Trồng Cà Chua Trái Vụ Thu Nhập Cao

Vài năm trở lại đây, nông dân xã Bắc Sơn (Bắc Sơn - Lạng Sơn) đã áp dụng nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng thành công. Trong đó, mô hình đưa cây cà chua vào trồng trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước kia, người dân xã Bắc Sơn chỉ quen trồng cà chua chính vụ. Do thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây cà chua phát triển nhanh, năng suất trung bình đạt 5 - 6 tạ/sào, chất lượng, mẫu mã tốt.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ cà chua rất khó khăn. Nông dân nơi đây không có thói quen dùng thuốc bảo quản, để quả chín tự nhiên nên nếu không tiêu thụ kịp thời chỉ vài ngày là cà chua hỏng. Biết điểm yếu ấy, nhiều tư thương ép giá, có khi chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Nhận thấy trồng cà chua chính vụ cho thu nhập thấp, vài năm trở lại đây, nhiều nông dân xã Bắc Sơn đã áp dụng mô hình trồng cà chua trái vụ. Anh Dương Công Noi, người áp dụng thành công mô hình, cho biết: “Thông thường, cà chua chính vụ trồng vào đầu năm, nay vẫn quy trình sản xuất ấy nhưng thời gian xuống giống vào giữa năm.
Vì là trái vụ nên giá cà chua cao ngất, trung bình 10.000 - 15.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 20.000 đồng/kg. Nhà tôi trồng 3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), năng suất bình quân gần 6 tạ/sào, thu về khoảng 7 - 9 triệu đồng/vụ”.
Ông Dương Văn Đôn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bắc Sơn đánh giá: “Cùng với nếp cái hoa vàng, cà chua trái vụ đã trở thành loại cây mang lại thu nhập cao cho người dân. Trồng cà chua trái vụ, chi phí bỏ ra chỉ 500.000 - 600.000 đồng/sào nhưng thu lãi cao gấp 2-3 lần so với chính vụ.
Hiện, xã Bắc Sơn có khoảng 3ha cà chua trái vụ, sản lượng ước trên 100 tấn quả. Từ mô hình này, nhân dân đã có thêm việc làm lúc nông nhàn, tận dụng được diện tích đất sản xuất, tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.
Giờ đây, trên khắp đồng đất xã Bắc Sơn, người dân đã quen dần với cà chua trái vụ. Nhiều gia đình chuyển hẳn sang thâm canh cà chua trái vụ để tăng thu nhập, tăng vòng quay của đất và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Có thể bạn quan tâm

Mấy ngày qua, nhóm thương lái người Quảng Ninh tới hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (tỉnh An Giang) thu mua cây thốt nốt bán sang Trung Quốc. Trước đó các địa phương này cũng đã từng bắt nhóm người thu mua cây thốt nốt trái phép.

Các loại bệnh của cá phát triển mạnh nhất vào mùa xuân và đầu hè, do đó phải có biện pháp dùng thuốc phòng ngừa dịch bệnh nhằm hạn chế tổn thất.

Tại Long An, ngày 21.9 Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) tổ chức hội thảo kết quả Dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa”.

Có người ví, Hưng Yên là một cửa ải mà giống lúa nào vào được thì có thể tự tin bán ở bất cứ tỉnh nào khác, giống lúa M1-NĐ là một ví dụ điển hình.

Mối quan hệ giữa nông dân và HTX còn lỏng lẻo, nông dân chưa mê HTX là những vấn đề còn tồn tại trong kinh tế tập thể.