Trồng Cà Tím Giống Mới Lãi 200 Triệu Đồng/ha

Thời gian gần đây, cà tím giống mới của Thái Lan VIOLET KING 252 cho năng suất cao, được bà con nông dân ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, trồng khá phổ biến. Nhờ trồng loại cây này nhiều gia đình đã giàu lên, tiêu biểu là hộ anh Bùi Đình Tuấn, hiện ở khu phố 4, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, với diện tích 3 ha trồng cà tím, thu nhập 600 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Bùi Đình Tuấn cho biết: Cà tím trồng trên nhiều loại đất, ruộng trồng bằng phẳng, thoát nước tốt. Đất được cày xới tơi xốp, làm sạch cỏ, lên luống cao hay thấp tùy thuộc vào vị trí đất, thông thường luống cao 20 – 25cm. Nên phủ tấm màng nilon để hạn chế cỏ dại, hao hụt phân bón và giảm lượng nước tưới.
Anh Tuấn nói, lúc đầu gia đình trồng 2 ha giống cà tím 252, trong quá trình trồng tôi thấy năng suất rất cao, chi phí thấp, tôi quyết định trồng thêm 1 ha nữa. Năng suất trung bình đạt 80 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt đạt 100 tấn/ha/năm, giá bán cà bình quân 3.500 đ/kg, năm qua gia đình thu lãi được 600 triệu đồng.
Chị Hồ Thị Xuân, ở thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng tâm sự: Gia đình em có ít đất, hai vợ chồng thuê được 3.000m2 để sản suất, nếu có nhiều đất trồng cà tím giống mới này thì trúng to. Trồng cà tím thấy cũng dễ trồng, quan trọng khi làm đất cần cày xới tơi xốp, bón vôi bổ sung để tăng độ pH lên 5,5 – 6,5 và cày trộn đều trong đất, phơi ải đất từ 1 -2 tuần để tiêu diệt một số sâu bệnh hại.
Trước khi trồng phải bón lót phân chuồng hoai mục (phân bò là tốt nhất) từ 3 – 4 khối phân chuồng, 50 – 100kg lân/1.000m2. Phân bón lót được trải đều trên mặt luống, dùng cuốc xăm đều sau đó phủ một lớp đất mỏng lên mặt luống, tiến hành phủ tấm nilon và trồng cây.
Sau khi trồng cần giữ độ ẩm cho cây, tuần đầu ngày tưới từ 1 – 2 lần, sang tuần thứ hai ngày tưới 1 lần. Mùa mưa phải đảm bảo thoát nước tốt, cần lên líp cao tránh ngập úng, cần phải tỉa bớt nhánh, lá già để tập trung dinh dưỡng cho cây, nên tỉa vào lúc nắng ráo.
Chị Xuân tiết lộ, giống cà này sai trái lắm, cần cắm choái, giăng dây nilon nâng đỡ cho cây không đổ ngã, trái không chạm đất, tạo được độ thông thoáng cho cà tím. Về cách bón phân, tùy theo mỗi vùng đất và điều kiện canh tác khác nhau mà bón phân cho hợp lý.
Không nên bón phân heo cho cà, cà tím thích hợp với phân KCl và NPK 16 – 16 – 8; nếu đất tốt bỏ N, chỉ dùng P và K. Cà tím bình thường thu hoạch kéo dài từ 6 – 8 tháng, chăm sóc tốt thu hoạch cả năm, cho nên cần bón thúc sau 1 – 2 đợt thu hoạch. Muốn cây cà tím phát triển tốt, năng suất cao, cần làm vệ sinh đồng ruộng thật sạch sẽ, phát hiện bệnh sớm để có thuốc phòng và chữa trị kịp thời.
Chị Dương Thị Linh, ở đường Trần Phú, thị trấn Liên Nghĩa cho biết: Gia đình có truyền thống làm rau màu, trước đây chủ yếu trồng rau xà lách, cải ngọt, bắp cải… Mới đây tôi chuyển đổi 1,2 ha đất sang trồng cà tím 252 (người dân thường gọi là cà tím ruột xanh, giống Thái Lan). Sau khi trồng khoảng 60 – 65 ngày là thu hoạch lứa đầu, thu hoạch rộ cứ 4 ngày hái 1 lần, mỗi lần hái khoảng 5 tấn/ngày, năng suất đạt từ 80 – 100 tấn/ha/năm.
Chị Linh vui vẻ khoe, năm nay thu hoạch cà tím sướng lắm, hái cà xong, thương lái tới tận vườn cân không phải mang đi đâu cả. Giá bán dao động từ 3.500 - 4.500đ/kg, tới đây tôi sẽ mở rộng diện tích để trồng loại cây hiệu quả và năng suất rất cao này.
Chị Vòng Ôi Lày, một thương lái người Hoa chuyên thu mua cà tím cho biết: Năm nay bà con nông dân trồng cà tím thắng lớn, năng suất rất cao, giá cả ổn định. Đặc biệt hình dáng và màu sắc của giống cà này rất bắt mắt, trái vừa to, vừa dài có màu tím bóng, ruột màu xanh, ăn rất ngon, được khách hàng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ rất lớn, chủ yếu là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng khoai mỡ gần 800 ha tập trung ở 2 xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ và một số xã khác, đất đai phần lớn bị nhiễm phèn, nên nông dân sau khi trồng khoai mỡ thường bỏ đất trống hay trồng cây khoai mì luân canh trong thời gian nước lũ về từ tháng 9 hàng năm. Mấy năm gần đây, mô hình trồng cây màu xen canh được bà con trong huyện chú trọng và nhiều loại cây màu bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao, trong đó có cây đậu phộng.

Từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, sáng 31/7, Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên) phối hợp cùng Công an huyện Tuy An bắt quả tang một vụ bơm bột rau câu vào tôm thương phẩm tại cơ sở mua bán thủy sản do bà Cao Thị Kim Phượng ở thôn Tân Long, xã An Cư, làm chủ.

Mấy ngày qua, người dân ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bắt được loài cá “lạ”. Cá có thân hình giống loài cá lóc, có vẩy, đầu giống cá sấu, mỗi con dài khoảng 7 - 8 tấc, nặng khoảng 2,5 - 4kg.

Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 5.350ha diện tích nuôi tôm nước lợ, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ và tôm sú. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, bệnh trên tôm diễn biến ngày càng phức tạp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi tôm trong tỉnh.

Huyện Quang Bình (Hà Giang) có trên 700ha diện tích mặt nước, gồm: Ao, hồ, sông, suối, thủy lợi, thủy điện... vì vậy rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản (NTTS). Để khai thác tiềm năng đó, những năm qua, nhân dân trong huyện đã đẩy mạnh phát triển NTTS; nhiều gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích mặt nước để NTTS.