Trồng Chanh Lai Bông Tím Mang Lại Thu Nhập Khá

Chanh lai bông tím là loại cây khá dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, đặc biệt được thị trường ưa chuộng. Chanh lai bông tím được xem là giải pháp tốt giúp bà con nhà vườn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch chổi rồng trên nhãn.
Hiện nay, toàn huyện Châu Thành có khoảng 591,94ha trồng chanh lai bông tím, diện tích này tăng khoảng 40 - 50% so với năm 2013, tập trung nhiều ở các xã: An Nhơn, An Hiệp, Tân Nhuận Đông.
Gia đình ông Lê Văn Thanh ngụ ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành là một trong những hộ chuyển đổi thành công từ nhãn sang trồng chanh lai bông tím tâm sự: “Gia đình tôi có 5 công đất trồng nhãn nhưng thời gian qua cây nhãn bị bệnh chổi rồng tấn công nên tôi quyết định chuyển sang trồng thử chanh lai bông tím. Lúc đầu tôi chỉ trồng vài cây thử nghiệm, sau một thời gian, thấy cây chanh bông tím phát triển tốt, thích hợp với vùng đất địa phương, nên tôi đã nhân rộng mô hình”.
Hiện tại, gia đình ông Thanh trồng trên 900 cây chanh lai bông tím được 3 năm tuổi. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, cây chanh lai bông tím đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Vụ chanh lần này, vườn chanh của gia đình ông Thanh cho năng suất trên 3 tấn/công (2 lần thu hoạch), với giá bán hiện tại từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, có thời điểm 20.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản phí gia đình thu lãi hơn 60 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm trồng chanh lai bông tím của ông Thanh, để chanh phát triển tốt, sau mỗi đợt thu hoạch người trồng nên sử dụng phân kali vào bón gốc, mỗi tháng phải phun thuốc dưỡng lá, khi chuẩn bị ra hoa phun thuốc dưỡng hoa, kết hợp bón cả 2 loại phân vô cơ và hữu cơ để nuôi dưỡng cây xanh tốt quanh năm.
Nhiều người dân trồng chanh lai bông tím nhận định, so với loại chanh núm hay chanh lai giấy thì chanh bông tím cho trái quanh năm, nhưng vẫn có hương vị lẫn độ chua giống như giống chanh truyền thống xưa nay. Chanh bông tím lớn nhanh, chỉ trồng hơn năm thì cây cho trái, năng suất cao hơn các giống chanh khác và tuổi thọ gần chục năm.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phong ngụ ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành là một trong những hộ nông dân thành công trong canh tác chanh lai bông tím. Mới đây, ông Phong vừa thu hoạch dứt điểm 3 công chanh, thu lời gần 40 triệu đồng.
Ông Phong cho biết: “Tôi chọn cây chanh lai bông tím làm cây trồng chủ lực trên 3 công đất của gia đình, đến nay chanh được hơn 2 năm tuổi, thời điểm này là lúc cho thu hoạch với lợi nhuận cao do mùa mưa chanh hút hàng. Có khi phải hái mỗi ngày để bán cho thương lái nhưng vẫn không đủ đáp ứng”.
Với những giá trị kinh tế mà cây chanh mang lại thời gian qua cho thấy, nông dân huyện Châu Thành ngày càng nhạy bén hơn trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cũng như nắm bắt nhanh chóng và vận dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Trước tình hình hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp chống hạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.

Những ngày này rất nhiều ngư dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tĩnh) đang được mùa sứa biển, giá thành khá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể...

Con banh lông là loại hải sản còn ít người biết đến. Nhìn bề ngoài banh lông có hình dạng tròn như trái banh loại nhỏ, sống vùi sâu dưới lớp bùn. Lâu nay hầu như ngư dân ít khai thác loại hải sản này.

Nhiều năm trở lại đây, nuôi tôm trên cát ở vùng ven biển tỉnh Quảng Bình phát triển khá mạnh với diện tích tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch vùng nuôi mang tính chiến lược vẫn còn nhiều hạn chế và việc nuôi tôm trên cát phát triển manh mún, tự phát. Vì vậy, để hướng đến mục tiêu phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc tháo gỡ những khó khăn và mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm là điều cần thiết.

Trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) hiện có 27.300ha cà phê. Nhận thấy nhu cầu rất lớn về cây giống phục vụ cho Chương trình tái canh cà phê, ông Bùi Đình Thám (thôn 12, xã Lộc Thành) đã mạnh dạn dành 2.000m2 đất, trong tổng số 4.000m2 đất vườn nhà, để sản xuất cây cà phê giống cao sản, cung ứng cho thị trường.