Trồng Mè Luân Canh Lúa Cho Lợi Nhuận Cao

Ở ĐBSCL, cây mè (vừng) có thể trồng các vụ đông xuân, xuân hè và hè thu hoặc có thể trồng muộn hơn vào đầu vụ thu đông, nhưng cần tránh lúc thu hoạch mưa nhiều gây thất thu.
Những năm gần đây, giá lúa duy trì ở mức thấp do xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn nên việc trồng mè luân canh lúa có thể giúp nông dân có lợi nhuận cao nhờ có đầu ra ổn định.
Ông Nguyễn Văn Sêng ở phường Thới An, quận ô Môn, TP.Cần Thơ là nông dân có mô hình trồng đậu nành và mè luân canh lúa nhiều năm liền cho hiệu quả cao được nhiều nông dân học hỏi làm theo. Ông Sêng cho biết, làm lúa chỉ có lời chút đỉnh vụ đông xuân, còn 2 vụ lúa hè thu và thu đông chi phí cao mà giá bán lại bấp bênh nên lợi nhuận thấp, mấy năm nay toàn lỗ vốn. Được sự tư vấn, hướng dẫn của trạm khuyến nông quận, ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng 1 vụ mè luân canh lúa.
“Từ khi chuyển sang trồng mè, tôi thấy việc tiêu thụ dễ dàng hơn, giá cả lại ổn định do nhu cầu thị trường cao, thương lái vào tận ruộng tìm mua. Bình quân mỗi ha mè cho năng suất gần 2 tấn. Sau khi trừ chi phí đầu tư (khoảng 20 triệu đồng/ha), tôi còn lãi từ 30 - 40 triệu đồng/vụ, cao hơn gấp 3 lần trồng lúa” – ông Sêng nhận định.
Ông Trần Thanh Sang - Phó Chủ tịch UBND phường Thới Long, quận Ô Môn, cho biết do hiệu quả cao của việc trồng mè luân canh lúa nên nhiều nông dân, không chỉ ở phường Thới An mà cả phường Thới Long học hỏi làm theo. Ông Sang nhận định: “Cây mè luân canh trên đất ruộng khá phù hợp với thổ nhưỡng ở đây nên bà con dễ canh tác và cho năng suất khá cao, tiêu thụ lại dễ dàng. Xét ở khía cạnh kinh tế thì thay vụ lúa hè thu bằng vụ mè sẽ cho lợi nhuận cao hơn”.
Ông tính toán mỗi công mè (1.000m2) cho thu hoạch khoảng 180 - 200kg, với giá bán 32.000 đồng/kg, sau trừ chi phí thì nông dân còn lời từ 3 - 4 triệu đồng. Trong khi trồng lúa, trường hợp được mùa chỉ thu hoạch được khoảng 600kg lúa. Tính bình quân giá lúa khô 5.000 đồng/kg thì mỗi công lúa nông dân lời chưa tới 1 triệu đồng, nếu so với giá lúa vụ hè thu năm nay thì hầu như lỗ hoàn toàn.
“Vì thế phường đã chủ trương đấy mạnh việc luân canh màu trên ruộng lúa. Toàn phường Thới Long có 860ha đất trồng lúa, hiện nay đã chuyển đổi được 619ha sang trồng 1 vụ mè luân canh. Quận cũng đánh giá đây là một cây màu có triển vọng nên đang đẩy mạnh việc tập huấn kỹ thuật và nhân rộng mô hình này ra toàn quận trong những vụ lúa tới” – ông Sang cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Addison Lawrence - Một nhà khoa học nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu AgriLife Texas đã nghiên cứu thành công một công nghệ mới, hứa hẹn mang đến cuộc cách mạng cho ngành tôm

Không đòi hỏi diện tích và chi phí cao nhưng lại cho lợi nhuận khá hấp dẫn, nuôi dê thịt đã và đang là mô hình được nhiều hộ tại xã Long Hòa (Phú Tân - An Giang) thực hiện. Cũng nhờ mô hình này mà ông Nguyễn Văn Kìa, ngụ ấp Long Hòa 1 đã có điều kiện cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Là vùng đất phèn, qua nhiều thế hệ, người dân xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh (Hậu Giang) đã quen với cây khóm, loại cây đặc sản của vùng đất Hậu Giang. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhiều người đã cải tạo đất trồng mía thay khóm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bước sang đầu tháng 8 giá thịt lợn đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức rất cao. Cụ thể, giá lợn hơi khu vực phía Bắc ở mức 64.000 - 65.000 đồng/kg trong khi tại khu vực phía Nam là 57.000 - 58.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 7

Vất vả làm ra hạt lúa, người dân lại phải tự tìm kiếm sân phơi, rồi bán tháo, bán đổ với giá thấp để trang trải chi phí đầu tư… nên từ lâu, nhiều nông dân chưa thể làm giàu trên chính mảnh ruộng của họ. Nghịch lý này có thể được khắc phục dần nếu lãnh đạo các tỉnh, thành tích cực hơn trong việc đẩy mạnh mô hình hợp tác, liên kết sản xuất mới để doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro với nông dân