Trong cái khó ló cánh đồng vàng

Xoay trong cái khó…
Mới đầu vụ hè thu nhưng thời tiết đã nắng nóng gay gắt. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Xuân, HTX Đức Vĩnh, xã Đức Phú chủ động chuyển đổi sang trồng đậu phụng trong vụ này. Bởi theo bà Xuân, đậu phụng là cây chịu hạn nên 10-20 ngày mới tưới nước một lần. Bình quân mỗi sào đậu phụng nếu chăm sóc kỹ, bà có thể thu về hơn 1 tạ.
Nếu như vụ hè thu năm trước, toàn HTX Đức Vĩnh có khoảng 30ha diện tích đất lúa chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng đậu phụng, bí đao, bắp…thì năm nay, diện tích chuyển đổi đã lên đến 50ha. Theo ông Đoàn Thanh Minh- Chủ nhiệm HTX Đức Vĩnh: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ hè thu không chỉ giúp tiết kiệm được nguồn nước, mà còn giúp bà con nông dân ở các vùng thiếu nước vẫn có thể sản xuất được. Vì vậy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là phương án duy nhất”.
HTX Phước Thuận, một trong những HTX có nhiều diện tích chân ruộng cao, khó tiếp cận nguồn nước từ thủy lợi cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu này. Tính đến thời điểm này, đã có gần 49ha đất lúa tại các xứ đồng Đồng Gáo, Triền Lâm được chuyển đổi sang các loại hoa màu như đậu phụng, bắp, rau…
“Nếu như vụ hè thu năm ngoái, diện tích đất lúa chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã là 58ha, thì trong năm nay, bà con nông dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng với tổng diện tích tăng gần gấp đôi. Bởi trồng các loại hoa màu chịu hạn, không chỉ giúp người dân giải quyết được nỗi lo nước tưới, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây lúa”, ông Nguyễn Giáp Thìn- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú khẳng định.
Ló “cánh đồng vàng”
Từng là những xứ đồng có năng suất thấp, lại phải chịu nhiều rủi ro trong vụ hè thu do thiếu nước, nhưng 3 năm trở lại đây, cánh đồng Đồng Đỗ, Đồng Đế của thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú được mệnh danh là những “cánh đồng vàng” khi doanh thu bình quân luôn đạt từ 100-120 triệu/ha/năm.
Với phương châm “không cho đất nghỉ”, vụ chính trồng lúa, vụ hè thu, bà con nông dân luân canh đủ loại hoa màu: Đậu phụng, bí đao, bắp… “Bình quân mỗi sào đậu phụng, thu về được khoảng 2,4 triệu đồng; 1 sào bí đao, nếu giá dao động từ 3.000-5.000 đồng/kg thì lãi được từ 5-7 triệu đồng… Trồng các loại cây chịu hạn trên vừa khỏe vì ít tưới nước, lại thu về lợi nhuận khi chi phí phân bón chỉ bằng 1/3 cây lúa”, nông dân Trần Tám cho biết.
Không chỉ bội thu nhờ biết linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà việc hình thành được “cánh đồng vàng”, lấy cây đậu phụng làm cây trồng chủ lực còn giúp nông dân nắm bắt được cơ hội mới khi nhận được sự hỗ trợ của Dự án ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Sở KH&CN.
Theo đó, nhờ hình thành được cánh đồng đậu phụng với diện tích hơn 35ha, nên HTX Đức Vĩnh sẽ được hỗ trợ các loại máy móc để hình thành cơ sở chế biến dầu ăn. Việc đầu tư vào cơ sở chế biến này, sẽ giúp HTX hình thành được chuỗi sản xuất gắn giữa trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.
Sản phẩm từ đậu phụng không chỉ phục vụ cho ngành chế biến dầu ăn, mà phần phế phẩm sẽ được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi bò và heo.
Cùng với sự chủ động của người dân, dự án này được kỳ vọng sẽ trợ lực cho bà con nông dân trong giải quyết đầu ra, nâng cao giá trị cho những nông sản mà người dân đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng…
Có thể bạn quan tâm

Trên con đường bê tông phẳng phiu, uốn lượn qua những nương chè xanh ngát, chúng tôi đến nhà ông Trần Duy Hưng ở xóm Cây Thị, một trong những hộ làm chè Đông lâu năm của xã. Ông cho biết : Vì chủ động được nguồn nước tưới nên năm nào nhà tôi cũng làm 10 sào chè vụ đông.

Vụ đông năm 2014, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT), Trạm Khuyến nông huyện Gia Lâm đã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Kim Sơn triển khai 2 mô hình sản xuất trên đất 2 vụ lúa. Đó là mô hình trồng hoa ly với diện tích 1.000m2 và 8ha trồng khoai tây giống Đức bằng phương pháp làm đất tối thiểu.

Với đồng bào K’Ho dưới chân núi LangBiang này, cây dâu tây còn có một tên gọi khác, giàu ý nghĩa và trìu mến hơn: Cây đổi đời!... Sở dĩ có tên gọi như vậy, bởi chính cây dâu tây đã làm cho diện mạo cuộc sống của đồng bào K’Ho nơi đây thật sự thay da đổi thịt chỉ trong thời gian ngắn.

Tính đến thời điểm này, xã Thái Niên đã trồng được gần 18 ha hai giống cam nói trên, trong đó có 17,3 ha cam V2. Giống cam V2 do Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp; giống cam Canh do Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bảo Thắng cung cấp.

Những ngày này trên vạt đồi của các thôn: Đồng Cống, Hồ Sơn 1, Quất Sơn, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang không khí người dân chăm sóc dứa nhộn nhịp hẳn lên. Những quả dứa lúp xúp đang vươn mình chuyển sang màu vàng làm cho người trồng dứa vui hơn mỗi khi Tết đến xuân về.