Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng màu trái vụ thu nhập khá

Trồng màu trái vụ thu nhập khá
Ngày đăng: 22/04/2015

Ông Nguyễn Lập, nông dân thôn Kim Long cho biết: “Vụ trồng màu này thường diễn ra trong tiết trời nắng nóng, khô hạn nên vất vả lắm. Bù lại giá rau củ quả ở thời điểm này thường cao gấp nhiều lần so với chính vụ nên ai cũng cố gắng làm. Ví dụ như một quả dưa gang bình thường chỉ 2.000 đồng nhưng vào thời điểm trái vụ có thể lên đến 7.000 - 8.000 đồng, có khi không có để bán. Nói chung hoa màu trái vụ tuy năng suất khó bì với chính vụ nhưng giá trị lại cao hơn”.

Gia đình ông Lập canh tác hoa màu trái vụ với diện tích trên 7 sào, chủ yếu trồng dưa gang, dưa hấu, ớt. Theo tính toán của ông Lập, vụ này nếu mọi việc thuận lợi thì sẽ cho nguồn thu từ 7 - 9 triệu đồng/sào, trừ chi phí cũng còn lãi trên 5 triệu đồng/sào. Thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch chỉ kéo dài trong khoảng hơn 2 tháng nên tỷ lệ rủi ro không cao.

Chỉ sợ nhất là nắng hạn quá lớn hoặc mưa trái mùa dài ngày. Với lại nông dân ở đây đã có kinh nghiệm canh tác hoa màu, nhất là trái vụ từ lâu đời, biết nắm bắt diễn biến của thời tiết nên việc xoay xở tưới tiêu, chăm bón cho hoa màu cũng kịp thời.

Ông Nguyễn Tý có 2 sào đất cát ở gần nhà cũng đã được phủ kín bằng những luống dưa, cà và ném xanh um. Trong số diện tích trên thì ông ưu tiên trồng ném. Ông Tý cho biết: “Trồng ném vụ này quả thật rất khó nhưng giá trị lại rất cao, bởi mùa này không nhiều người trồng ném thành công. Sào ném bình thường đã cho thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng/sào nhưng nếu vụ này mà thắng lợi thì chắc chắn sẽ lãi gấp đôi.

Cùng với cây ném, các loại dưa, cà và rau màu cũng cho nguồn thu nhập đáng kể. Ở Kim Long bây giờ, ai cũng cố gắng và chú trọng trồng màu vào vụ trái này để cải thiện thu nhập”.

Ông Nguyễn Lòng, một trong những lão nông đã có hơn chục năm kinh nghiệm trồng màu trên vùng cát, cho biết hiện nay việc canh tác hoa màu trái vụ đang là hướng đi mới của nhiều nông dân vùng cát. “Tuy nhiên, không phải ai cũng làm màu trái vụ thành công.

Bởi ngoài kinh nghiệm canh tác, thời tiết thì còn phụ thuộc rất nhiều vào vùng đất canh tác. Vùng đất trồng màu trái vụ phải có một lượng độ ẩm nhất định, hoặc vị trí phải nằm gần khu vực có nhiều cây bụi ẩm ướt mới canh tác được. Hoặc nếu không thì cũng phải chủ động được nguồn nước tưới. Nhưng đa số vùng cát trồng hoa màu xa khu dân cư nên chưa có điện kéo vào, bởi vậy canh tác hoa màu trái vụ ở vùng này sẽ dễ trắng tay”, ông Lòng phân tích.

Cũng nhờ diện tích đất canh tác khoảng 5 sào của ông nằm gần đê chắn cát của thôn, ít lo bị khô hạn nên việc trồng trọt của ông Lòng những năm qua thường diễn ra suôn sẻ. Vụ canh tác này, ông dành toàn bộ diện tích để trồng chủ yếu là dưa gang và dưa hấu. Do được chăm bón tốt nên đến thời điểm này, dưa gang của ông đã bắt đầu cho thu bói, bán được giá cao. “Ước tính toàn bộ hoa màu trái vụ này tôi thu lãi ít nhất cũng được gần 30 triệu đồng, gấp nhiều lần so với chính vụ”, ông Lòng tự tin cho biết.

