Triệu Phú 8X Trên Vùng Gò Đồi

Với sự cần cù, hăng say lao động, anh Hoàng Công Mê Sang ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm (Hải Lăng - Quảng Trị) đã khai hoang vùng đất gò đồi để lập trang trại. Sau 5 năm miệt mài sản xuất, kiến thiết, trang trại của Sang đã hình thành.
Một ngày đầu tháng 10, tôi cùng các cán bộ Đoàn Thanh niên huyện Hải Lăng đến thôn Xuân Lâm để thăm mô hình trang trại của Sang. Vượt qua gần 5km đường từ Quốc lộ 1A lên phía núi, băng qua mấy cánh rừng, chúng tôi mới đến được ngôi nhà của Sang nằm giữa bạt ngàn cây lá. Những hạt mưa vẫn đọng lại trên tầng lá cao su gần 5 năm tuổi, như hứa hẹn những đổi thay ở vùng gò đồi hoang hóa này.
Sau lời chào hỏi thân mật, Sang dẫn chúng tôi ra thăm vườn cao su, anh cười nói: “Có được thành quả như hôm nay là một quá trình phấn đấu gian khổ. Trước đây, vùng đất này chỉ toàn sim mua cỏ dại, nhất là phế liệu chiến tranh còn sót lại nhiều nên việc khai hoang rất vất vả. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình cần cù, chịu khó thì sẽ không có việc gì khó”.
Bước đầu vật lộn với khó khăn trên vùng đất gò đồi hoang hóa, Sang đã vay mượn của bạn bè và qua nguồn của Đoàn Thanh niên hơn 100 triệu đồng để đầu tư san ủi mặt bằng, thuê người làm đất trồng trọt. Sau 5 năm gây dựng, đến nay, Sang đã có một trang trại tổng hợp quy mô với 4,7ha cao su gần 5 năm tuổi, 2ha rừng tràm, 3ha sắn KM94. Đất không phụ công người, những khu vườn mà anh dày công chăm sóc cứ thế phát triển xanh tốt.
Bên cạnh đó, anh còn đầu tư nuôi 2 ao cá, 5 con lợn nái để nhân giống, chăn nuôi gần 300 con gà, vịt và làm ruộng khoán. Doanh thu từ trang trại đạt gần 250 triệu đồng/năm, trừ chi phí cũng lãi ròng gần 100 triệu đồng. “Khi cao su cho thu hoạch, thu nhập sẽ cao hơn”, Sang chia sẻ.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hải Lâm Nguyễn Ngọc Nghĩ tâm sự: “Sang là một thanh niên bản lĩnh, chịu khó làm ăn, là tấm gương sáng trong phong trào thanh niên tiến tiến làm theo lời Bác”.
Anh Nguyễn Trường An, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Hải Lăng cho biết: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, Sang còn tích cực tham gia công tác Đoàn và các hoạt động của địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên dương để các đoàn viên thanh niên trong toàn huyện học tập noi theo”.
Với những gì đã làm được, Sang đã được các cấp bộ Đoàn tặng nhiều bằng khen, giấy khen, được Đoàn Thanh niên huyện Hải Lăng chọn đề xuất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xét tặng giải thưởng Lương Định Của.
Có thể bạn quan tâm

Với mục đích khai thác tiềm năng của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập và giúp người dân có định hướng để thoát nghèo bền vững, xã Nam Cường (Chợ Đồn - Bắc Kạn) triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ nuôi dê. Qua gần hai năm thực hiện, Dự án đã có những kết quả khả quan.

Trong những năm gần đây, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần ổn định và nâng cao cuộc sống của người dân.

Tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, Sở vừa có công văn yêu cầu các đơn vị chức năng trong ngành tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh và sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, cây thanh long đã ngày một khẳng định giá trị và trở thành cây trồng chủ lực của nhiều địa phương mang lại hiệu quả cũng như giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên để cây thanh long phát triển một cách bền vững, lâu dài thì nhất quyết người trồng thanh long phải hướng đến một nền sản xuất sạch, chất lượng cao và bền vững.

Thời gian vừa qua, nhiều người dân Tây Nguyên đua nhau trồng giống “tiêu lạ” với gốc ghép có nguồn gốc ngoại lai là cây trầu amazon. Trong khi đó, năng suất, chất lượng và khả năng chống sâu bệnh của gốc ghép này chưa được cơ quan chức năng kiểm định.