Trồng Bưởi Diễn Trên Vùng Đất Cằn

Mạnh dạn đưa giống bưởi Diễn về vùng đất khô cằn quê mình, anh Hồ Sỹ Phượng (34 tuổi, quê Nghệ An) từ người đi làm thuê cho các chủ vườn đã trở thành “vua bưởi”, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Trồng bưởi Diễn trên vùng đất cằn
Chưa học xong lớp 12 nhưng do hoàn cảnh khó khăn, cậu học trò Hồ Sỹ Phượng (xóm Liên Yên, xã Thanh Liên, H.Thanh Chương) phải nghỉ học xuống TP.Vinh kiếm việc làm thuê phụ giúp gia đình.
Vừa làm thuê, Phượng vừa tìm học nghề trồng cây cảnh. Một lần tình cờ đến Hưng Yên, thấy người dân nơi đây tận dụng từng thửa đất để trồng cây ăn quả như bưởi Diễn, nhãn… đem lại hiệu quả kinh tế cao, Phượng chợt nghĩ quê mình đồng đất nhiều, tại sao không khai thác làm giàu mà cứ phải bôn ba nơi đất khách quê người.
Vậy là Phượng quyết định trở về quê lập nghiệp. Với số vốn ít ỏi dành dụm sau mấy năm trời làm thuê, năm 2010 Phượng đấu thầu 2 ha vườn đất ươm của UBND xã Thanh Liên để đưa giống bưởi Diễn về trồng thử nghiệm. Bước đầu, Phượng chỉ dám phá bỏ một nửa diện tích trồng nhãn trên đó để trồng bưởi.
Tỷ lệ sống khá cao nhưng sâu bệnh nhiều, đặc biệt với khí hậu khắc nghiệt như ở Nghệ An thì nhiều mầm bệnh lạ xuất hiện, anh lại phải khăn gói ra Hưng Yên học hỏi kinh nghiệm và tìm mua thêm sách để tìm hiểu.
“Sau 2 năm chăm bón, vườn bưởi mới cho quả bói và đến khi cây cho quả đạt chất lượng, năng suất cao thì tôi mới dám phá hết vườn nhãn để trồng bưởi. Đến nay, tôi chỉ để lại những gốc nhãn bao quanh vườn để che chắn gió”, anh Phượng cho biết.
Đưa được cây bưởi Diễn về vùng đất quê nhà vốn khô cằn, khí hậu lại khắc nghiệt, không có nghĩa là đã thành công. Sau khi vườn bưởi cho thu hoạch, nhiều người vẫn nghi ngờ về chất lượng, lắc đầu khi anh đến chào bán nên vợ chồng Phượng phải lặn lội đưa bưởi ra tận Hà Nội, chở từng xe thồ đi khắp các chợ bán lẻ.
Sau này, khi chất lượng bưởi Diễn của vườn nhà Phượng được khẳng định (quả nhỏ, ngọt và càng để lâu càng ngon), nhiều người đã tìm đến tận nơi đặt mua.
Hiện tại, hơn 700 gốc bưởi Diễn của gia đình anh Phượng có thể cho khoảng 15.000 quả/vụ. Với giá bán tại vườn là 20.000 đồng/quả, kết hợp thêm nuôi cá, trồng dưa hấu, thu nhập của anh đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, trang trại của anh Phượng còn tạo việc làm cho 4 lao động trong xóm, vừa làm vườn, vừa học nghề.
“Mình muốn hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi Diễn cho bà con, đặc biệt là thanh niên trong làng để họ có thể tự làm giàu trên chính mảnh đất của mình chứ không phải lao đao đi tứ phương làm việc thuê kiếm sống.
Hiện mình đang phối hợp với xã để mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng trồng bưởi Diễn cho bà con. Nếu thuận lợi, vài năm nữa mình sẽ kết hợp với một số người mở rộng diện tích bưởi Diễn, tăng sản lượng”, anh Phượng cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Do thương lái Trung Quốc giảm thu mua, giá mỗi kg thanh long hiện chỉ còn vài nghìn đồng, dù mới đầu vụ.

Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, lô vải thiều 2,1 tấn đầu tiên của Lục Ngạn sau khi được đưa sang thị trường Califonia (Mỹ) đã bán hết chỉ trong vòng một ngày.

Vụ Đông Xuân vừa qua, toàn huyện Phú Thiện gieo trồng gần 8.400 ha cây trồng các loại, trong đó lúa với diện tích 6.066 ha gồm các giống lúa như: HT1, Ma Lâm, Q5, OM4900, hương cốm, tám thơm, DV 108….; còn lại là các loại cây lương thực khác (bắp 350 ha), thực phẩm (rau các loại, đậu), cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, thuốc lá, khoai lang) và cây công nghiệp dài ngày (mía trồng mới 800 ha).

Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực nghiệm nhiều mô hình trồng cây mắc ca trên địa bàn các huyện: Kbang, Mang Yang, Chư Pah, Chư Pưh, Chư Sê, Đak Đoa và nhiều hộ dân các huyện: Kông Chro, Đak Pơ, Đức Cơ, Chư Prông và TP. Pleiku tự đầu tư trồng mắc ca. Đến nay, diện tích cây mắc ca toàn tỉnh là 215,6 ha. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế của nó vẫn còn bỏ ngỏ.

Vượt qua trở ngại về tuổi tác, điều kiện sức khỏe, ông Ksor Jú (làng Kom Yố, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) luôn nêu gương sáng trong lao động sản xuất, trở thành trụ cột về tinh thần lẫn vật chất cho gia đình và giúp đỡ những người khó khăn trên địa bàn.