Trồng ấu cho thu nhập khá

Giải pháp cho vùng đất trũng
Với diện tích 7 công đất, hàng năm, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, ở ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chỉ trồng được một vụ lúa Đông xuân/năm, thu hoạch chỉ 5-7 tấn lúa là nhiều, sau khi trừ hết chi phí, hình như chị không còn đủ ăn đến giáp hạt.
Ruộng đất bỏ hoang vì đồng sâu nước trũng không thể cấy cày cho những vụ tiếp theo, vợ chồng chị phải làm thuê để lo cái ăn cho 4 người trong nhà.
Thấy gia cảnh khó khăn, người dân địa phương mách nước cho chị “nếu ruộng sâu không trồng lúa được, thôi thì trồng ấu”.
Nghe cũng hợp lý, lần đầu vào năm 2010, chị mua giống ấu sừng trâu bản địa trồng thử nghiệm trên 2.000m2 đất ruộng nhà mình.
Sau 3 tháng chăm sóc, cây ấu bắt đầu cho củ, xong vụ, chị thu hoạch hơn 2 tấn ấu củ, thương lái thu mua với giá 4.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chị còn lời hơn 6 triệu đồng.
Thấy trồng ấu có hiệu quả, chị Dung nhân rộng hết diện tích đất nhà, mỗi năm chị trồng 2 vụ ấu, năng suất củ hơn 1 tấn/công, với giá bán ra từ 5.000-7.000 đồng/kg ấu tươi, sau khi trừ hết chi phí chị còn lời khoảng 40 triệu đồng.
Chị Dung cho biết thêm, hiện tại đầu ra của ấu tương đối ổn định, mỗi lần thu hoạch thì chị điện thoại là các thương lái ở các chợ Vị Thanh, Long Mỹ,… đến cân và trả tiền tại ruộng.
Ngoài ra, cây ấu vừa dễ trồng, vừa ít tốn chi phí, nhưng muốn trúng mùa được giá, củ to thì khâu chăm sóc cũng không kém phần quan trọng.
Theo kinh nghiệm của chị, trồng ấu cũng như trồng lúa, trước hết là phải giữ được mức nước ngâm mặt đất ruộng cao từ 6-7cm để ủ hủy lớp thực bì cỏ dại.
Bước tiếp theo là khâu cày xới đất cho tơi xốp tạo mùn và xịt thuốc diệt ốc bươu vàng, rồi bắt đầu thả ấu giống.
Thời tiết thuận lợi cho vụ thả ấu là vào khoảng đầu tháng 4 (âm lịch) khi có mưa, mật độ ấu giống thả thưa khoảng 4-5 tấc/bụi, để cây ấu có khoảng cách nở bụi, cho củ to nhiều.
Chị Dung cho rằng khâu chăm sóc cây ấu cũng giống như cây lúa, thường xuyên thăm đồng, bón phân, xịt thuốc, đặc biệt không nên phun xịt thuốc trừ cỏ dại trên bờ ruộng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ấu”.
Phương thức lấy ngắn nuôi dài
Ngoài trồng ấu luân canh trên ruộng lúa như hộ chị Dung và một số hộ khác ở Vị Thủy, nhiều nông dân làm vườn ở huyện Châu Thành A còn tận dụng diện tích mặt nước ao mương trồng cây ăn trái vườn nhà để thả ấu xen canh vào mùa nước nổi.
Ông Bùi Văn Bảnh, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Mỗi năm vào mùa nước nổi là tôi phát quang, nạo vét ao mương để thả ấu.
Những phần bùn non được nạo vét từ dưới mương tôi đem cho vào những mô cây để giúp cây ăn trái phát triển tốt, nhất là ít tốn chi phí phân bón.
Ngoài ra, tôi còn tận dụng thuốc xịt trừ sâu trên cây ăn trái để phòng ngừa sâu hại trên cây ấu”.
Với cách làm trên, hàng năm, từ 5 công vườn trồng xen thêm ấu của ông Bảnh, cho lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng/vụ.
Không chỉ có ông Bảnh biết tận dụng ao mương để trồng xen canh cây giống khác để làm tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích của mình mà còn có ông Lương Tấn Tài, ngụ cùng ấp với ông Bảnh.
Được biết, từ 2 công vườn trồng ấu thử nghiệm của ông Tài đang cho thu hoạch, năng suất cũng tương đối khá, khoảng 100 kg/đợt, bán ra với giá 5.000 đồng/kg, thu nhập trung bình khoảng 500.000 đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, đánh giá:
“Việc bà con tận dụng diện tích mặt nước ao mương vườn cũng như ruộng trũng trồng ấu để góp phần tăng thêm thu nhập là việc làm hay và thiết thực, thay vì bỏ trống thì nên tận dụng trồng thêm cây ngắn ngày để quay đồng vốn cho gia đình, thậm chí có thể thoát nghèo.
Tuy nhiên, bà con nông dân không nên tập trung trồng ấu với diện tích lớn vì hiện tại, giá ấu cũng còn bấp bênh, đầu ra cho ấu cũng chưa được ổn định…”.
Có thể bạn quan tâm

Mùa nước nổi năm nay có rất nhiều mô hình làm giàu từ lũ được nhân rộng ở các địa phương vùng ĐBSCL như: nuôi tôm càng xanh, nuôi cá chình, lươn, cá lóc, cá bông... ở các huyện: Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), Tân Hưng (Long An)...

Gần đây, trong làng giống cây trồng Việt Nam xuất hiện một tên tuổi mới, đó là thương hiệu Sao Cao Nguyên® Seeds. Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng và người sản xuất, Cty này đã cùng một lúc đưa ra thị trường 3 giống khổ qua lai F1 với các đặc tính cơ bản như: thu trái sớm; trái sai, thời gian thu trái dài; màu sắc, hình dáng đẹp; cứng trái thích hợp vận chuyển xa và bảo quản lâu. Các giống lai này có tính thích nghi rộng, phù hợp với nhiều vùng miền ở cả Bắc, Trung, Nam.

Trong ao cá tra thì oxy thường cao ở lớp nước mặt (1 mét đến 1,5 mét) vào ban ngày và có thể giảm rất thấp vào ban đêm. Sự thiếu oxy trong ao cá tra có thể do ao nuôi cá có nhiệt độ nước cao (biến động 28-32°C) dẫn đến hệ số hòa tan oxy vào nước giảm, mật độ nuôi quá cao, đáy ao có nhiều hợp chất hữu cơ tích tụ hay sục khí không đầy đủ.

Đôi tay ông Khoa vừa nhẹ nhàng vớt nước đã pha thuốc tắm cho bầy cá trước khi đưa vào thả, ông vừa giảng giải với chúng tôi: "Khi tắm thuốc cho cá cần sục khí, nếu thấy cá có hiện tượng khác thường như đớp khí ở mặt nước, cá quẫy hỗn loạn hay nhảy lên khỏi dụng cụ chứa thì phải vớt cá ra ngay". Vui tính và cởi mở ông chẳng có ý giữ bí mật bài thuốc quý mà ông mất nhiều công sức tìm tòi, thử nghiệm.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của hiện tượng trên là do các vi sinh vật háo khí có hại hoạt động mạnh, làm giảm lượng oxy hoà tan trong nước. Oxy hòa tan có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất, chất lượng các loài cá nuôi