Trồng Nấm Bào Ngư Cho Thu Nhập Cao

Gia đình chị Mai Trần Thanh Vân ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa - Đắk Nông), 4 năm nay đã phát triển nghề trồng nấm bào ngư hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho gia đình.
Theo chị Vân, mặc dù anh chị đều là công chức, có lương hàng tháng, nhưng với suy nghĩ là phải tìm thêm việc làm để có thể tăng thu nhập, chị đã bàn với chồng chọn nghề trồng nấm bào ngư. Để đảm bảo không gặp thất bại lớn, anh, chị đã tích cực học tập các kỹ thuật qua sách báo, các mô hình ở các tỉnh bạn như Đắk Lắk, Lâm Đồng.
Ban đầu chỉ với vài trăm bịch nấm bào ngư, rồi dần dần, thấy có thể tận dụng, tranh thủ được nhiều thời gian vào sáng sớm, buổi tối, gia đình chị đã mở rộng sản xuất đến hàng chục ngàn bịch. Theo chị Vân thì thực chất kỹ thuật trồng nấm bào ngư không khó, quan trọng nhất là phải có nguồn nguyên liệu là mùn cưa cao su sạch.
Mùn cưa sau khi được trộn với tỷ lệ vừa phải với phân NPK và ít bột bắp ủ rồi đóng thành bịch, cho vào lò hấp khử trùng và cấy meo giống vào; khoảng 7-8 bịch được nối với nhau treo thành từng khu vực nhỏ đủ cho người đi lại chăm sóc, thu hái.
Sau khi treo lên, phải luôn chú ý đến chế độ tưới và giữ độ ẩm để meo giống nảy mầm. Khi thấy nấm đã nảy mầm trắng đều thì dùng dao sắc rạch nhẹ nhàng các đường so le dọc theo bịch để nấm phát triển. Sau khi rạch bịch, chỉ tưới nước tạo ẩm nền, được 4-6 ngày nấm bắt đầu có mầm quả thể ở vết rạch, lúc này tiến hành tưới nước lên bịch nấm.
Trong giai đoạn này, cây nấm rất cần độ ẩm, nếu thiếu nước, nấm mọc cằn cỗi, nhẹ cân và ăn rất dai. Ngược lại nếu tưới quá nhiều, nấm có màu vàng, thối rữa. Với điều kiện nhiệt độ ở Gia Nghĩa thì mỗi ngày, chị chỉ cần tưới hai lần bằng hệ thống tước béc. Khi hái hết đợt một, chị ngừng tưới nước khoảng 5-7 ngày thì nấm lại ra tiếp đợt sau.
Việc thu hái nấm cũng rất quan trọng, do nấm bào ngư mọc tập trung thành cụm, nên khi nấm đủ lớn cần hái cả cụm. Hái nấm đúng độ tuổi sẽ đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Thời điểm đó là lúc rìa mũ nấm vẫn co vào trong sắp dàn phẳng; thịt nấm dày, chắc, mập và non. Thời gian thu hái nấm từ 40-45 ngày kể từ ngày hái đầu tiên. Chăm sóc tốt sau 2-3 lứa đầu, người trồng cần nén nhẹ bịch nấm cho căng, chặt, buộc miệng như cũ.
Về kỹ thuật trồng nấm bào ngư, chị Vân chia sẻ thêm: “Nếu tuân thủ tốt việc xây dựng trại nấm sạch sẽ, thoáng mát, không có các hóa chất độc hại, tưới nước sạch thì nấm hầu như không bị dịch bệnh. Tuy nhiên, giữa các vụ, tôi cũng thường sử dụng vôi bột để khử trùng trong và xung quanh trại, dùng bình xịt muỗi xịt vào các hốc, hố để tiêu diệt các ấu trùng ruồi, muỗi, côn trùng nhằm hạn chế việc phát sinh gây hại”.
Cũng theo chị Vân, với mức hái trung bình là 20kg/ngày, nếu tính giá bán khoảng 18.000 đồng/kg, mỗi ngày chị thu về gần 360.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng có lãi khoảng 60-80 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 21/10, tại Khách sạn Bông Hồng, TP.Sa Đéc, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tổ chức Hội thảo thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong ngành chế biến lương thực. Tham dự có đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp chế biến lương thực trên địa bàn tỉnh.

Niềm vui đó xuất phát từ Mô hình thâm canh giống lúa thuần HT9 do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật thâm canh tổng hợp cho bà con đã mang lại vụ mùa năng suất cao cho những người dân nơi đây và giúp thay đổi cách thức sản xuất cũ bằng phương pháp khoa học cho cây lúa năng suất, chất lượng hơn.

Hiện nay, nông dân trồng quýt đường trên địa bàn huyện Long Mỹ đang bước vào thu hoạch quýt đường chính vụ. Khác hẳn với không khí nhộn nhịp của những năm trước, vụ quýt năm nay, nhà vườn đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán liên tục sụt giảm, thương lái hạn chế thu mua, khả năng sẽ đối mặt với mùa quýt “đắng”.

Hiện nay toàn huyện đã gieo trồng được gần 100% diện tích, trong đó các xã như: Phùng Xá, Yên Tập, Điêu Lương, Hương Lung, Tiên Lương, Đồng Cam đã hoàn thành vượt mức kế hoạch. Hiện nay cây trồng vụ đông đang phát triển tốt, nhân dân trong huyện đang tập trung chăm sóc, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Sản phẩm chè khô của các hộ sản xuất, chế biến chè ở làng nghề chè Khuôn, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, đều được đại lý nhà anh Nguyễn Văn Thư và một số đại lý trong làng thu mua. Chính vì đầu ra ổn định nên nguồn thu nhập của người sản xuất và chế biến chè ở khu Khuôn luôn được đảm bảo.