Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Bơ Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Trồng Bơ Theo Tiêu Chuẩn VietGAP
Ngày đăng: 15/10/2013

Bơ không phải là cây trồng chủ lực của Lâm Đồng, nhưng đã góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả đầu tư cho nông dân trên một đơn vị diện tích và nhất là không tốn nhiều diện tích đất, có thể trồng tận dụng đất quanh nhà, trồng xen với cây chè hay cà phê… Việc áp dụng quy trình canh tác cây bơ theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP đã đưa năng suất của trái bơ cao gấp 120% so với canh tác theo tập quán cũ và mang lại hiệu quả kinh tế cao với khoảng 417 triệu đồng/ha.

 Diện tích trồng bơ tập trung tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà và Đức Trọng. Cây bơ cho thu hoạch 1 vụ/năm, thời điểm ra hoa từ tháng 10 đến tháng 12 năm trước và cho thu hoạch trái từ tháng 5 đến tháng 7 năm sau. Trước đây, giống bơ được nông dân tự chọn giống, được trồng bằng hạt nên năng suất thấp, phẩm chất và chất lượng chưa cao, giá tiêu thụ thấp. Những năm gần đây, giống bơ được trồng chủ yếu là giống ghép được nhân giống từ các giống bình tuyển nên đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển cây bơ trên địa bàn tỉnh lớn, đặc biệt tại các vùng trồng cà phê và chè, với hình thức trồng xen canh vừa là cây che bóng mát vừa để thu hoạch trái, góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả đầu tư cho nông dân trên một đơn vị diện tích. Thị trường tiêu thụ trái bơ trong nước có nhu cầu tiêu dùng lớn, nông dân thường tiêu thụ trái bơ qua thương lái thu gom nên giá bán của nông dân sản xuất bơ thấp hơn nhiều so với giá mua của người tiêu dùng. Giá bán trái bơ ghép cao hơn nhiều lần so với giá bán của trái bơ trồng bằng hạt.

Theo ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng, hiện tại có 4 dòng bơ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có sự phát triển tốt và mang lại hiệu quả cao. Đó là các dòng BLĐ/004, BLĐ/005, BLĐ/018 và BLĐ/033. Các dòng bơ này có khả năng kháng chịu sâu bệnh tốt. Trong 4 dòng bơ này thì dòng BLĐ/004 có xu thế phát triển chiều cao vượt trội, dòng BLĐ/005 có xu thế phát triển cành thứ cấp mạnh. Ở các vùng địa lý khác nhau (Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà), tốc độ sinh trưởng và phát triển của các dòng bơ có sự khác biệt rõ rệt. Tại Di Linh và Đức Trọng, các dòng bơ được trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Với nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình canh tác cây bơ theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP” do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng thực hiện, canh tác cây bơ theo tiêu chuẩn VietGAP thì tỷ lệ phân bón NPK 2 : 1, 5 : 2 sẽ cho hiệu quả cao nhất với năng suất khoảng 27,8 tấn/ha, cây sinh trưởng khỏe mạnh, khả năng ra hoa đậu quả cao và đặc biệt trọng lượng trái và mẫu mã trái phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Qua 3 năm triển khai thực hiện mô hình canh tác cây bơ theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, đa số bà con nông dân tại các địa bàn triển khai đã hiểu được tầm quan trọng của VietGAP và đã nghiêm túc thực hiện theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật, các hộ đã ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn VietGAP đưa ra. Nếu như trước đây bơ trồng bằng hạt chỉ bán với giá vài ngàn đồng/kg, thì khi áp dụng quá trình canh tác cây bơ theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP và chế độ chăm sóc hợp lý đã đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao, khoảng 27,8 tấn/ha với giá bán 15.000 đồng/kg. Do vậy, để cây bơ Lâm Đồng trở thành cây trồng chủ lực và tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trái bơ của tỉnh, cần hướng nông dân mở rộng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, cần du nhập các giống bơ ưu việt của các tỉnh khác về nghiên cứu khảo nghiệm chọn lọc bổ sung cho nguồn giống bơ đầu dòng của địa phương. Tổ chức thi bình tuyển cây bơ trên địa bàn tỉnh, nhằm chọn lọc thêm các giống tốt, cây trồng có nhiều đợt nở hoa trong năm và kéo dài thời gian thu hoạch. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất giống bơ ghép chất lượng cao cho các cơ sở sản xuất giống nhằm đáp ứng giống bơ ghép chất lượng cao cho nông dân. Việc tìm đầu ra ổn định cho trái bơ để nông dân sản xuất không bị ép giá cũng là điều quan trọng. Có như vậy mới giúp cây bơ Lâm Đồng trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân bên cạnh những cây trồng chủ lực khác.


Có thể bạn quan tâm

Làng Hoa Phong Phú Đón Vụ Tết Làng Hoa Phong Phú Đón Vụ Tết

Chúng tôi về làng hoa cúc Phong Phú, phường Ninh Giang, TX Ninh Hòa những ngày này khi bà con đã hoàn thành việc xuống giống trồng hoa cúc để phục vụ dịp tết sắp tới. Trước mắt chúng tôi là hàng chục ngàn chậu hoa cúc vừa mới nhú lên xanh được xếp thẳng hàng trông rất đẹp mắt.

28/10/2014
Hành Trình Đầu Ra Ong Mật Hành Trình Đầu Ra Ong Mật

Trong nhiều năm trước đây, việc xuất khẩu mật ong gặp vô vàn khó khăn do chưa đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mật ong và người nuôi ong gặp nhiều rủi ro, bị thua lỗ nhiều.

28/10/2014
Big C Tiêu Thụ 150 Tấn Cà Chua Cho Nông Dân Đà Lạt Big C Tiêu Thụ 150 Tấn Cà Chua Cho Nông Dân Đà Lạt

Trước thực trạng cà chua khu vực Đà Lạt, Lâm Đồng được mùa rớt giá, nông dân thua lỗ nặng, Hệ thống siêu thị Big C đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ 150 tấn cà chua, đồng thời, tìm giải pháp quảng bá, tăng đầu ra cho bà con nông dân Đà Lạt, Lâm Đồng.

28/10/2014
Nông Dân Khốn Đốn Vì Tiêu Chết Nông Dân Khốn Đốn Vì Tiêu Chết

Trên nền đất ẩm ngổn ngang xác cây hồ tiêu, bà Nhữ Thị Doanh (trú tổ 3, thôn 2, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) đưa tay ngắt một chùm tiêu chi chít quả từ một gốc hồ tiêu bằng trụ bê tông cao vút và sum suê lá nhưng đã ngả vàng héo quắt. Lau những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt hốc hác, bà kể: “Năm 2000, giá cà phê xuống thấp nên chúng tôi chuyển sang trồng tiêu.

28/10/2014
Thăng Trầm Khoai Lang Xuất Khẩu Thăng Trầm Khoai Lang Xuất Khẩu

Vài năm trở lại đây, mùa thu hoạch, thương lái nhộn nhịp tìm đến huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long mua khoai lang xuất sang Trung Quốc, nhiều người dân đã làm giàu từ trồng khoai, diện tích trồng khoai lang cũng tăng nhanh chóng. Năm 2014, diện tích trồng khoai lang Bình Tân ước đạt 11.000ha nhưng tình hình tiêu thụ không còn khả quan như trước…

28/10/2014