xuất vụ xuân, nông dân trong xóm vẫn tích cực ra đồng nạo vét kênh mương, cày ải, làm đất...

Để kịp thời đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của nông dân, ngay từ đầu tháng 1, Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư gồm: Trên 700 tấn phân bón các loại; 5,5 tấn lúa giống, trong đó, lúa lai 3,5 tấn với các giống chủ yếu là: Syn6, Nhị ưu 838, Bio 404… và trên 20 tấn ngô giống, 100% là giống ngô lai.

Ngày 22-1, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức trao Chứng nhận sản phẩm chè búp khô đạt tiêu chuẩn UTZ CERTIFIED cho Hợp tác xã chè Tân Hương, Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Hồng Thái (Tân Cương) và Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Nhà Thờ (Phúc Trìu).

Thông thường hàng năm, công tác chống hạn diễn ra chủ yếu ở vụ sản xuất hè thu nhưng năm qua do lượng mưa quá thấp nên ngay giữa mùa mưa mà hầu hết các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều có mức nước thấp hơn trung bình nhiều năm trước. Bởi vậy, ngay từ vụ đông xuân 2014 – 2015, công tác chống hạn được ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.