Trồng Nấm Bào Ngư Cho Thu Nhập Cao

Gia đình chị Mai Trần Thanh Vân ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa - Đắk Nông), 4 năm nay đã phát triển nghề trồng nấm bào ngư hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho gia đình.
Theo chị Vân, mặc dù anh chị đều là công chức, có lương hàng tháng, nhưng với suy nghĩ là phải tìm thêm việc làm để có thể tăng thu nhập, chị đã bàn với chồng chọn nghề trồng nấm bào ngư. Để đảm bảo không gặp thất bại lớn, anh, chị đã tích cực học tập các kỹ thuật qua sách báo, các mô hình ở các tỉnh bạn như Đắk Lắk, Lâm Đồng.
Ban đầu chỉ với vài trăm bịch nấm bào ngư, rồi dần dần, thấy có thể tận dụng, tranh thủ được nhiều thời gian vào sáng sớm, buổi tối, gia đình chị đã mở rộng sản xuất đến hàng chục ngàn bịch. Theo chị Vân thì thực chất kỹ thuật trồng nấm bào ngư không khó, quan trọng nhất là phải có nguồn nguyên liệu là mùn cưa cao su sạch.
Mùn cưa sau khi được trộn với tỷ lệ vừa phải với phân NPK và ít bột bắp ủ rồi đóng thành bịch, cho vào lò hấp khử trùng và cấy meo giống vào; khoảng 7-8 bịch được nối với nhau treo thành từng khu vực nhỏ đủ cho người đi lại chăm sóc, thu hái.
Sau khi treo lên, phải luôn chú ý đến chế độ tưới và giữ độ ẩm để meo giống nảy mầm. Khi thấy nấm đã nảy mầm trắng đều thì dùng dao sắc rạch nhẹ nhàng các đường so le dọc theo bịch để nấm phát triển. Sau khi rạch bịch, chỉ tưới nước tạo ẩm nền, được 4-6 ngày nấm bắt đầu có mầm quả thể ở vết rạch, lúc này tiến hành tưới nước lên bịch nấm.
Trong giai đoạn này, cây nấm rất cần độ ẩm, nếu thiếu nước, nấm mọc cằn cỗi, nhẹ cân và ăn rất dai. Ngược lại nếu tưới quá nhiều, nấm có màu vàng, thối rữa. Với điều kiện nhiệt độ ở Gia Nghĩa thì mỗi ngày, chị chỉ cần tưới hai lần bằng hệ thống tước béc. Khi hái hết đợt một, chị ngừng tưới nước khoảng 5-7 ngày thì nấm lại ra tiếp đợt sau.
Việc thu hái nấm cũng rất quan trọng, do nấm bào ngư mọc tập trung thành cụm, nên khi nấm đủ lớn cần hái cả cụm. Hái nấm đúng độ tuổi sẽ đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Thời điểm đó là lúc rìa mũ nấm vẫn co vào trong sắp dàn phẳng; thịt nấm dày, chắc, mập và non. Thời gian thu hái nấm từ 40-45 ngày kể từ ngày hái đầu tiên. Chăm sóc tốt sau 2-3 lứa đầu, người trồng cần nén nhẹ bịch nấm cho căng, chặt, buộc miệng như cũ.
Về kỹ thuật trồng nấm bào ngư, chị Vân chia sẻ thêm: “Nếu tuân thủ tốt việc xây dựng trại nấm sạch sẽ, thoáng mát, không có các hóa chất độc hại, tưới nước sạch thì nấm hầu như không bị dịch bệnh. Tuy nhiên, giữa các vụ, tôi cũng thường sử dụng vôi bột để khử trùng trong và xung quanh trại, dùng bình xịt muỗi xịt vào các hốc, hố để tiêu diệt các ấu trùng ruồi, muỗi, côn trùng nhằm hạn chế việc phát sinh gây hại”.
Cũng theo chị Vân, với mức hái trung bình là 20kg/ngày, nếu tính giá bán khoảng 18.000 đồng/kg, mỗi ngày chị thu về gần 360.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng có lãi khoảng 60-80 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm

Đây là lần đầu tiên giống dừa dứa được trồng thành công tại Quảng Ngãi. Với hiệu quả về kinh tế, cây dừa dứa mở ra hướng đi mới cho nông dân ở các vùng ven sông, ven biển trong tỉnh.

Ông Sáu chia sẻ, gia đình ông canh tác 4.000 m2 bưởi da xanh chuyên canh, trong những ngày qua thu hoạch khoảng 500 kg, bán giá 50.000 đồng/kg, thu lãi 25 triệu đồng. Lứa bưởi tết sắp tới, dự kiến ông thu hoạch khoảng 1,5 tấn, thu lời gần 75 triệu đồng. Nhờ cây bưởi da xanh, gia đình ông có cái tết đầm ấm.

Đồng Nai có hơn 7 ngàn hécta trồng chuối các loại. Đứng đầu là huyện Thống Nhất với gần 3.300 hécta. Năm 1014 là năm rất khó khăn của nông dân trồng chuối, đặc biệt chuối bơm khi giá liên tục rớt vì đầu ra sản phẩm chế biến gặp khó khăn.

Thời gian qua, nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ đã phát triển trồng dưa hấu quanh năm. Tuy nhiên, vụ dưa hấu Tết được nhiều nông dân tăng diện tích trồng và phát triển đa dạng nhiều giống dưa để đáp ứng nhu cầu thị trường Tết. Vào dịp Tết, ngoài cần một lượng lớn dưa hấu để ăn, nhiều người dân còn có nhu cầu tìm mua các loại dưa hấu có hình dáng đẹp, nhất là dưa hấu trái tròn để phục vụ chưng Tết.

Hội thi thu hút 26 nhà vườn xã Tân Phước và xã Long Hậu gửi mẫu dự thi. Từ ngày 2 - 6/2, Ban tổ chức tiến hành chấm điểm tại các vườn đã đăng ký dự thi, sau đó thu mẫu và tiếp tục chấm điểm mẫu trái tại phòng Lab ở Viện Cây ăn quả miền Nam.