Triệu Phú Nuôi Chim Cút

Với niềm đam mê nuôi chim chóc từ thuở còn để chỏm, cộng với tính ham học hỏi, anh Lê Hữu Dũng ở thôn Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị đã trở thành triệu phú từ nghề nuôi chim cút.
10 năm trước, gia cảnh nghèo khó quá, anh Dũng trăn trở mãi, rồi quyết định nuôi chim cút. "Nhận thấy nhu cầu chim cút, trứng cút ở quê mình không nhỏ, nhất là vào mùa cưới hỏi, tiệc tùng, trong khi người nuôi cút cả tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay nên tôi quyết định chọn nghề này" - anh Dũng kể. Lúc đó cả huyện Cam Lộ chưa có ai nuôi con chim này.
Năm 2002, anh vào Thừa Thiên- Huế, đến trang trại nuôi chim cút của người quen học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, anh vay 10 triệu đồng mua 1.000 con giống về nuôi lấy trứng. Chưa đầy năm sau vợ chồng anh hoàn trả hết số nợ ban đầu. Ước tính thu nhập từ chim cút trong năm đầu của vợ chồng anh lên tới 50 triệu đồng. Đây là một số tiền rất lớn đối với hoàn cảnh còn nghèo khó như gia đình anh.
Có vốn, anh phát triển đàn chim cút dần lên. Đến nay, trang trại của anh có tới 3.000 con, lúc nhiều nhất lên đến 4.000 con. Anh Dũng cho biết: "Chim cút đẻ trứng quanh năm, bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi xuất ra thị trường 1.000 quả trứng và 300 con chim thịt. Theo thời giá hiện tại, ước tính tổng số tiền thu được mỗi ngày khoảng 600 - 800 nghìn đồng, trừ chi phí lãi gần 300 nghìn đồng".
Nhờ nuôi chim cút, vợ chồng anh đã xây được nhà khang trang, 4 đứa con ăn học đàng hoàng. Ngoài ra, anh luôn giúp đỡ bà con trong thôn có hoàn cảnh khó khăn và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm nuôi cút cho những hộ nông dân muốn làm theo mô hình này.
Chị Phạm Thị Sáng- Chủ tịch Hội ND xã Cam An đánh giá: "Anh Lê Hữu Dũng là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo ở địa phương".
Có thể bạn quan tâm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết những mô hình ứng dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) thành công đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, có vai trò của doanh nghiệp hoặc nhà nước hỗ trợ chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm.

Đến thời điểm này, những hộ nông dân trồng củ sắn (củ đậu) ở 4 ấp thuộc xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng) đạt lợi nhuận gần 50 triệu đồng/công sau khi trừ chi phí. Đây được xem là “mùa vàng” với người trồng củ sắn ở xã An Thạnh Đông khi giá bán đạt... “kỷ lục” 7.000 đồng/kg!

Người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, hiện giá tôm hùm thương phẩm xuống thấp, chỉ còn 1,2 triệu đồng/kg, giảm 200.000 đồng/kg so với đầu tháng 3 và giảm 600.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2015. Giá tôm xuống thấp khiến người nuôi hòa vốn hoặc lãi ít sau gần 2 năm nuôi.

Hướng tới việc khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao và bền vững, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đề ra nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất trên biển, đồng thời thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020.

Nghề nuôi cá nước chảy có ở hầu khắp các xã huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, mỗi xã lác đác có khoảng chục hộ nuôi. Ở xã Tình Húc nghề nuôi cá nước chảy phát triển quy mô hơn bởi ở đây có nhiều đồi sườn dốc thoai thoải, có khe nước chảy qua thích hợp với nghề nuôi cá nước chảy.