Trồng Đậu Phộng Cho Thu Nhập Ổn Định

Là vùng chuyên canh màu, nông dân xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng canh tác rất nhiều loại, trong đó cây đậu phộng đã chứng tỏ ưu thế hơn hẳn do đặc tính ngắn ngày, dễ trồng, năng suất cao, giá cả ổn định. Do đó nhiều năm nay, cây đậu phộng đã rất quen thuộc với nông dân Đại Tâm và đã giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Hiện nay nông dân Đại Tâm đã chủ động được nguồn nước trong sản xuất, nên bà con trồng đậu phộng quanh năm. Chỉ khoảng ba tháng chăm sóc là cho thu hoạch, do đó một năm bà con có thể trồng từ 3 – 4 vụ.
Vùng đất pha cát của Đại Tâm rất thích hợp để trồng đậu phộng, là cây ra hoa trên thân nhưng cho củ dưới đất, nên đậu phộng cần luống trồng tơi xốp cao ráo. Trước khi trồng cần bón phân lân để cây phát triển tốt.
Theo kinh nghiệm của ông Trần Văn Hồng ở ấp Tâm Thọ, muốn đậu phát triển tốt cần chú ý một số điểm: “Theo kinh nghiệm của tôi, cách trồng đậu phộng cũng đơn giản, trước nhất mình xới luống, bón vôi bón lân, gieo hạt, cây đậu thì cần nhất là kali, lân, còn đạm thì đậu tự tổng hợp được.
Chăm sóc cũng dễ, chủ yếu nhổ cỏ, bón phân đúng, cỡ ba tháng thì thu hoạch. Lượng đạm đậu để lại trong đất rất tốt, mình giao lại khoai hay rau gì lên cũng tốt hơn”. Còn theo kinh nghiệm của chị Thạch Thị Thu Cúc ở cùng ấp thì: “Trồng đậu phộng ít tốn phân thuốc lắm, với lại ít tốn công chăm sóc nữa 2 – 3 ngày mới làm cỏ lần, nhưng khi cây lớn thì ít có cỏ lắm nên mình cũng không tốn công nhiều rất thuận lợi”.
Một công đậu phộng thu hoạch ít nhất cũng được khoảng 500 kg, có hộ thu được 1 tấn. Giá đậu phộng từ 8 – 15 ngàn đồng/kg, tính ra một công đất thu về từ 8 triệu đến trên 15 triệu đồng. Chị Cúc cho biết thêm: “Đậu phộng có thể trồng quanh năm được, nhưng theo kinh nghiệm tôi thấy mình cứ trồng một thứ hoài thì năng suất không được cao, mình phải cho đất nghỉ hay trồng lại mấy loại rau khác, rồi sau đó mới trồng lại đậu phộng thì vụ đó mới trúng lại”.
Mỗi năm Sóc Trăng có trên 40 ngàn ha trồng rau đậu các loại, trong đó Đại Tâm có hơn 800 ha màu. Đất đai thường được nông dân canh tác quanh năm để tăng thu nhập, nên mau bị bạc màu, mất dưỡng chất.
Do cây họ đậu có tác dụng rất tốt trong việc cải tạo đất và theo kinh nghiệm của nông dân không nên trồng đậu phộng hoặc các loại cây họ đậu trên một diện tích trong thời gian dài, vì như vậy mầm bệnh sẽ lưu tồn và phát triển. Do đó đậu phộng thích hợp trồng xen canh hoặc luân canh, vừa giúp cải tạo đất vừa cải thiện thu nhập cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Đây là cây cứu cánh của người dân nơi đây. Người tiên phong trồng khoai sáp là ông Nguyễn Văn Thơm. Từ năm 2004 ông chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai, năm nào cũng cho năng suất ổn định từ 1,5 - 1,7 tấn/sào, sau khi trừ chi phí lãi từ 7 - 10 triệu đ/sào. Vào dịp Tết khoai sáp tiêu thụ mạnh từ 13.000 - 15.000 đ/kg, lãi gần gấp đôi ngày thường. Vụ Tết vừa qua, với 3 sào khoai sáp, năng suất đạt 1,5 tấn/sào, bán 14.000 đ/kg, trừ chi phí ông Thơm lãi hơn 30 triệu.

Trồng dâu, nuôi tằm lâu nay vốn là nghề quen tay đối với nhiều nông dân ở Nghĩa Hành. Thế nhưng những năm gần đây, thay vì nuôi tằm kén như truyền thống, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tằm vôi – một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từng niên vụ, tổ luôn bám sát các bộ giống thích nghi do Cục Khuyến nông khuyến cáo; phối hợp chặt chẽ với trung tâm giống nông nghiệp sở tại và tiến hành nhân giống lúa cấp xác nhận phục vụ nhu cầu sản xuất.

Sau chuyến tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Thái Lan, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp đã tổ chức phổ biến kinh nghiệm mô hình sản xuất và tiêu thụ nhãn của Thái Lan cho 50 nông dân trồng nhãn ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung.

Trước tình hình tôm chết trên diện rộng và chưa có giải pháp khắc phục như hiện nay, nông dân ở nhiều nơi đã bắt đầu phát triển mô hình nuôi cua trên đất tôm để thay dần cho con tôm sú.