Anh Nguyễn Xuân Vũ, Phó Chủ nhiệm HTX Kim Long cho biết, diện tích trồng hoa màu trái vụ này của nông dân trong thôn là khoảng 10 ha. Đây chủ yếu là những vùng đất cát thuận lợi về đường sá, chủ động được nước tưới và nằm tập trung.

“Tính ra diện tích canh tác trái vụ ít hơn chính vụ nhưng giá trị thu nhập có khi ngang bằng hoặc vượt. Bởi vậy địa phương chúng tôi luôn khuyến khích nông dân cố gắng cải tạo những vùng đất có thể canh tác trái vụ được thì đưa vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Hiện nhà nước đang triển khai đầu tư hệ thống điện lên vùng sản xuất màu tập trung ở vùng cát thôn Kim Long nên chắc chắn rằng, trong thời gian ngắn tới việc canh tác hoa màu trái vụ sẽ thuận lợi, diện tích sẽ được mở rộng qua đó giá trị thu nhập từ hoa màu trái vụ sẽ tăng lên nhiều”, anh Vũ cho biết thêm.


Có thể bạn quan tâm

Năm 2015 Thị Trường Xuất Khẩu Cá Tra Việt Nam Sẽ Còn Nhiều Thách Thức Năm 2015 Thị Trường Xuất Khẩu Cá Tra Việt Nam Sẽ Còn Nhiều Thách Thức

Năm qua, sự cạnh tranh khốc liệt để giành lấy thị trường của các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu cá tra ngày càng tăng, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại của các nước nhập khẩu ngày càng nhiều, các yêu cầu, điều kiện ngày càng khắc khe... nhưng DN xuất khẩu cá tra trong tỉnh Đồng Tháp đã năng động trong việc tìm kiếm thị trường mới.

07/02/2015
Xuất Khẩu Thủy Sản Sẽ Vượt Mốc 8 Tỷ USD Xuất Khẩu Thủy Sản Sẽ Vượt Mốc 8 Tỷ USD

Trong đó tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất (27%) và chiếm tỷ trọng lớn nhất (50,4%) nhờ lượng sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu tăng, trong khi thị trường thế giới thiếu nguồn cung do dịch bệnh EMS.

07/02/2015
Tôm Cà Mau Giảm Giá Trị Do Xuất Khẩu Sản Phẩm Thô Tôm Cà Mau Giảm Giá Trị Do Xuất Khẩu Sản Phẩm Thô

Giá trị xuất khẩu con tôm Cà Mau luôn tăng qua các năm, đạt trên 1,2 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy, phần lớn được xuất dưới dạng sản phẩm thô, mới qua sơ chế, làm giảm giá trị sản phẩm, chỉ có khoảng 40% sản phẩm có giá trị gia tăng được xuất khẩu.

07/02/2015
Lô Cá Ngừ Thứ Hai Xuất Sang Thị Trường Nhật Có Giá Bình Quân 190.000 Đồng/kg Lô Cá Ngừ Thứ Hai Xuất Sang Thị Trường Nhật Có Giá Bình Quân 190.000 Đồng/kg

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) cho biết: Lô hàng cá ngừ đại dương thứ hai của tỉnh ta xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã được bán đấu giá tại Trung tâm Đấu giá thành phố Osaka (Nhật Bản) vào sáng 2.2, với giá bình quân 1.000 JPY/kg (khoảng 190.000 đồng/kg).

07/02/2015
Xuất Khẩu Cá Ngừ “Hụt Hơi” Xuất Khẩu Cá Ngừ “Hụt Hơi”

Phần lớn, cá ngừ của Việt Nam được xuất khẩu ở dạng đã qua chế biến, làm hàng đông lạnh thay vì làm hàng chất lượng cao, xuất khẩu nguyên con trực tiếp nên giá trị thu về không cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản còn phải nhập khẩu tới 50% nguyên liệu về để chế biến nên khó có thể chủ động trong nguồn hàng cũng như ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm.

07/02/2015