Trồng Điều Kiểu Mới

Trồng điều từ năm 1986 với diện tích ban đầu hơn 1 hécta, hiện nay gia đình ông Nguyễn Hải Dương (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành - Đồng Nai) có hơn 3 hécta điều, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.
Gần 30 năm gắn bó với cây điều và cũng là một trong những nông dân trồng điều giỏi ở Đồng Nai, ông Dương luôn chú trọng tìm những giống điều mới cùng với những cách làm mới để cải tạo vườn điều, cải thiện năng suất điều nhằm tăng thu nhập.
Năm 2012, trong một chuyến thăm trại cây giống ở huyện Trảng Bom, biết một giống điều mới với dáng cây nhỏ, thấp cho nhiều quả, ông đã mua về trồng thử. Ban đầu ông mua 50 cây về trồng, thấy giống mới phát triển nhanh nên ông đã mua thêm 300 cây nữa để mở rộng diện tích.
Tuy nhiên, ông Dương không trồng theo dạng điều truyền thống mà trồng theo kiểu bonsai, cây chỉ cao khoảng 1,5m. Ông Dương chia sẻ: “Giống điều này tới năm thứ 2 đã bắt đầu ra bông, mỗi cây sẽ để lại khoảng 30-40 chồi to, khỏe. Sau mỗi lần thu hoạch trái xong tôi cắt đi toàn bộ cành nhỏ, chỉ để lại gốc và các cành lớn”.
Cách trồng điều ghép giống mới theo dạng bonsai của ông Dương được xem là một trong những mô hình mới ở Đồng Nai. Cách làm này cũng phù hợp với diện tích đất nhỏ của hàng vạn hộ nông dân, chỉ cần có diện tích đất vườn nho nhỏ cũng có thể trồng điều mới này và bắt đầu thu hoạch từ năm thứ 2 trở đi.
Ông Dương cho biết : “Vì trồng theo dạng bonsai nên buộc người dân phải chăm sóc kỹ lưỡng hơn trồng điều truyền thống, phải bảo vệ bộ lá thật tốt để không bị côn trùng phá hoại, đảm bảo cho việc ra chồi của cây”.
Hiện nay, ông Dương cũng đã thay 1hécta điều cũ sang trồng điều ”kiểu mới” với năng suất cao hơn để tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, ông Dương cũng ươm thêm giống cây mới và hướng dẫn cho nông dân trong vùng cách trồng và chăm sóc cây điều theo dạng bonsai.
Có thể bạn quan tâm
Hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm qua, ông Trần Văn Hành (dân tộc Sán Dìu) ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã không ngừng lao động sáng tạo và thực hiện thành công quy trình sản xuất cho quả vải thiều ra quả trong thân – “vải thiều nho”.

Hơn 414.000ha trái cây các loại với sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn mỗi năm, vùng Nam Bộ được mệnh danh là nơi sản xuất và xuất khẩu trái cây chủ lực của cả nước. Mấy năm gần đây việc sản xuất trái cây được ngành chức năng quan tâm, nhiều địa phương xem trái cây là thế mạnh đột phá giúp nông dân làm giàu; nhờ đó mà diện tích trái cây tăng nhanh.

Dự báo trong mùa mưa năm nay, nông dân sẽ đổ xô trồng cây đinh lăng bởi giá trị kinh tế của nó vượt xa so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên Bình Phước hiện nay vẫn chưa chọn được loại giống đinh lăng nào phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.

Hiện giá mủ cao su được thương lái thu mua ở mức 12.000 đồng/kg mủ đông, tăng 4.000 đồng/kg so với giá bình quân năm 2014. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, hai năm liền cao su giảm tái tạo mủ, năng suất thấp nên người trồng cao su không vui.
Khác với tâm trạng phấn khởi trong những vụ khoai môn trước đây, không khí thu hoạch khoai môn vụ hè thu 2015 ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) diễn ra khá buồn tẻ. Khoai môn rớt giá, thương lái không chịu thu mua, nhiều ruộng khoai môn tới ngày thu hoạch nhưng chủ ruộng chẳng màng thu hoạch.