Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Chuối Trên Đất Muối Tro

Trồng Chuối Trên Đất Muối Tro
Ngày đăng: 02/12/2014

Vùng gò đồi rộng lớn xã An Lĩnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) mỗi mùa mưa, bề mặt đất được “tráng” một lớp đất từ lá cây ủ mục ở đỉnh núi trôi xuống có màu xám tro nên người dân quanh vùng gọi là đất muối tro. Trên vùng đất này, nông dân trồng chuối, nhiều người thu gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Ông Phạm Nguyễn Nhạt ở thôn Vĩnh Xuân, trồng 3ha chuối với đủ loại giống, từ chuối mốc địa phương đến chuối nu, chuối dạ hương. Ông Nhạt cho hay, đất vùng này “chịu” cây chuối, trồng chuối 100 cây sống 100 cây”. Giá chuối ngày thường dao động từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg, một nải chuối trồng trên vùng đất muối tro thường gần 2kg, còn một buồng chuối trung bình 10 nải bán từ 180.000 đến 200.000 đồng. Như vậy hàng năm, trung bình với 3ha chuối hiện có, ông thu 90 triệu đồng.

Còn theo ông Nguyễn Quang Vinh ở thôn Quang Thuận, cách đây 10 năm, ông lập gia đình nên cố gắng khai hoang trồng chuối rồi mua thêm đất của những người xung quanh. Đến nay, anh có 3ha chuối trồng trên đất muối tro. “Chuối là cây mang lại thu nhập chính cho gia đình, từ thân, bắp đến buồng chuối đều được tận thu để bán. Gia đình tôi thu nhập gần 70 triệu đồng/năm” từ trồng chuối, ông Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh, việc trồng chuối sợ nhất là gặp mưa bão lớn, cây chuối cao lớn gặp gió mau gãy, chỉ một số ít chuối đẹt là thoát. Mùa mưa bão năm 2009, cả vườn chuối của ông ngã hàng loạt, gần tết không có chuối bán. Năm ấy ông mất tiền triệu đầu tư trồng chuối từ thuê công, mua phân bón, chăm sóc nhưng cuối vụ không thu được đồng nào. Còn mấy năm nay chuối phát triển tốt, hàng năm, nhờ chuối mà ông có tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học.

Xã An Lĩnh có nhiều nhà nằm rải rác lưng chừng đồi. Những ngôi nhà dựa lưng vào vách núi, vườn chuối bao quanh, trải một màu xanh ra tận rẫy. Người dân ở xã An Lĩnh chủ yếu thu nhập cao từ cây chuối, nhà ít nhất cũng có gần trăm cây chuối. Người dân ở đây chủ yếu trồng chuối bán dịp tết.

Theo kinh nghiệm, để chuối ra buồng chín trúng dịp tết thì cứ tháng 4, ta bứng chuối con trồng, chăm sóc đến tháng Chạp thì thu hoạch. Gần đây, nhiều người đầu tư trồng chuối để tăng thu nhập. Ông Nguyễn Văn Đa ở thôn Phong Thái có 3ha chuối.

Khác với cách trồng truyền thống là đào hố rồi trồng chuối con, ông Đa thuê xe gầu (xe múc), moi hố trồng. Cách trồng này theo ông Đa, từ khi trồng chuối con đến khi bén rễ ra lá non chỉ trong 7 đến 10 ngày, còn trồng bình thường thì cây chuối “mình nước” (thân mềm) nên gần cả tháng sau chuối, mới phát triển.

Không những thế, khi trồng chuối ta cần moi hố sâu rộng đất xốp, từ cây chuối mẹ đẻ ra nhiều cây chuối con, vả lại lớp chuối con sau này lâu lồi gốc (vì trồng sâu, hằng năm lấp gốc cao dần) nên “ăn” được mấy mùa sau, buồng chuối lại sai nải, trái to. Vì vậy, trên 1ha chuối, ông Đa thu 35 triệu đồng/năm.

Theo UBND xã An Lĩnh, toàn xã có 490ha chuối, trong đó thôn Vĩnh Xuân là nơi trồng chuối nhiều nhất xã. Mỗi năm, người dân nơi đây thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng từ chuối. Ông Đỗ Sơn, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh, cho hay: Người dân ở đây thu nhập chính từ chuối, hầu hết trồng bán dịp tết. Đầu tháng Chạp, việc mua bán chuối diễn ra tấp nập, xóm làng vui hẳn lên.

Đất sản xuất ở đây chủ yếu là đất đá pha sạn cốm nên người dân tập trung trồng chuối. Mấy năm nay chuối được giá, đắt hàng nên nông dân phấn khởi. Đối với những người trồng nhiều, chỉ riêng thân chuối sau khi tách thành bẹ phơi khô bán đã có tiền triệu.

Nguồn bài viết: http://www.baophuyen.com.vn/Home/Error?aspxerrorpath=/82/124140/trong-chuoi-tren-dat-muoi-tro.html


Có thể bạn quan tâm

Quy Hoạch Vùng Nguyên Liệu Điều Ở Đồng Nai Quy Hoạch Vùng Nguyên Liệu Điều Ở Đồng Nai

Ngày 12-9, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai đã có buổi làm việc với Công ty Donafoods về quy hoạch vùng nguyên liệu điều đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đồng Nai sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu điều tại 9 xã của 3 huyện Xuân Lộc, Định Quán và Trảng Bom với diện tích khoảng 11 ngàn hécta.

16/09/2012
Trị Sâu Đục Cuống Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng Vải Thiều Trị Sâu Đục Cuống Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng Vải Thiều

Đối với người dân trồng vải vải thiều ở tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng, cùng với biện pháp sản xuất vải thiều sạch an -toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thì trị sâu đục cuống quả vải được coi là một khâu quan trọng nhằm hạn chế quả vải thiều dụng, góp phần quan trọng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm

27/05/2011
Một Số Lưu Ý Khi Nuôi Tôm Trong Mùa Nắng Một Số Lưu Ý Khi Nuôi Tôm Trong Mùa Nắng

Hằng năm vào mùa nắng, nước ở một số tuyến sông và trong vuông bị cạn kiệt, nhiệt độ nước, độ mặn, độ kiềm tăng cao, tảo phát triển nhiều… sẽ gây ra một số bất lợi đối với tôm nuôi, làm thiệt hại về kinh tế. Người nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau

16/04/2011
Thừa Thiên - Huế: Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Dựa Vào Cộng Đồng Thừa Thiên - Huế: Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Dựa Vào Cộng Đồng

Mấy tháng qua, ngư dân các huyện ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) luôn bội thu nguồn lợi từ thủy sản. Riêng ở xã Điền Hải (huyện Phong Điền), ngư dân liên tục thắng đậm cá dìa, đem về hàng trăm triệu đồng. Có được kết quả này là do địa phương đã triển khai tốt chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng.

14/12/2011
Đã Đến Lúc Nông Dân Phải “Tự Đứng Lên” Đã Đến Lúc Nông Dân Phải “Tự Đứng Lên”

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 70% nông dân, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác. Trước khi nghị quyết “tam nông” ra đời, việc đầu tư của Nhà nước cho phát triển nông nghiệp chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đặt đầu tư cho nông nghiệp thành động lực để tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

15/12/2011