Trồng Bắp Giống Lợi Nhuận Bình Quân Cao Gấp 03 Lần So Với Trồng Lúa

Ngày 06/4, tại Trường Tiểu học Giồng Chanh B, UBND xã Long Hiệp, huyện Trà Cú (Trà Vinh) kết hợp cùng với Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam tổ chức Hội thảo “Tổng kết mô hình sản xuất bắp giống SSC 03” trên đất giồng cát vụ Đông Xuân 2013 – 2014. Đến dự hội thảo có ông Trần Văn Đồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng 152 đại biểu là nông dân thực hiện mô hình.
Trước khi đi vào hội thảo, các đại biểu được tham quan thực tế một số ruộng mô hình sản xuất bắp giống SSC 03 của các hộ tham gia thực hiện mô hình đang trong thời gian chuẩn bị thu hoạch. Mô hình được triển khai tại 02 ấp Giồng Chanh A và Giồng Chanh B, quy mô 101 ha với 152 hộ nông dân tham gia mô hình. Đây là một trong những địa phương của huyện Trà Cú có diện tích trồng bắp giống nhiều nhất cũng như số năm thực hiện.
Báo cáo hạch toán kinh tế của mô hình cho thấy, năng suất ước đạt bình quân 08 tấn/ha với giá bao tiêu 8.300 đồng/kg, sau khi trừ đi các khoản chi phí nông dân còn thực lãi gần 31 triệu đồng/ha. Riêng những hộ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật, qui trình sản xuất, quản lý tốt sâu bệnh năng suất đạt trên 10 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 50 triệu đồng/ha.
Cũng theo báo cáo của UBND xã Long Hiệp cho biết, số hộ trồng bắp có năng suất cao trong mô hình đạt trên 50%. Tổng lợi nhuận của mô hình đạt trên 3,1 tỷ đồng; Lợi nhuận kinh tế bình quân của mô hình cao gấp 03 lần so với trồng lúa.
Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam và UBND tỉnh Trà Vinh trong sản xuất hạt bắp giống, trong thời gian tới, tại địa bàn huyện Trà Cú, công ty sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 300 ha tại các địa bàn truyền thống như Long Hiệp, Tân Sơn, Ngọc Biên và các địa phương có diện tích đất giồng cát nhiều; tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trong việc thực hiện sản xuất bắp giống.
Đây là một trong những cây trồng hiệu quả nhất trên đất giồng cát và là giải pháp tốt nhất trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiện nay tại địa phương; góp phần rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập kinh tế cho người dân xã Long Hiệp.
Có thể bạn quan tâm

Nhà vườn ở miền Tây đang mùa trái chín bắt đầu “thấm đòn” trước tác động kép: Hàng tiêu thụ chậm nay lại gặp thêm “nhà xe” tăng phí vận chuyển. Thương lái, nhà vựa thu mua trái cây cầm chừng, trái cây rớt giá sâu.

Ông Nguyễn Công Thừa, chủ nhiệm Hợp tác xã rau Anh Đào (Đà Lạt, Lâm Đồng), cho biết do ảnh hưởng của thời tiết, mưa nhiều và nguồn cung giảm, chưa kể chi phí vận tải cũng tăng, khiến giá nhiều mặt hàng rau tăng từ 100-200%.

Vụ tôm đầu năm nay, tỉnh Bình Định thả nuôi gần 2.200 ha diện tích mặt nước. Song nhiều vùng nuôi trọng điểm mới thả giống được 1 tháng rưỡi thì tôm đã lăn đùng ra chết hàng loạt khiến người nuôi hoang mang.

Vụ nuôi tôm xuân – hè 2014, huyện Hoằng Hóa phấn đấu nuôi thả 1.359 ha tôm; trong đó, diện tích thả tôm sú là 1.351 ha, tôm he chân trắng là 8 ha. Từ đầu tháng 4 đến nay, do thời tiết ấm áp, các chủ đầm nuôi tôm đã đấu mối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa để lấy nguồn giống bảo đảm chất lượng vào nuôi thả.

Không phụ thuộc vào con tôm, nhiều năm qua, hội viên Cựu chiến binh (CCB) ấp Truyền Huấn, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn (Cà Mau) áp dụng thành công mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm.