Trồng Keo Lai Theo Cách Hà Lan - Phần Lan Tiếp Cận Mới Với Cây Trồng Cũ

Dự án Hỗ trợ các tổ chức nông hộ sản xuất lâm nghiệp miền Trung Việt Nam của tỉnh Quảng Ngãi do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Hà Lan đồng tài trợ vừa được triển khai thực hiện. Mục tiêu nhằm giúp nông hộ nhận thức về nghề trồng rừng và phát triển kinh tế rừng theo hướng hiệu quả nhất.
Học trồng rừng kiểu mới
Mới đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức khởi động Dự án Hỗ trợ các tổ chức nông hộ sản xuất lâm nghiệp miền Trung Việt Nam của tỉnh Quảng Ngãi. Đó là tập huấn nâng cao nhận thức về lâm nghiệp cho hơn 230 xã viên 2 HTX Thọ Trung, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) và Hành Dũng (Nghĩa Hành) về quy trình kỹ thuật trồng rừng, xây dựng kế hoạch kinh doanh rừng trồng bền vững; cấp chứng chỉ rừng quốc tế.
Mặc dù là những người trồng rừng (keo) thực thụ đã hàng chục năm nay, trong đó có nhiều nông dân sản xuất giỏi, nhưng khi nghe các chuyên gia trong lĩnh vực trồng rừng theo cách Hà Lan – Phần Lan hướng dẫn cách thức triển khai trồng keo từ ươm giống, chuẩn bị đất đến trồng, chăm sóc và thu hoạch, nông dân mới vỡ lẽ: Đúng là phải học mới trồng keo giỏi được!
Bà Phạm Thị Thúy, xã viên HTX Hành Dũng chia sẻ: “Cây keo dễ sống. Cứ nghĩ keo trồng sao chẳng được, miễn là nó sống. Thế nhưng, qua lớp tập huấn này, chúng tôi mới hiểu phải trồng đúng quy trình kỹ thuật, thời vụ từ sản xuất cây giống, trồng và thu hoạch thì mới đem lại hiệu quả cao, bảo vệ môi trường”.
Ban đầu khi nghe Ban Giám đốc HTX Hành Dũng “mời” xã viên đi học trồng keo, ai cũng buồn cười vì thực tế họ đã trồng loại cây này hàng chục năm nay với sản lượng nhất nhì trong tỉnh. Nhiều xã viên ra lớp chỉ vì tò mò mà thôi. Vậy mà khi nghe chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật mới trong canh tác keo, các học viên lớp tập huấn đều say sưa lắng nghe. Nhiều người còn ghi chép tỉ mỉ.
Thiết thực với người trồng keo
Dự án Hỗ trợ các tổ chức nông hộ sản xuất lâm nghiệp miền Trung Việt Nam của tỉnh Quảng Ngãi do Liên minh HTX tỉnh làm chủ dự án. Đây là dự án hỗ trợ các tổ chức hợp tác xã dựa vào thành viên trong việc cung cấp các dịch vụ cho các chủ hộ trồng rừng quy mô nhỏ dựa vào những kinh nghiệm đã đạt được.
Đồng thời xúc tiến các mô hình cấp chứng chỉ rừng PEFC để tăng các giá trị sản phẩm gỗ, nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, phát triển kinh doanh rừng bền vững; phát triển mối liên kết thể chế và quan hệ hợp tác, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đơn vị thụ thưởng là HTX Thọ Trung, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) và HTX Hành Dũng (Nghĩa Hành).
Dự án gồm 4 hợp phần: Phát triển tổ chức và xây dựng năng lực; phát triển thể chế; nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp; phát triển kinh doanh rừng. Tổng kinh phí hơn tỷ đồng, được triển khai thực hiện trong năm 2014 và 2015.
Hiện tại, xã Hành Dũng có 1.500ha rừng trồng, thu nhập bình quân từ rừng hằng năm sau khi trừ chi phí khoảng 8 triệu đồng/ha. HTX Nông nghiệp Thọ Trung diện tích keo cũng tương đương với HTX Hành Dũng, nhưng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích thấp hơn, chỉ khoảng 7 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, sản lượng, giá bán đối với mặt hàng này thường không ổn định, do phải phụ thuộc nhiều yếu tố.
Đặc biệt, đây là mặt hàng xuất khẩu đòi hỏi phải có xuất xứ hàng hóa mới bán được giá cao. Trong khi đó nông dân thì chỉ biết trồng, thu hoạch, chứ thực sự chẳng biết “đăng ký xuất xứ hàng hóa” do mình làm ra như thế nào. Vì thế, giá bán thường thấp nhiều lần so với sản phẩm gỗ keo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Trương Quang Sinh – Giám đốc HTX nông nghiệp Hành Dũng cho biết: “Dự án này rất thiết thực với xã viên và những người trồng keo ở Hành Dũng. Ngoài giúp nông dân chuẩn hóa quy trình kỹ thuật, nâng cao sản lượng, chất lượng gỗ keo, dự án còn hỗ trợ nông dân tiếp cận đăng ký chứng chỉ rừng. Đó là cách gián tiếp giúp địa phương cải thiện thu nhập của người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Hành Dũng, Tịnh Thọ là hai địa phương được mệnh danh là “vựa gỗ keo” của huyện Nghĩa Hành và Sơn Tịnh. Thế mạnh này cộng với sự hỗ trợ của dự án, chắc chắn người trồng keo ở đây sẽ có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Đối với chủ dự án, ông Phạm Hoài Nam - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Ngoài việc giúp nâng cao kiến thức trồng rừng, dự án này còn giúp nông dân Quảng Ngãi tiếp cận với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là chuẩn hóa quy trình sản xuất hàng hóa đối với gỗ keo xuất khẩu, để nông dân không bị thua thiệt trên thị trường thế giới”.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi Báo NTNN đăng tải 2 bài về thương hiệu gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) bị “đánh cắp”, lãnh đạo huyện này cho biết sẽ kêu gọi các doanh nghiệp chung tay giúp sức bảo vệ thương hiệu này.

