Trồng Điên Điển Lấy Bông Mùa Lũ

Thấy đất ruộng mùa lũ bỏ hoang, hai ông bà già quê miền Tây bàn nhau thuê để trồng điên điển. Tưởng chơi mà hoá ra "ăn thiệt", bởi thứ rau sạch này giúp ông bà thu hoạch mỗi mùa chừng vài chục triệu đồng.
Mấy ngày này, đi từ hướng thành phố Tây Ninh về Bến Cầu, vừa qua cầu Gò Chai chừng trăm mét, nhìn hướng tay phải tỉnh lộ 786, nhiều người thấy một vùng xanh um điên điển, lại thấy lấp loá ánh vàng của những chùm hoa vừa nở. Nếu để ý kỹ, người qua đường sẽ thấy vùng điên điển này gồm nhiều hàng thẳng tắp, như được trồng tỉa chứ không phải mọc tự nhiên trong mùa nước nổi như một số nơi khác.
Tò mò, tôi tấp xe vào căn nhà nhỏ đơn sơ ven đường, cạnh vùng điên điển rộng lớn. Tiếp tôi là vợ chồng lão nông tuổi thất tuần, giọng rặt miền Tây. Đúng như dự đoán, đám điên điển này do nhà họ trồng lấy bông bán trong mùa nước nổi.
Ông tên Trần Văn Ngưng, quê Đồng Tháp. Do vợ chồng người con trai út sống ở xã Long Vĩnh (huyện Châu Thành, Tây Ninh) neo đơn, lại nuôi con nhỏ nên hai vợ chồng ông Ngưng từ miền Tây khăn gói lên đây ở với con trai.
Năm ngoái, thấy đám ruộng người hàng xóm đến mùa nước nổi không trồng lúa được, bỏ hoang nên vợ chồng ông Ngưng xin trồng cây điên điển hái bông bán kiếm chút thu nhập. Chỉ với khoảng nửa công đất (500m2) trồng điên điển, mùa nước nổi năm rồi, vợ chồng ông Ngưng kiếm được hơn 20 triệu đồng.
Thấy hiệu quả, năm nay, ông bà thuê thêm khoảng 3 công đất (3.000 m2) đất trồng lúa của người láng giềng với giá 30 giạ lúa/năm.
Cuối năm ngoái ông về Đồng Tháp tìm hái trái điên điển chín để dành làm giống. Đến tháng hai âm lịch vừa qua, ông bà làm luống gieo điên điển. Chừng hơn tháng sau, điên điển cao khoảng 3 tấc, họ nhổ và trồng theo hàng, mỗi hàng cách nhau chừng 4m. Gần 6 tháng kể từ ngày gieo hạt, điên điển cho bông, lúc đầu lác đác, đến gần cuối tháng 6 âm thì đã dần rộ.
“Chừng hơn tháng nửa, khoảng giữa tháng 8 âm lịch – thời điểm đỉnh lũ cũng là mùa điên điển rộ. Lúc đó chú qua đây sẽ thấy bông nở vàng rực, đẹp lắm”, bà Ngưng hồ hởi nói.
Năm trước, mỗi ký bông điên điển được bà Ngưng bán với giá 40.000 đồng. Năm nay, giá tăng lên 50.000 đồng mỗi ký “nhưng không có để bán”. Với hơn 3 công đất trồng điên điển vụ này, bà Ngưng ước tính vào thời điểm bông nở rộ, vợ chồng bà có thể hái được cả chục ký mỗi ngày. Dự kiến, đến cuối vụ thu hoạch vào tháng 10 âm lịch (Giáp Ngọ), ông bà dự tính kiếm được vài chục triệu đồng.
Bông điên điển được hái vào lúc khuya. Khoảng hai, ba giờ sáng, ông đội đèn ắc quy ra đồng hái bông. Lúc này, lá điên điển “ngủ”, khép kín. Còn bông thì ngược lại, bung ra tươi roi rói nên rất dễ hái.
“Tính ra, trồng điên điển cho huê lợi gấp ba, bốn lần trồng lúa. Mà trồng điên điển đúng là trồng rau sạch đó chú, bởi không tốn giọt thuốc bảo vệ thực vật nào, và chỉ tốn hơn trăm ngàn phân bón cho cây lúc nhỏ. Bởi vậy tôi mới dám mạnh dạn thuê đất trồng”, bà Ngưng bộc bạch.
Có thể bạn quan tâm

Lô trứng vịt muối nói trên có tổng cộng 120.000 quả, sẽ được nhà nhập khẩu đưa vào bán tại các hệ thống siêu thị ở Brunei.

Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số từ chính thế mạnh sản xuất cây dược liệu – Thảo quả, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Giang triển khai Dự án “Gia vị cuộc sống”, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Sáng kiến Phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á là dự án phối hợp giữa Bayer, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang.

Những định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, các thông tin về những khu vực thị trường trọng điểm với các mục tiêu cụ thể đã được Bộ Công Thương đưa tới các doanh nghiệp tại Hội thảo: “Thông tin thị trường và cơ chế tạo thuận lợi thương mại hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và vận tải” diễn ra sáng nay, 17/11/2015 tại Hà Nội.

“Để tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng như các thị trường khác, doanh nghiệp cần kinh doanh có chuyên môn hóa cao và chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối ưu cho doanh nghiệp”.