Trồng Cam, Quýt Mỗi Năm Thu Về Trên 250 Triệu Đồng

Cam, quýt được xem là loại cây khó tính, nhạy cảm với bệnh hại tấn công, nhiều vườn cây phải đốn bỏ. Tuy nhiên, không ít nông dân trồng cam, quýt làm giàu, vườn cây xanh tốt, ít bị bệnh hại.
Anh Nguyễn Hiền Triết (xã Long Trị, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) có 6 công quýt đường, mỗi năm thu về trên 250 triệu đồng. Anh Triết cho biết, nhiều nhà vườn chú trọng quá nhiều vào phân hóa học, lâu ngày đất bị thoái hóa, nén dẽ. Qua các buổi tập huấn, anh dần chuyển sang ứng dụng hữu cơ cải tạo môi trường đất, biết vai trò quan trọng của vi sinh trong đất.
Từ lúc chuyển sang sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh và nấm Trichoderma, đất màu mỡ trở lại, sức khỏe vườn cây cải thiện. Anh tận dụng nguồn bã bùn, bã mía, rơm ở địa phương ủ với nấm Trichoderma bón vào đất. Với cách canh tác này, trái quýt thu hoạch ngon hơn, năng suất cao không kém canh tác hóa học.
Anh Triết đúc kết: “So với canh tác truyền thống dùng nhiều hóa học, nông dân tiết kiệm rất nhiều tiền mua thuốc, lợi nhuận còn tăng khoảng 15 - 20%”.
Anh Nguyễn Văn Hùng (xã Đồng Phú, H. Châu Thành, Hậu Giang) có 4 công cam sành, năm vừa rồi anh thu 30 tấn trái, bán được 690 triệu đồng, vườn cam vẫn xanh tốt. Anh Hùng cho biết, nhờ sử dụng nhiều phân hữu cơ, nấm Trichoderma mà hơn 2 năm cho trái, vườn cam cho năng suất cao mà cây vẫn khỏe mạnh. Cây cho nhiều trái, thu hoạch kéo dài, hạn chế bệnh hại, nhất là vàng lá thối rễ. Trái cam bóng đẹp, màu vàng sáng và ngọt.
Anh Hùng rất tự hào: “So với những hộ lân cận dùng nhiều phân hóa học, không sử dụng hữu cơ, vườn cam nhà tôi đẹp hơn nhiều, nhất là lái mua bao giờ cũng cao hơn 1.000 - 1.500 đồng/kg”. Anh Hùng chia sẻ kinh nghiệm: Giảm phân thuốc hóa học tiết giảm được chi phí trong canh tác, hạn chế dịch bệnh tấn công, tạo ra hệ sinh thái bền vững trong vườn. Lợi ích như vậy là nhờ hàng năm tôi dùng 3 tấn phân hữu cơ, kết hợp với chủng nấm, bổ sung thêm vôi, lân.
Tôi không diệt cỏ bằng thuốc hóa học vì sợ độc hại mà trồng cỏ rau trai chỉ, mùa mưa dùng máy cắt cỏ để cao khoảng 10 cm, mùa nắng để cao 20 cm. Tháng mưa chú ý giữ mực nước trong ao thấp hơn 80 - 90 cm so với mặt liếp. Nhờ áp dụng canh tác sinh học bền vững thay cho cách sử dụng nhiều phân thuốc hóa học như trước đây, tôi tiết kiệm chi phí khoảng 30% so với bà con xung quanh, tăng thêm lợi nhuận.
Ngoài quýt đường, cam sành, cây cam xoàn cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Với 4 công cam xoàn, năm vừa qua anh Dương Văn Do (xã Thạnh Xuân, H. Châu Thành A, Hậu Giang) thu về 350 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời 300 triệu đồng. Chi phí thấp là nhờ anh biết áp dụng biện pháp canh tác, bón phân phù hợp, chỉ bón phân hóa học theo chu kỳ sinh trưởng, bón cân đối và bổ sung phân hữu cơ.
Sau khi cải tạo vườn cam cằn cỗi của cha mẹ cho, anh Lê Văn Sang (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) lên Internet tìm hiểu trồng cam và trồng theo cách của mình. Liếp vườn nâng cao, cải tạo việc thoát nước thật tốt, vườn trồng cây phủ đất, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Mỗi năm bón 2 lần phân hữu cơ kết hợp Trichoderma, sử dụng phân sinh học tưới gốc 2 tháng/lần, chọn thuốc trừ sâu bệnh gốc sinh học hoặc ít độc.
Vườn cam của anh vừa thu hoạch vụ đầu được 5 tấn trái, thu về trên 150 triệu đồng. Anh Sang cho biết, dù mới cho trái nhưng rất ít trái sượng hay dày vỏ, cam ngọt nên chỉ bán cam ăn chứ không bán cam nước (trái nhỏ chỉ dùng vắt nước), mùa mưa vừa rồi, nhiều vườn cam xung quanh vàng lá thối rễ hư 30 - 60% nhưng vườn cam của anh Sang cây khỏe và rất xanh tốt.
Nếu lạm dụng nhiều phân, thuốc hóa học, trước mắt nhìn thấy cây xanh mướt, trái rất nhiều... nhưng “bạo phát, bạo tàn”, thuốc hóa học tổn hại rất lớn đến đất, cây và người sử dụng. Canh tác hữu cơ, sinh học dù chậm nhưng thấy rất bền, giảm rất nhiều sâu bệnh, ít tốn chi phí hơn. Đó cũng là cái lời của nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Gần một tháng nay, giá thịt lợn hơi ở mức 43-45 nghìn đồng/kg, cao hơn thời điểm 3 tháng trước hơn 10 nghìn đồng/kg. Với giá bán này, trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 700 đến 1 triệu đồng/con.

Từ tháng 1 đến nay, hai đội tàu của Hợp tác xã Ngư nghiệp Vĩnh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đánh bắt được 17 tấn cá thu, đạt sản lượng cao hơn so với mọi năm.

Lịch thả tôm nuôi chính vụ năm 2014 mới bắt đầu được khoảng 2 tháng, nhưng đã có 16 ha tôm nuôi của trên 50 hộ ở thôn Vĩnh Thọ, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt sau khi thả giống được 7 đến khoảng 60 ngày tuổi. Số lượng hồ nuôi có tôm bệnh chiếm đến hơn 90%, nguy cơ mất trắng đang cận kề.

Chè VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) là sản phẩm chè an toàn, có quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, phát triển các mô hình chè VietGAP đang được các nhà quản lý, người tiêu dùng và người trồng chè đặc biệt quan tâm.

Theo báo cáo của Cục Thú y, trong 4 tháng đầu năm 2014, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản diễn biến khá phức tạp. Trong đó, từ đầu năm 2014 đến nay, các ổ dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 155 xã, phường của 90 xã huyện, thị xã thuộc 33 tỉnh, TP.