Trồng Bơ Mỹ, Thu Tiền Tỷ

Bơ Booth, loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ, đang được giá khiến người trồng thành công loại bơ này ở Đắk Lắk hết sức vui mừng, phấn khởi. Hiện, bơ Booth được thương lái thu mua với giá từ 75.000 - 90.000 đồng/kg nhưng vẫn khan hàng.
Kiếm tiền tỷ nhờ bơ Booth
Những ngày này, đến bất cứ nơi nào của tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi đều nghe người dân bàn tán về việc trồng thành công giống bơ nhập khẩu từ Mỹ có tên gọi là bơ Booth. Anh Huỳnh Tấn Phát (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) chia sẻ: Khi giống bơ Booth nhập khẩu từ Mỹ được đem về trồng thí điểm tại tỉnh Đắk Lắk, nhiều nông dân không mặn mà lắm với loại cây này, bởi lâu nay họ chỉ biết sống bám vào nguồn thu từ càphê.
Tuy nhiên, nhờ sự tư vấn của cán bộ nông nghiệp tỉnh, nhiều gia đình ở xã Ea Kpam đã mạnh dạn đầu tư. Sau vài năm chăm sóc, nông dân nhận thấy loại bơ này dễ trồng, tiết kiệm công chăm sóc, có khả năng kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất, chất lượng cao, quả to và đều không thua kém bơ chính vụ.
“Thấy bơ Booth phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất này, gia đình tôi phá bỏ 5ha càphê già cỗi đầu tư trồng hơn 300 cây bơ nghịch vụ (bơ Booth). Sau 3 năm chăm sóc, gia đình thu hoạch được 300 - 400kg quả/cây/năm. Với giá bơ như hiện nay, tính ra gia đình thu nhập không dưới 100 triệu đồng/ha, đạt mức kỷ lục”, anh Phát hồ hởi khoe.
Còn chị Mai Thị Thúy vui mừng cho biết: “Gia đình tôi thu nhập hơn 400 triệu đồng/vụ từ bơ Booth. Loại bơ này ra trái vụ so với các loại bơ khác, thời điểm thu hoạch vào cuối tháng 11 và tháng 12, muộn hơn khoảng 2 tháng so với giống bơ thường nên rất hút hàng.
Khi đến mùa thu hoạch, chỉ cần điện thoại là thương lái đánh xe đến tận vườn thu mua nên người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Mỗi ngày có cả trăm thương lái khắp nơi kéo về tận vườn lùng sục, thu mua cung cấp cho thị trường”.
Theo chị Thúy, với lợi thế như hiện nay, thời gian tới, gia đình chị sẽ mở rộng diện tích bơ Booth để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Có người nói vui, chỉ vài năm nữa, nơi này sẽ được mệnh danh là “vương quốc bơ Mỹ” ở Tây Nguyên.
Hút người tiêu dùng
Ông Trần Văn Năm, chủ vựa bơ Booth ở tỉnh Đắk Lắk, cho biết, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung và nhất là khu vực phía Bắc, rất ưa chuộng loại trái cây này. Mỗi ngày cơ sở của ông thu mua và đưa ra các tỉnh, thành phía Bắc 40-50 tấn bơ nhưng cung không đủ cầu.
Bà Nguyễn Thị Khang, thương lái thu mua bơ Booth cho hay: “Từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi ngày đại lý của gia đình chuyển hàng chục tấn bơ ra thị trường Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ, với giá bán thấp nhất là 105.000 đồng/kg. Đây là giống bơ nhập khẩu từ Mỹ, được người dân Đắk Lắk trồng thành công, chất lượng thơm ngon.
Thời điểm này chỉ có bơ Booth cho trái nên loại bơ này rất khan hàng, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng ngày càng tăng nên đẩy giá tăng lên gấp đôi, gấp 3 giá bơ mùa.
Đầu tháng, chúng tôi mua với giá 75.000 - 80.000 đồng/kg loại trái to, nhưng hiện lên tới 95.000 - 100.000 đồng/kg. Có lúc tôi cho người xuống tận vườn bơ để đặt cọc, nhưng nhiều nhà vườn sợ “bị hớ” nên không chịu nhận tiền cọc mà nói rằng bán lúc nào tính giá lúc đó. Trong những ngày tới, giá bơ Booth có thể tiếp tục tăng mạnh”.
Theo chị Tống Thị Hà, chủ một cửa hàng bán trái cây ở TP. Hồ Chí Minh, do bơ Booth ra trái vụ nên chẳng bao giờ chị bị ế hàng. Khách mua nườm nượp, thậm chí có hôm hết hàng ngay trong buổi sáng. Thường khách chỉ mua 1-2 kg, nhưng cũng có người mua một lúc 10kg về dùng, vì loại bơ này thơm ngon, cơm dẻo, màu vàng đậm, hạt khá chắc.
Giá bán ra hiện là 100.000 đồng/kg quả nhỏ và 115.000 đồng/kg loại 2 quả/kg. Trung bình mỗi ngày cửa hàng của chị Hà bán được 50kg bơ. Do càng ngày bơ càng hiếm nên giá sẽ không dừng ở mức 115.000 đồng/kg mà có thể còn tăng thêm.
Thương lái thu mua bơ Booth nhận định, từ nay đến cuối vụ, giá loại bơ này sẽ tiếp tục tăng nên nhà vườn sẽ thu lợi nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm

Tốt nghiệp khoa Kinh tế xây dựng Trường đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Văn Tấn Thanh Tùng (SN 1984) ở khu phố Phú Hiệp 2, thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa, Phú Yên) về quê lập nghiệp bằng cách nuôi tôm. Đến nay, mỗi năm anh lãi hàng tỉ đồng từ nuôi tôm và trở thành “đại gia” tôm thẻ chân trắng ở vùng cát này. Anh là một trong bốn thanh niên tiêu biểu trong toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen.

Trắm đen là một trong số các loại cá đặc sản nước ngọt không những có chất lượng thịt thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn có một số tác dụng tốt trong y học nên được người dân ưa chuộng. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, giá thành trên thị trường cao, từ 120.000-140.000 đồng/kg, các mô hình nuôi cá trắm đen đã đem lại hiệu quả cao cho người nuôi.

Cá ngừ đại dương Phú Yên có mặt trong 10 đặc sản, hải sản nổi tiếng mà Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã công bố. Nghề khai thác cá ngừ đang là nghề khai thác chính của 35.000 ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó Phú Yên là tỉnh có sản lượng khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất.

Tổng sản lượng thủy sản của Đồng Nai đề ra theo kế hoạch năm 2015 đạt khoảng 50 ngàn tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi đạt 46.800 tấn, gồm: cá 38 ngàn tấn, tôm 7.500 tấn, các loại thủy sản khác 1.300 tấn... Riêng sản lượng thủy sản khai thác ngoài tự nhiên còn khoảng 3.200 tấn, giảm gần 50% so với năm 2014.

Cảng cá Hòn Rớ, tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang là cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ, sáng nay trở nên nhộn nhịp. Ông Mai Thành Phúc, chủ một tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương tại vùng biển Trường Sa cho biết, ngư dân rất phấn khởi vì các chuyến biển cuối năm, giá dầu giảm, giá cá ổn định nên hầu hết đều thắng lớn.