Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Từ Nuôi Cua Mật Độ Cao

Triển Vọng Từ Nuôi Cua Mật Độ Cao
Ngày đăng: 26/08/2013

Qua 2 năm triển khai, Dự án nuôi cua mật độ cao (1 con/m2) của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III Nha Trang tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã và đang mang lại hiệu quả rất cao, sản lượng thu được từ 1,5 - 2 tấn/ha, góp phần cải thiện cuộc sống người dân.

Tham quan mô hình trình diễn tại hộ ông Lê Văn Đây, ấp Tân Thành, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, mọi người không khỏi ngạc nhiên vì tính hiệu quả của mô hình. Ông Đây thông tin: “Cua mới được 3 tháng tuổi nhưng tốc độ lớn rất nhanh. Với mật độ như thế này, khi thu hoạch, tôi cầm chắc trong tay trên 2 tấn cua”.

Luân canh hiệu quả

Khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, con tôm ngày càng rủi ro do nhiều yếu tố môi trường, dịch bệnh, vì thế, nông dân bắt đầu chú ý các đối tượng nuôi khác, trong đó có con cua. Song, nhiều năm qua, con cua vẫn là đối tượng “lót đường”, được ví là kinh tế phụ nên cả ngành chức năng và hộ gia đình chưa quan tâm hướng dẫn, ứng dụng kỹ thuật nuôi cũng như nhân rộng mô hình.

Ông Lê Văn Đây thừa nhận: “Những năm trước mua cua giống về thả không theo quy trình kỹ thuật nào, tôi không phơi đầm, thuốc cá, không quan tâm chất lượng con giống… nên tỷ lệ cua nuôi đạt không cao, lợi nhuận thấp, thậm chí bị lỗ vốn”.

Từ khi Dự án nuôi cua mật độ cao 1 con/m2 tại 2 xã Phong Điền và Lợi An được triển khai, bà con nông dân đã thay đổi cách nhìn, cách làm không mấy hiệu quả trong thời gian qua. Đó là kinh nghiệm lựa chọn con giống tốt, cải tạo ao đìa trước khi thả con giống, xả cạn nước, phơi đáy, đặc biệt là diệt các loại cá tạp, rắn, lịch. Đó là những yếu tố mang lại thành công cho vụ nuôi mà mô hình trình diễn mang lại.

Tổng chi phí cho toàn vụ nuôi dưới 35 triệu đồng/ha. Trong đó, nguồn thức ăn gồm cá phi, hến tại địa phương nên chi phí trên dưới 20 triệu đồng; tiền con giống 10 triệu đồng; cải tạo ao đìa 2 triệu đồng.

Với mật độ 1 con/m2 tại 5 điểm trình diễn đã cho kết quả tỷ lệ sống trung bình của các ao từ 65 - 70%, cua đạt trọng lượng 250 - 350 g/con. Nếu giá cua y từ 100.000 - 120.000 đồng/kg như hiện nay thì sản lượng 1,7 - 2 tấn cua thương phẩm sẽ thu về từ 150-200 triệu đồng.

Nhiều hộ dân tham gia mô hình trình diễn chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc cua cần quan tâm đến lượng thức ăn, bởi thiếu ăn cua sẽ ăn thịt nhau, từ đó hao hụt nhiều và chậm lột xác. Nếu thức ăn dư sẽ lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

Cần nhân rộng mô hình

Phó Chủ tịch UBND xã Lợi An Võ Văn Lạc nhận định: “Ban Chấp hành Đảng bộ xã dự kiến thời gian tới sẽ chỉ đạo lồng ghép triển khai nhân rộng mô hình này trong toàn xã. Trong đó, các tổ chức Hội Nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ… sẽ đi đầu thực hiện mô hình. Chúng tôi tin rằng, thấy hiệu quả thiết thực mà mô hình đạt được, nhiều bà con sẽ tự giác làm theo, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.

