Trồng Dưa Chuột Nhật, Thu Nhập Gấp 3 Dưa Thường

Nông dân miền Bắc trồng các giống dưa chuột của Nhật Bản do Cty TNHH Pacific (TP Hoà Bình) cung ứng để SX nguyên liệu XK đang có một vụ thu hoạch dưa bội thu.
![]() |
![]() |
Mấy năm gần đây, xã Nguyễn Uý (huyện Kim Bảng, Hà Nam) đã mạnh dạn phối hợp với Cty TNHH Hoàng Hương (là DN thành viên chuyên SX dưa chuột nguyên liệu cho Cty TNHH Pacific, có trụ sở tại xã Yên Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên) chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa 2 vụ sang trồng các giống dưa chuột của Nhật Bản phục vụ XK. Ông Dương Văn Hiển (xóm 1, xã Nguyễn Uý) cho biết, đây là năm thứ 3 gia đình ông cũng như các hộ trong xã ký hợp đồng với HTX trồng dưa chuột Nhật Bản cung cấp cho Cty Hoàng Hương. Theo đó, Cty sẽ ký hợp đồng với HTX, sau đó HTX ký hợp đồng triển khai SX tới các hộ dân.
Phía Cty sẽ chịu trách nhiệm cung cấp hạt giống; cung ứng thuốc trừ sâu, cọc làm giàn leo; hướng dẫn và giám sát kỹ thuật, đồng thời mua sản phẩm sau khi thu hoạch. Cty TNHH Pacific là Cty liên doanh với Nhật Bản, vì vậy toàn bộ hạt giống dưa chuột đều do Pacific đưa từ Nhật Bản sang và cung cấp cho nông dân dựa trên hợp đồng SX nguyên liệu. Vì vấn đề an ninh hạt giống, giống dưa được nhân viên kỹ thuật của Cty này trực tiếp quản lí và phân phối tới tay nông dân rất nghiêm ngặt. Đến vụ thu hoạch, nông dân tuyệt đối không được bán sản phẩm ra bên ngoài mà phải cung cấp cho Cty. Sau đó, dưa được chuyển về NM chế biến đóng tại TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) để chế biến đóng hộp và trực tiếp chuyển sang tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản.
Ông Dương Văn Hiển cho hay, hầu hết các giống dưa chuột Nhật Bản như Kizawa, Choka... do Cty Pacific cung cấp đều có ưu điểm là thời gian cho quả rất ngắn và thời gian thu quả kéo dài. Chỉ 30 ngày sau khi trồng là dưa đã bắt đầu ra quả và thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 1,5 đến 2 tháng sau đó. Các giống dưa đều cho quả rất dài (từ 35 đến 50cm), ruột đặc và gần như không có hạt nên trọng lượng mỗi quả có thể tới hơn 300g. Với khoảng 1.500 gốc dưa chuột giống Kizawa, chỉ trồng 2 tháng gia đình ông Hiển dự kiến sẽ thu gần 5 tấn quả. Hiện tại, Cty Hoàng Hương đang thu mua dưa nguyên liệu với giá 2.000đ/kg. Với giá này, trừ chi phí đầu tư gia đình ông dự kiến lãi không dưới 10 triệu đồng.
Theo nông dân xã Nguyễn Uý, nếu chăm sóc tốt, bình quân mỗi gốc dưa chuột giống Nhật Bản có thể cho 3,5kg quả, tương đương gần 4 tấn/sào, cao gấp 3 lần so với năng suất các giống dưa chuột trong nước hay giống dưa chuột lai NK khác. Về thu nhập, mỗi sào dưa hiện nay bình quân có thể cho thu nhập hơn 4 triệu đồng/vụ, cao gấp 2-3 lần so với các giống dưa hay hoa màu khác. Vì vậy, dưa chuột Nhật Bản hiện nay vẫn là cây trồng ưu tiên hàng đầu của nông dân xã Nguyễn Uý.
Anh Nguyễn Dương Hưng – trợ lí GĐ Cty TNHH Hoàng Hương cho biết, vùng nguyên liệu của Cty hiện nay mới chỉ khoảng 70 hecta, tập trung chủ yếu tại Hiệp Hòa, Lục Nam (Bắc Giang) và các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên (Hà Nam). Các giống dưa Nhật đều thích nghi rất rộng với khí hậu và đất đai ở các tỉnh phía Bắc. Dưa có thể trồng được 3 vụ/năm, gồm vụ đông, xuân hè và vụ hè thu. Trong đó, vụ đông và ĐX là thích hợp và chắc ăn nhất. Năng suất 2 vụ này có thể đạt 70-90 tấn/hecta, cho thu từ 130-160 triệu đồng/hecta/vụ khá dễ.
Nhằm quản lí hạt giống, Cty TNHH Pacific có khẩu hiệu, mỗi nhân viên phát triển nguyên liệu khi mang 1kg hạt giống đi, phải đưa tối thiểu 50 tấn nguyên liệu về nhà máy.
Mặc dù vậy, chủ trương của Cty là không mở rộng vùng nguyên liệu ồ ạt, mà mở rộng tới đâu chắc chắn và hiệu quả tới đó. Để các giống dưa thích nghi với điều kiện của Việt Nam, hàng năm các kỹ thuật viên về giống của Cty TNHH Pacific từ Nhật Bản sang sẽ trực tiếp giám sát các nhược điểm của giống trên đồng ruộng, sau đó lấy mẫu về Nhật để hoàn thiện giống. Vì vậy, dưa thường rất ít sâu bệnh. Để giảm giá thành đầu tư và an toàn cho nông dân trồng nguyên liệu, Cty đã trực tiếp lựa chọn và chỉ cung ứng cho nông dân các loại thuốc trừ sâu ít độc hại. Đối với đầu tư mua cọc leo cho dưa khoảng 1,5 triệu đồng/sào, Cty cũng đã trực tiếp thu mua cây dóc từ Quảng Ninh, có độ bền sử dụng từ 5-8 năm để cung ứng cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Bộ Công Thương vừa đề xuất với các bộ, ngành miễn giảm chi phí xuất khẩu vải sang Malayssia cho Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Quảng Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) để sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu con giống “sạch” cho nghề nuôi thủy sản của tỉnh.

Trồng rừng khá chuyên nghiệp nên gia đình ông Huỳnh Thanh Nghĩa, ở thôn 6, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) đã vươn lên làm giàu.
Huyện Tuần Giáo có 211ha mặt nước để nuôi thủy sản, với sản lượng cá hàng năm đạt trên 232 tấn; tập trung ở các xã: Mường Mùn, Mùn Chung, Quài Tở, Quài Cang, Chiềng Sinh, Chiềng Đông. Nhờ đầu tư các mô hình nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo. Tuy nhiên, hàng năm bước vào mùa mưa gây khó khăn không nhỏ cho các hộ nuôi thủy sản do nước ngập hoặc sau lũ xuất hiện dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất thủy sản.
Vụ mùa năm nay, toàn xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) gieo cấy 69ha lúa, cơ cấu giống chủ yếu là các giống lúa địa phương và Nhị ưu 838. Từ đầu tháng 6, nông dân xã Quảng Lâm đồng loạt ra đồng nạo vét kênh mương, cày ải đất, chuẩn bị thóc giống để gieo mạ sau đó đợi mưa xuống, có nước mới tiến hành gieo, cấy. Thời điểm này, khoảng 90% diện tích đã được cày ải xong. Sau mấy trận mưa giông đầu mùa, lượng nước dồi dào, bà con tập trung dẫn nước vào ruộng bắt đầu gieo, cấy.