Trồng Bơ Sáp Xen Trong Vườn Cà Phê Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Đó là mô hình trồng bơ sáp xen trong vườn cà phê của gia đình anh Trịnh Xuân Mười ở xã Hoà Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đây cũng là một trong những điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của bà con nông dân trong, ngoài tỉnh và đã được Viện Khoa học Kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên chọn nhân rộng ra khắp các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên.
Sau khi lập gia đình, anh Trịnh Xuân Mười chắt chiu, dành dụm từng đồng vốn, đến năm 1999 mua được 1,3 ha đất và đầu tư vào trồng cà phê. Qua học hỏi kinh nghiệm của các gia đình sản xuất kinh doanh giỏi về cây cà phê cũng như đọc thêm sách báo, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây cà phê do các cấp Hội nông dân tổ chức, anh Mười liền áp dụng vào trồng, chăm sóc cây cà phê nên vườn cây luôn đạt năng suất cao, ổn định từ 3,5 đến 4 tấn cà phê nhân/ ha. Tuy nhiên, từ năm 2002 trở lại đây, giá cà phê lên, xuống thất thường, bấp bênh, có lúc rơi xuống quá giá sàn, nên anh Mười quyết định đưa cây bơ sáp cao sản do anh tự lai tạo vào trồng thử nghiệm xen trong vườn cà phê.
Thấy có kết quả, cây bơ lớn nhanh lại tạo điều kiện cho cây cà phê thêm xanh tốt, nhất là vào các tháng mùa khô giảm số lần tưới nước nhưng cây cà phê vẫn phát triển. Từ thực tế đó, anh Trịnh Xuân Mười quyết định trồng xen 150 cây bơ sáp cao sản trên toàn bộ diện tích cà phê. Sau gần 7 năm, cây bơ đưa vào kinh doanh cho thu hoạch từ 2,5 đến 3 tạ quả/ cây, với thời điểm giữa vụ 15.000 đồng/ kg, mỗi vụ anh Trịnh Xuân Mười thu thêm được trên 500 triệu đồng, trong khi đó, năng suất cà phê lại đạt từ 4 đến 4,5 tấn cà phê nhân/ ha, cao hơn so với trồng thuần cà phê từ 0,5 đến 1 tấn cà phê nhân/ ha.
Theo anh Trịnh Xuân Mười, việc trồng xen cây bơ sáp trong vườn cà phê, không những che chắn gió, giữ ẩm tốt cho cây cà phê mà còn tiết kiệm số lần, lượng nước tưới trong mùa khô, cây bơ tốn ít công chăm sóc, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng thuần cây cà phê. Năm 2009, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Trịnh Xuân Mười đã có tổng thu nhập trên 620 triệu đồng, trong đó, nguồn thu từ cà phê là 120 triệu đồng, còn lại là nguồn thu từ bơ sáp.
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên, đa dạng hoá cây trồng trên từng đơn vị diện tích có nghĩa là đa dạng hoá sản phẩm, điều này giúp cho các nông hộ tránh được nguy cơ thua lỗ trong trường hợp độc canh một loại cây trồng. Cây trồng xen trong vườn cà phê có thể phối hợp với nhau để bảo vệ cho nhau tránh những điều kiện bất lợi như ánh sáng trực xạ, nhiệt độ cao, sương muối, gió...nhưng lại thu được nhiều lợi nhuận hơn so với trồng thuần cà phê. Ngoài ra, cây trồng xen thường có thời gian thu hoạch không giống nhau nên giảm bớt được tính thời vụ dồn dập...
Các tỉnh Tây Nguyên hiện nay có trên 450.000 ha cà phê (chiếm gần 90% diện tích cà phê của cả nước), nhưng chủ yếu vẫn trồng thuần, hiệu quả kinh tế chưa cao. Viện Khoa học Kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên đang khuyến cáo đến các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cây cà phê cần sớm nhanh chóng mở rộng việc đa dạng hoá cây trồng, nhất là việc trồng các loại cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê để góp phần phát triển cà phê bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích.
Có thể bạn quan tâm

TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh như vậy tại buổi giao lưu trực tuyến “Tiếp sức cho nông dân” do Báo điện tử Dân Việt - Báo NTNN tổ chức cuối tuần qua. Rất nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi đề cập đến Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Huyện Châu Thành từ lâu được biết đến là vùng chuyên canh bưởi Năm Roi đặc sản của Hậu Giang. Nhờ cây bưởi mà nhiều hộ nông dân thoát nghèo làm giàu. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá bưởi bấp bênh, sâu bệnh hoành hành chưa có thuốc đặc trị, làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và thu nhập của bà con nông dân

Tuy bị thương mất đi một phần thân thể nhưng với nghị lực của người lính cụ hồ "tàn nhưng không phế", từ hai bàn tay trắng, chỉ sống vào đồng lương ít ỏi, anh đã vượt lên chính mình để vươn lên thoát nghèo bằng mô hình nuôi lươn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bắt đầu xuất hiện loài cá đầu sấu (hay còn gọi là cá sấu hỏa tiển, cá Phúc Lộc Thọ...). Loài cá này do các cơ sở bán cá cảnh đưa ra bán cho những người chơi cá cảnh, con nhỏ nhất giá từ 160 - 200 ngàn đồng/con, loại 400gr - 1kg có giá từ 500 - 800 ngàn đồng/con.

Nông dân Cà Mau đang đối mặt với vụ nuôi tôm công nghiệp (NTCN) không thành công bởi dịch bệnh đốm trắng và gan tụy cấp tiếp tục hoành hành. Chính vì thế, việc tìm giải pháp căn cơ để gỡ khó cho ngành kinh tế mũi nhọn này là việc làm cấp bách.