Trồng lúa theo biến đổi khí hậu

Đây là mô hình đem nhiều lợi ích, vừa đầu tư chi phí thấp mà đem lại năng suất cao, đồng thời ổn định môi trường sản xuất lâu dài cho bà con nông dân…
Kỹ thuật trồng lúa SRI kết hợp áp dụng 3 giảm, 3 tăng là phương pháp canh tác dựa trên các cơ sở khoa học xuất phát từ thực tế sản xuất lúa hiện nay. Bởi một số biện pháp canh tác truyền thống của bà con nông dân đã cản trở và làm giảm sức sống tiềm năng của cây lúa, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường.
Xuất phát từ tình hình thực tế, mô hình canh tác theo SRI được triển khai tại 2 ấp, Tân Thuộc và Tân Hiệp, xã An Xuyên, TP Cà Mau.
Mô hình “3 giảm, 3 tăng” được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đầu tư tại ấp Tân Thuộc, xã An Xuyên, TP Cà Mau.
Dự án được thực hiện trên diện tích 60 ha, có 120 hộ nông dân tham gia. Trong vụ hè thu đầu tiên, bà con sử dụng giống OM6162, thời gian xuống giống và quá trình chăm sóc đều được cán bộ khuyến nông - khuyến ngư tỉnh hướng dẫn.
Ðến nay, vụ lúa hè thu đã bắt đầu thu hoạch, ước đạt năng suất khoảng 6 tấn/ha, tăng hơn 0,5 tấn so với sản xuất ngoài mô hình. Ông Nguyễn Văn Lâm, nông dân ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên, TP Cà Mau, cho biết: “So với trồng lúa theo truyền thống trước đây, áp dụng theo 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật SRI có triển vọng hơn. Vụ mùa này năng suất khoảng 40 giạ/công, cao hơn cách trồng lúa truyền thống trước đây nhiều”.
Mô hình 3 giảm, 3 tăng với kỹ thuật trồng lúa SRI tại ấp Tân Thuộc và ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên bước đầu đã đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với cách trồng lúa truyền thống. Chi phí đầu tư ít, nhưng đem lại năng suất cao, yếu tố môi trường được đảm bảo, giúp nông dân sản xuất ổn định lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân ấp Tân Hiệp, cho biết: “Tôi vừa cắt xong 8 công đất lúa hè thu, năng suất từ 38 đến 40 giạ/công. Áp dụng 3 giảm, 3 tăng lúa ít sâu bệnh, phân bón cũng ít. Môi trường trồng lúa không bị ô nhiễm thuốc trừ sâu. Trước đây trồng lúa đầu tư nhiều hơn, nay trồng lúa kỹ thuật SRI chi phí thấp, lợi nhuận lại cao hơn trước nhiều”.
Mô hình điểm, 3 giảm, 3 tăng với kỹ thuật trồng lúa SRI, tại ấp Tân Thuộc và ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên được bà con nông dân tín nhiệm, các cơ quan chuyên môn cũng đánh giá cao mô hình. Ðây là mô hình cần được triển khai nhân rộng.
Ông Thái Văn Tính, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn TP Cà Mau còn một số xã quy hoạch trồng lúa, như xã Lý Văn Lâm, An Xuyên đã triển khai cánh đồng lớn, bước đầu đem lại hiệu quả hơn. Mô hình 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật SRI này là hình thức sản xuất mới cho bà con nông dân. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các địa phương còn lại áp dụng mô hình này”.
Hiện nay, bà con nông dân nhiều nơi còn canh tác lúa theo cách truyền thống, vừa đầu tư nhiều chi phí, hiệu quả lại không cao, sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu còn ảnh hưởng đến yếu tố môi trường. Mô hình áp dụng 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI tại ấp Tân Thuộc và ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên đã khắc phục những hạn chế của cách trồng truyền thống. Mô hình này, bà con nông dân cần phát huy và nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm xây dựng thương hiệu cho thanh long Bình Thuận, Đề án dán tem có chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên quả thanh long khi đưa ra thị trường được tiến hành. Đơn vị thực hiện đề án là Hiệp hội thanh long Bình Thuận, thời gian thực hiện là 2 năm (từ 5/2013 – 5/2015), tổng kinh phí là 2.076 triệu đồng, trong đó nhà nước cấp một nữa, còn lại do Hiệp hội và các doanh nghiệp đóng góp.

Hiện tại, HTX Thạnh Phước, ở xã Đông Thạnh chỉ tiêu thụ từ 1.000 - 1.500kg cung cấp cho các chợ đầu mối lân cận; còn những hợp đồng lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thì không đủ số lượng theo hợp đồng. Theo các nhà vườn nơi đây, gần đến Tết Nguyên đán, giá chanh không hạt sẽ tăng trở lại và sản lượng sẽ tăng lên, bởi nhà vườn đang chăm sóc xử lý cho trái nghịch vụ.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục tăng mạnh. Năm 2014, thanh long tiếp tục trồng mới thêm 3.381 ha, đưa diện tích thanh long trên toàn tỉnh lên 24.000 ha, sản lượng ước đạt 500.000 tấn.

Sầu riêng là một trong những cây ăn trái chủ lực của cả nước và vùng Nam bộ. Những năm qua, tình trạng được mùa, rớt giá thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa thuận do đụng với nhiều loại trái cây khác. Vì thế, rải vụ được xem là giải pháp hiệu quả đang được ngành Nông nghiệp quan tâm triển khai.

Từ nhiều năm nay, xử lý thanh long cho ra quả vụ nghịch được coi là giải pháp hữu hiệu mang lại nguồn thu chính của nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Bởi, thông thường giá bán nghịch vụ lúc nào cũng cao hơn chính vụ. Thế nhưng, vào thời điểm này, thanh long đang thu hoạch rộ thì giá bán trên thị trường sụt giảm mạnh, thấp hơn lúc chính vụ.