Trước thông tin dịch bệnh xảy ra ở một số tỉnh miền Trung, phía Bắc và việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt từ Việt Nam, giá heo hơi chỉ còn khoảng 3,6 triệu – 3,8 triệu đồng/tạ (giảm hơn 700.000 đ/tạ so cùng kỳ). Với mức giá này, người nuôi heo trong tỉnh An Giang lỗ từ 200.000 đ – 400.000 đ/tạ, do giá thành mỗi tạ heo khoảng 4 triệu đồng. Đây là nguyên nhân chính tác động đến phát triển nghề nuôi heo ở các địa phương, đến thời điểm 1-4, tổng đàn toàn tỉnh An Giang khoảng 167.000 con, giảm 6% so với cùng kỳ.

Ngày 27/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm xảy ra ở nhiều hồ nuôi của các hộ gia đình, theo kết quả xét nghiệm thì nguyên nhân dịch bệnh ở một số hồ nuôi được xác định là do bệnh teo gan, số còn lại chưa rõ nguyên nhân.

Năm 2013, huyện Vạn Ninh thả nuôi trên 180 ha tôm chân trắng, trong đó nuôi thâm canh theo công nghệ cao chiếm 25%, còn lại nuôi trong ao đất. Đối với tôm nuôi trong ao đất, tình hình vẫn không khả quan do tôm bị dịch. Tuy nhiên, các hộ nuôi tôm theo công nghệ cao lại được mùa do đảm bảo được các yếu tố như thức ăn, nguồn nước, môi trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết, sau thời gian thí điểm thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh chương trình theo hướng mở rộng quy mô cả hộ tham gia và diện tích đất sản xuất.