Trồng Cao Su Kết Hợp Nuôi Gà, Một Hướng Đi An Toàn

Đó là mô hình của anh Bùi Nhật Tân ở thôn Cát, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đã hơn 2 năm nay, kể từ khi vườn cây cao su hơn 1ha của gia đình anh cũng như nhiều gia đình trong xã bị bão tàn phá, trong khi nhiều gia đình đang boăn khoăn không biết phải kiếm kế mưu sinh như thế nào thì anh Tân đã quyết tâm tìm một hướng đi mới, không thể dựa dẫm mãi vào nguồn lợi từ cây cao su, hai vợ chồng anh tìm tòi học hỏi và quyết định mở mô hình kết hợp trang trại trên đồi cây cao su.
Để thành lập trang trại, anh Tân bỏ công việc cắt tóc đang có thu nhập khá ở chợ. Ban đầu, với số vốn vay gần trăm triệu đồng, anh Tân đã đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm để xây dựng trang trại cũng như tìm mua con giống có chất lượng để nuôi. Anh kể: “Khi mới thành lập trang trại ai cũng cho rằng sẽ không thành công vì dưới tán cây cao su độ ẩm lớn, không có ánh nắng mặt trời, gà sẽ dễ sinh bệnh, nhưng hai vợ chồng mình đã quyết là làm”.
Năm đầu do bắt đầu nuôi vào mùa đông, lại chưa có kinh nghiệm nên gà bị dịch đậu chết gần hết, anh bị lỗ gần 20 triệu đồng. Trong lúc cao su chưa phục hồi sau bão, gà chết, lâm vào tình trạng khó khăn, anh phải bán mảnh đất nhỏ của mình ở chợ để có vốn tiếp tục đầu tư. Rút kinh nghiệm, năm sau anh cẩn thận hơn, mua số lượng con giống phù hợp với diện tích trang trại, bên cạnh đó anh mua thêm sách vở, học tập kinh nghiệm những người đi trước. Nhờ áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh và chế độ cho ăn hợp lý, năm thứ hai gia đình anh bán được hai lứa gà, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 25 triệu đồng mỗi lứa.
Anh cho biết: “Chỉ cần chịu khó là thành công, vì ở rừng cao su sẵn chất đốt nên nhà mình không mua bột tăng trọng mà xay gạo lứt và nấu cho gà ăn, trong khi nấu lại cho thêm vài tép tỏi sẽ phòng được bệnh cho gà, gà không ăn bột tăng trọng, lại ở rừng cao su sẵn mồi nên thịt chắc và ngon, không cần mang ra chợ bán mà thương lái đến tận nơi để đặt mua, chủ động được đầu ra cho sản phẩm”.
Thành công từ những lứa nuôi đầu tiên, anh Tân quyết định đầu tư thêm tiền để mở mang trang trại, hiện nay với diện tích mặt bằng chuồng trại hơn 500 m2 anh quy hoạch nuôi gần 2.000 con gà. Có nguồn lợi chắc chắn từ nuôi gà, anh mua thêm bò, chim bồ câu và ngỗng, xây trại và chuyển cả gia đình lên vườn cao su sinh sống. Tổng hợp các nguồn thu từ trang trại mỗi năm ước tính cho lãi gần 100 triệu đồng, mô hình của anh được nhiều người đến tìm hiểu và học hỏi.
Ông Nguyễn Thế Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Tân hồ hởi: “Mô hình nuôi gà kết hợp trên vườn cây cao su là một hướng đi mới, an toàn, được nhiều hộ gia đình trong xã học hỏi và phát huy vì mang lại lợi ích kinh tế cao, xã cũng tạo điều kiện và khuyến khích người dân nhân rộng và phát triển mô hình này”.
Cơn bão số 10 và 11 vừa qua mặc dù một phần cao su của gia đình anh Tân bị gãy đổ, trong khi nhiều gia đình còn đang điêu đứng vì kế sinh nhai, anh Tân vẫn an tâm mở rộng sản xuất vì đối với anh, “trời không phụ lòng người, chỉ cần mình chịu khó, quyết tâm tìm hiểu, học hỏi thì sẽ thành công”, anh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 phấn đấu đạt 7 tỉ USD; trong đó riêng mặt hàng tôm là 3,5 tỉ USD, chiếm 50% về giá trị. Có thể nói, con tôm đang trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, thế nhưng điều nghịch lý là hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL luôn phập phồng nỗi lo thua lỗ bởi dịch bệnh tràn lan và giá cả lên xuống thất thường...

Từ năm 2010 đến nay, Sóc Trăng không còn công nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, toàn bộ sản lượng cá thương phẩm đều bán cho các tỉnh lân cận. Theo thống kê của ngành thì người nuôi cá tra ở Sóc Trăng bị thua lỗ liên tục từ năm 2008 đến nay do chi phí đầu vào cao hơn từ 1.200 đến 2.500 đồng trên 1kg cá thương phẩm.

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Trần Văn Dương khi anh đang cho cá ăn, dù đang bận tay với công việc nhưng gương mặt không giấu được niềm vui, anh nhẩm tính: “Với 4.000 m2 diện tích ao nuôi cá chép V1 làm chính, qua 4 tháng nuôi, tôi thấy cá lớn nhanh, trọng lượng trung bình đạt khoảng 400gam/con, với giá thị trường hiện nay là 35.000 đồng/kg, gia đình có thể thu lợi nhuận khoảng 27 triệu đồng”.

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tăng, tình hình biến đổi khí hậu và những khó khăn trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản theo kiểu truyền thống đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là chưa kiểm soát được 04 loại mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an toàn lao động.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai Phùng Cẩm Hà cho biết: “Những nơi đặt đăng chắn là các bãi, eo, ngách đến mùa cá thường vào sinh sản, loại lưới dày sẽ tận diệt hết thủy sản trên hồ. Loại lưới này ngành thủy sản đã cấm từ lâu và không cho sử dụng tại các sông, hồ”. Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Hợp tác xã thương mại dịch vụ thủy sản Phước Lộc đã giải thể cách đây hơn 1 năm.