Trồng Chanh Lai Bông Tím Mang Lại Thu Nhập Khá

Chanh lai bông tím là loại cây khá dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, đặc biệt được thị trường ưa chuộng. Chanh lai bông tím được xem là giải pháp tốt giúp bà con nhà vườn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch chổi rồng trên nhãn.
Hiện nay, toàn huyện Châu Thành có khoảng 591,94ha trồng chanh lai bông tím, diện tích này tăng khoảng 40 - 50% so với năm 2013, tập trung nhiều ở các xã: An Nhơn, An Hiệp, Tân Nhuận Đông.
Gia đình ông Lê Văn Thanh ngụ ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành là một trong những hộ chuyển đổi thành công từ nhãn sang trồng chanh lai bông tím tâm sự: “Gia đình tôi có 5 công đất trồng nhãn nhưng thời gian qua cây nhãn bị bệnh chổi rồng tấn công nên tôi quyết định chuyển sang trồng thử chanh lai bông tím. Lúc đầu tôi chỉ trồng vài cây thử nghiệm, sau một thời gian, thấy cây chanh bông tím phát triển tốt, thích hợp với vùng đất địa phương, nên tôi đã nhân rộng mô hình”.
Hiện tại, gia đình ông Thanh trồng trên 900 cây chanh lai bông tím được 3 năm tuổi. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, cây chanh lai bông tím đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Vụ chanh lần này, vườn chanh của gia đình ông Thanh cho năng suất trên 3 tấn/công (2 lần thu hoạch), với giá bán hiện tại từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, có thời điểm 20.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản phí gia đình thu lãi hơn 60 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm trồng chanh lai bông tím của ông Thanh, để chanh phát triển tốt, sau mỗi đợt thu hoạch người trồng nên sử dụng phân kali vào bón gốc, mỗi tháng phải phun thuốc dưỡng lá, khi chuẩn bị ra hoa phun thuốc dưỡng hoa, kết hợp bón cả 2 loại phân vô cơ và hữu cơ để nuôi dưỡng cây xanh tốt quanh năm.
Nhiều người dân trồng chanh lai bông tím nhận định, so với loại chanh núm hay chanh lai giấy thì chanh bông tím cho trái quanh năm, nhưng vẫn có hương vị lẫn độ chua giống như giống chanh truyền thống xưa nay. Chanh bông tím lớn nhanh, chỉ trồng hơn năm thì cây cho trái, năng suất cao hơn các giống chanh khác và tuổi thọ gần chục năm.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phong ngụ ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành là một trong những hộ nông dân thành công trong canh tác chanh lai bông tím. Mới đây, ông Phong vừa thu hoạch dứt điểm 3 công chanh, thu lời gần 40 triệu đồng.
Ông Phong cho biết: “Tôi chọn cây chanh lai bông tím làm cây trồng chủ lực trên 3 công đất của gia đình, đến nay chanh được hơn 2 năm tuổi, thời điểm này là lúc cho thu hoạch với lợi nhuận cao do mùa mưa chanh hút hàng. Có khi phải hái mỗi ngày để bán cho thương lái nhưng vẫn không đủ đáp ứng”.
Với những giá trị kinh tế mà cây chanh mang lại thời gian qua cho thấy, nông dân huyện Châu Thành ngày càng nhạy bén hơn trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cũng như nắm bắt nhanh chóng và vận dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như: cá rô phi, ba ba, tôm càng xanh… đặc biệt con cá lóc bông được thị trường ưa chuộng đem lại thu nhập cao, ổn định, được xác định là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của nông dân Nghĩa Hưng.

“Thời buổi kinh tế khó khăn, số tiền 30 triệu đồng mà Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) cho vay hết sức ý nghĩa với gia đình tôi. Có vốn, tôi sửa sang lại chuồng trại và đầu tư thêm thức ăn cho đàn gà”- ông Đỗ Trọng Bình (thôn Bình Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tâm sự.

Anh Đỗ Tiến Hùng quê ở Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội làm nghề bán đinh lăng gần 10 năm nay. Gần đây, anh Hùng mua được gốc đinh lăng có tuổi đời 62 năm với giá gần 10 triệu đồng, sau đó anh bán lại cho một khách quen với giá 20 triệu đồng.

Vụ mùa năm 2014, huyện Hạ Hòa gieo cấy gần 3.500ha lúa, trong đó diện tích lúa lai chiếm hơn 48%, lúa chất lượng cao 8,76%, còn lại là lúa thuần. Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa đã cho thu hoạch với năng suất ước 54 tạ/ha. Một số cây màu vụ mùa như: Ngô năng suất ước 42 tạ/ha; lạc năng suất ước 16,5 tạ/ha; đậu, đỗ các loại 19,9ha.

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, rầy tiếp tục gia tăng mật độ và gây hại mạnh trên các trà lúa giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, cháy ổ từ khoảng ngày 15-9 trở đi. Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa, TP Việt Trì...