Trồng Muồng Trâu: Một Vốn, Bốn Lời

Mỗi tháng, một sào muồng trâu cho thu hoạch 3 tạ lá tươi trị giá 1,2 triệu đồng. Với hiệu quả này, hiện nay nhiều hộ dân ở xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) tận dụng bờ bãi hoang, chuyển đổi diện tích cấy lúa không ăn chắc sang trồng muồng trâu.
Ông Nguyễn Xuân Toản, thôn Nam Tiến 2 nói: "Năm nay, được Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Lạng Giang) cung ứng trước giống và ký hợp đồng thu mua sản phẩm nên gia đình tôi trồng 4 sào muồng trâu trên đất bãi và ruộng cao không cấy được lúa. Đến nay, tôi đã bán được gần 8 tấn lá tươi, thu 30 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 28 triệu đồng.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ thu thêm 13 triệu đồng”. Cũng như gia đình ông Toản, bà Hoàng Thị Thanh ở thôn Tây Lễ 2 trồng 2 sào. Theo bà Thanh, trước đây, trên chân ruộng này cấy lúa chỉ thu được 1,2 tạ thóc/sào/vụ (tương đương hơn 700 nghìn đồng). Nay chuyển sang trồng muồng trâu, mỗi sào thu nhập được 8-10 triệu đồng/năm.
Nhận thấy hiệu quả từ cây muồng trâu nên đến nay người dân trong xã mở rộng diện tích lên gần 4 ha. Loài cây này thích hợp với đất bãi, vườn và chân ruộng cấy lúa thường bị khô hạn, hiệu quả kinh tế thấp. Muồng trâu là cây họ đậu, bắt đầu trồng từ tháng Một dương lịch, sau ba tháng cho thu hoạch (mỗi tháng thu 3 lần được 2-3 tạ lá tươi) kéo dài đến cuối năm.
Muồng trâu có ưu điểm: ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, không kén đất, chi phí thấp (khoảng 300-400 nghìn đồng tiền phân bón và giống/sào/năm). Để cây sinh trưởng, phát triển tốt, sau mỗi lần hái lá cần tưới nước và bón phân tổng hợp NPK cung cấp dinh dưỡng, cứ 2-3 tháng phun phân bón lá một lần. Lá muồng trâu được Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C thu mua toàn bộ.
Ông Hà Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Xương Lâm cho biết: "Muồng trâu mang lại nguồn thu cao cho nông dân. Tuy nhiên, đây là cây trồng mới nên bà con không nên vội vàng mở rộng diện tích, chỉ sản xuất khi ký được hợp đồng với công ty bao tiêu sản phẩm và chuyển đổi cây trồng trên chân ruộng cấy lúa một vụ không ăn chắc hoặc bờ bãi bỏ hoang để tránh tình trạng cung vượt cầu làm ảnh hưởng đến cơ cấu sản xuất nông nghiệp của xã".
Muồng trâu là cây thuốc nam, lá sau khi sấy khô được chế biến thành trà xuất khẩu sang Nhật Bản, có tác dụng nhuận tràng, chữa trị táo bón, một số bệnh gan.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, nông dân ở An Giang dang vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên ít sâu bệnh, bên cạnh đó, nông dân tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vì vậy đa phần diện tích lúa hè thu đều trúng mùa. Niềm vui của người nông dân được nhân đôi khi giá lúa hiện nay đang ở mức cao và dễ tiêu thụ...

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam (Bắc Giang), với hơn 1.700 ha cho thu hoạch, vụ này sản lượng na toàn huyện ước đạt 11 nghìn tấn, giảm 1,3 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Huyện Khánh Sơn đang bước vào mùa sầu riêng. Năm nay, tuy giá có cao hơn năm ngoái nhưng nông dân không vui bởi sầu riêng mất mùa. Ông Nguyễn Văn Dư - chủ vườn sầu riêng tại xã Sơn Bình cho biết, sầu riêng bán tại chỗ giá 24.000 - 25.000 đồng/kg, cắt quả còn sống bán cho thương lái giá 18.000 - 18.500 đồng/kg.

Là địa phương ven biển có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, xã Thanh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đã triển khai mô hình “Nuôi ốc hương thương phẩm” cho bà con, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống.

So với những năm trước, năm nay tôm nuôi phần lớn được mùa nhưng lại rớt giá; trong khi đó giống, thức ăn, mọi chi phí đầu vào đều cao.