Triệu Phú Trồng Xen

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Trung (Bù Đăng - Bình Phước) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Gia đình ông Nguyễn Hữu Hiếu ở thôn 1 là điển hình về trồng xen sầu riêng Thái và chôm chôm.
Năm 1998, gia đình ông Hiếu từ Tiền Giang lên Bình Phước mua được 2 ha trồng điều với mong muốn cải thiện kinh tế. Nhưng qua nhiều năm canh tác, năng suất vườn điều thấp nên ông Hiếu đã mạnh dạn chuyển sang trồng thí điểm 150 gốc sầu riêng Thái trên 1 ha.
Ông Hiếu cho biết: “Năm đầu, do chưa học hỏi kỹ thuật chăm sóc nên sầu riêng bị sâu bệnh nhiều, chết hàng loạt, chỉ còn 100 gốc. Tôi nhận thấy nếu chỉ độc canh sầu riêng hiệu quả sẽ không cao. Vì vậy, tôi đã trồng xen 400 gốc chôm chôm Thái. Sau 3 năm, vườn cây ăn trái hơn 1 ha của tôi phát triển hơn cả mong đợi”.
Sầu riêng là cây thân gỗ, ưa sáng nên phải trồng thưa để vườn được thông thoáng. Chôm chôm là cây dễ tính, ít sâu bệnh, tuổi thọ cao, nhẹ công chăm sóc. Việc trồng xen 2 loại cây này không những tránh được nguy cơ thua lỗ mà còn tiết kiệm phân bón. Theo kinh nghiệm của ông Hiếu, sầu riêng nên trồng mật độ vừa phải, khoảng cách mỗi cây từ 7 - 8m, trong vườn nên giữ cỏ để ẩm.
Công đoạn tưới nước chia thành 2 thời kỳ: Đối với cây con, tưới nước để giúp cây mạnh khỏe, nhanh cho trái. Khi cây ra bông cần tưới nước cách ngày để bông phát triển và đậu trái. Hai loại bệnh khó khắc phục nhất đối với sầu riêng là xì mủ và nấm lá. Để hạn chế sâu bệnh và giúp cây phát triển tốt, việc bón phân theo định kỳ rất quan trọng, lượng phân bón phải tuân thủ theo thời kỳ, trước khi ra hoa từ 30 - 40 ngày bón phân vô cơ có hàm lượng lân cao giúp ra bông dễ dàng.
Khi sầu riêng ra trái được 2 tháng nên bổ sung kali giúp trái phát triển nhanh và chất lượng cao, tránh hiện tượng trái bị sượng. Vào đầu mùa mưa, lá sầu riêng hay phát triển đọt kéo theo rụng trái nên cần phun thuốc MKP để chặn đọt, ức chế không cho đọt ra dài và phòng ngừa bằng thuốc Ariphốt, cứ 4 tháng phun 1 lần để đảm bảo cho quá trình thụ phấn và đậu trái.
Nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây của ông Hiếu luôn cho năng suất cao. Mỗi năm, gia đình ông thu hơn 1 tạ trái sầu riêng thu về hơn 200 triệu đồng và khoảng 400kg chôm chôm thu về gần 400 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Trung cho biết: “So với các loại cây ăn trái khác, sầu riêng đang chiếm ưu thế bởi giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nông dân cũng không nên phát triển ồ ạt, nhất là ở những vùng đất không phù hợp, đồng thời quan tâm đến nguồn gốc cây giống, tránh mua những loại giống trôi nổi kém chất lượng làm ảnh hưởng đến hiệu quả”.
Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Bữu Hoàng, ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được nhiều người biết đến với mô hình trồng mãng cầu xiêm. Điều đặc biệt là ông biết cách cho cây mãng cầu ra trái theo ý muốn, vì vậy mà quanh năm, mùa nào trái mãng cầu cũng có mặt trên thị trường và thu nhập cả năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Đinh Vũ Hải (39 tuổi, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính. Đây là mô hình nuôi tôm trong nhà kính đầu tiên ở Việt Nam, mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL.

Được thuê đất với diện tích gần 2.000 m2, ông Nguyễn Công Nguyên (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn - Ninh Bình) đã đầu tư xây dựng chuồng trại, quy hoạch nuôi các con nuôi đặc sản: Lợn rừng, lợn Mường, baba, gà thuốc, gà Lương Phượng, gà Hoàng Gia, chim bồ câu… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chiều 11-4, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, những năm gần đây diện tích trồng đậu nành ở các tỉnh ĐBSCL giảm liên tục. Nếu như năm 2009, toàn vùng có hơn 8.932ha đậu nành được trồng ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, TP Cần Thơ…, nay giảm chỉ còn 2.967ha. Trong đó, nhiều nơi trồng đậu nành trọng điểm như huyện Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp); huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long)… nông dân ào ạt bỏ cây đậu nành chuyển sang trồng cây khác.

Cách đây hơn 5 năm, khi con tôm thẻ chân trắng mới về xã miền biển Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) và mang lại thu nhập rất cao cho vài hộ gia đình đã tạo ra “cơn sốt” trong nuôi trồng thủy sản ở địa phương này. Một số người trước đây vốn chỉ quen ra khơi vào lộng, quen nuôi tôm sú, nuôi cua vội gom góp vốn liếng, đất đai để chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng với hy vọng đổi đời nhanh chóng.