Trồng Khoai Nưa

Tinh bột khoai nưa có thể sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất nhiều loại kẹo bánh, làm miến, đặc biệt có thể sử dụng trong công nghiệp để hồ vải. Nếu phát triển công nghiệp chế biến ethanol thì tinh bột cây nưa sẽ là nguồn nguyên liệu đáng kể để sản xuất nhiên liệu sinh học trong tương lai. Khoai nưa dễ trồng, kỹ thuật đơn giản, ít bị sâu bệnh hại, năng suất khá cao, đầu tư chi phí thấp mà hiệu quả cao.
Khoai nưa không kén đất, có thể trồng được trên nhiều loại đất từ đất xấu bạc màu đến đất hoang đồi núi tơi xốp, nhiều mùn. Tuy chịu hạn khá tốt nhưng khoai nưa không chịu được úng ngập do đó cần chọn đất dễ thoát nước, nơi thấp cần lên luống cao. Một trong những đặc điểm sinh lý quan trọng của cây khoai nưa là khả năng chịu bóng rất cao, dễ quang hợp ở những nơi có sánh sáng tán xạ, độ che phủ cao do đó rất thích hợp để trồng xen dưới các tán rừng, vườn cây ăn quả vừa tận dụng được đất đai, vừa góp phần chống xói mòn bảo vệ đất và rừng rất tốt. Đây là một loại cây có củ bản địa có giá trị kinh tế cần được khôi phục sản xuất để phục vụ nhu cầu kinh tế của xã hội đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
- Thời vụ trồng: Khoai nưa có thể trồng quanh năm nhưng thời vụ tốt nhất là mùa xuân (tháng 2-3) và mùa thu (tháng 9-10). Riêng các tỉnh miền Trung cần tránh trồng vào các tháng có gió Lào khô nóng (tháng 6-7).
- Chọn và làm đất: Tuy không kén đất nhưng nên chọn trồng trên các loại đất phù sa ven sông suối, đất nâu đỏ trên nền đá vôi có lượng mùn cao (chân núi) và đất đồi núi mức độ thoái hóa chưa mạnh, đất ẩm, hàm lượng mùn và dinh dưỡng còn khá. Đất được cày bừa kỹ, nhặt sạch rễ cây, đá to, cỏ lại, lên luống rộng 1,2-1,4m, cao 30-35cm; luống chạy theo đường đồng mức. Nếu đất chua nên bón thêm vôi trong quá trình làm đất.
Trên mặt luống cuốc các hố trồng với kích thước: 30 x 30 x30cm, hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 50cm. Trong trường hợp trồng xen dưới tán rừng hoặc trong vườn cây ăn quả, nếu đất dốc không cần lên luống thì trồng với khoảng cách: cây cách cây 50cm, hàng cách nhau 1m. Những nơi đất tốt, nhiều mùn không cần bón nhiều phân nhưng những nơi đất xấu cần bón nhiều phân chuồng, lân và kai li sẽ cho củ to, năng suất cao và củ mới nhiều tinh bột, ăn mới ngon.
-Cách trồng: Giống được trồng chủ yếu bằng chồi củ. Với những củ nhỏ có đường kính 2-3cm có thể trồng nguyên củ, với các củ lớn có nhiều mầm mắt thì có thể chẻ làm nhiều mảnh (đã lấy hết phần bột), mỗi mảnh có ít nhất 1 mầm mắt và một ít rễ để trồng nhằm tiết kiệm giống. Chấm mặt cắt của mảnh giống vào tro bếp hoặc bột xi măng cho khô nhựa trước khi trồng để tránh bị mất nước hoặc nấm bệnh xâm nhập làm thối, hỏng. Đặt các mảnh giống xuống hố, mầm mắt quay lên trên, phủ đất bột lên, dện chặt, sau đó phủ tiếp một lớp đất mỏng mịn nữa rồi dùng cỏ khô, rơm rạ, lá cây khô phủ kín toàn bộ mặt luống vừa để giữ ẩm cho khoai nưa đồng thời hạn chế cỏ dại mọc.
-Chăm sóc: Khi nưa mọc cao 15-20cm, làm cỏ, xới xáo và vun gốc. Những nơi không lên luống thì tranh thủ lúc này để vun gốc tạo thành những luống nhỏ vừa tạo điều kiện cho cây làm củ tốt đồng thời tạo rãnh thoát nước theo đường đồng mức, tránh để cây bị úng ngập. Khi thấy nưa ra hoa, cắt bỏ hoa để tập trung dinh dưỡng nuôi cây và củ lớn sẽ cho chất lượng cao.
- Thu hoạch: Khoai nưa có thể để từ 2-3 năm, nhưng nên thu hoạch củ tốt nhất sau trồng 1 hoặc 2 năm sẽ cho chất lượng tốt nhất. Thu hoạch củ khi thấy thân lá đã ngả màu vàng, có xu hướng lụi dần. Dùng dao cắt bỏ phần thân sát gốc rồi dùng cuốc hoặc cào răng sắt thưa xới xung quanh gốc và nhẹ nhàng dỡ củ ra tránh để dập nát, xây xước. Làm sạch đất, đem đI tiêu thụ hoặc xếp vào nơi khô ráo, thoáng mát hoặc trên giá cao để cất giữ dùng dần. Mỗi hốc cho 1 củ mẹ to và nhiều củ con nặng trung bình 2kg. Nếu trồng trên đất tốt, được bón nhiều phân, củ có thể nặng tới 5-6kg, thậm chí có củ nặng tới 10kg.
Có thể bạn quan tâm

Là mặt hàng thành công nhất trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản năm 2013, nhưng những tháng đầu năm 2014, tôm Việt Nam liên tiếp bị cảnh báo nhiễm kháng sinh và bị bơm Agar, gây ảnh hưởng không tốt trên thị trường.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK cá tra sang Mỹ từ 1/1/2014 đến 15/3/2014 đạt giá trị 73,1 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ hiện vẫn dẫn đầu về NK cá tra Việt Nam chiếm 21,4% tổng kim ngạch XK mặt hàng này.

Sáng 25/4, Trung tâm phát triển chăn nuôi, thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã ra mắt chuỗi liên kết chăn nuôi TP Hà Nội và khai trương hệ thống cửa hàng tiêu thụ thực phẩm của Công ty CP Cộng Đồng Green Food Hà Nội.

Trại nuôi chim bồ câu, chim cút của anh Trần Thanh Phương ở ấp 2, thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành, Bình Phước) hiện là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của đông đảo thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Là cơ quan nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới và cung ứng các giống đầu dòng cho hệ thống giống 3 cấp, hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL sản xuất và phân bổ cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hơn 2.000 tấn giống phục vụ nhu cầu sản xuất lúa ở các địa phương.