“Hằng ngày chúng ta theo dõi vấn đề dịch bệnh, quản lý tốt môi trường ao nuôi, rào lưới xung quanh để hạn chế cua bò từ ao này sang ao khác, tránh lây lan dịch bệnh. Mô hình này không những góp phần giảm nghèo mà có thể làm giàu cho nông dân. Tôi nghĩ, khi bà con trong huyện, trong tỉnh nhận thấy hiệu quả từ mô hình trình diễn này, họ sẽ làm theo. Mô hình sẽ được nhân rộng”, ông Nguyễn Diễu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III Nha Trang, nhận định.

Phó Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Trương Thanh Hải đánh giá: “Qua 2 năm triển khai mô hình, chúng tôi nhận thấy con cua không có bệnh, vốn đầu tư, kỹ thuật, cải tạo so với đầu tư mô hình tôm sú ít hơn nhiều. Trong khi đó, giá cua ổn định, mức thấp nhất cũng từ 100.000 đồng/kg trở lên, nếu nuôi nghịch mùa thì từ 300.000 - 500.000 đồng/kg. Với lợi nhuận và hiệu quả mang lại từ con cua, điều mà chúng ta phải tính đến là nhân rộng cho nhiều hộ dân thực hiện mô hình này trong thời gian tới”.

Nuôi cua mật độ cao là dự án của Bộ NN&PTNT, được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III Nha Trang triển khai thực hiện: năm 2010, năng suất đạt 2,5 - 3 tấn/ha tại tỉnh Ninh Bình. Năm 2011, năng suất đạt 1,5 - 1,7 tấn/ha tại tỉnh Bến Tre. Năm 2012, tại xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, năng suất đạt 1,7 - 2 tấn/ha và hiện tại 5 mô hình trình diễn tại xã Lợi An, năng suất ước đạt 1,7 - 2 tấn/ha. Với hiệu quả này, trung bình mỗi hộ thực hiện mô hình thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng/vụ nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Khai Thác Hải Sản Đạt Hơn 14 Ngàn Tấn Khai Thác Hải Sản Đạt Hơn 14 Ngàn Tấn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 11 sản lượng khai thác hải sản ước đạt 14.710 tấn. Lũy kế 11 tháng, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh Bình Thuận ước đạt hơn 173.131 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ.

05/12/2013
Trồng Ngô Đuổi Con “Ma Đói” Trồng Ngô Đuổi Con “Ma Đói”

Vượt đoạn đường đất đá lởm chởm dài gần 20km từ trung tâm xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn - Yên Bái), chúng tôi đến thôn 1 Khe Nhao, nơi sinh sống của 54 hộ người Mông. Từng là thôn khó khăn nhất xã, nhưng mấy năm trở lại đây, cuộc sống của người dân nơi đây ấm no hơn nhờ trồng ngô.

26/12/2013
Ô Nhiễm Môi Trường Từ Những Ao Nuôi Tôm Trên Cát Ô Nhiễm Môi Trường Từ Những Ao Nuôi Tôm Trên Cát

Năm công ty và nhóm hộ nuôi tôm trên cát vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với số tiền gần 1 tỷ đồng. Đó là con số khiêm tốn khi biết hầu hết các công ty và hộ nuôi tôm trên cát chưa có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải và đã thải nước tùy tiện.

05/12/2013
Đến Năm 2015, 100% Tàu Khai Thác Cá Ngừ Được Tổ Chức Sản Xuất Theo Mô Hình Tổ Đội Đoàn Kết Sản Xuất Đến Năm 2015, 100% Tàu Khai Thác Cá Ngừ Được Tổ Chức Sản Xuất Theo Mô Hình Tổ Đội Đoàn Kết Sản Xuất

UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch tổ chức lại hoạt động khai thác cá ngừ đại dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

05/12/2013
Tôm Càng Xanh Toàn Đực “Cứu” Nông Dân Tôm Càng Xanh Toàn Đực “Cứu” Nông Dân

Thời gian gần đây, ở huyện Thoại Sơn và Châu Phú, ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang đã đưa giống tôm càng xanh toàn đực vào nuôi thay thế tôm càng xanh trước đây. Việc thay thế này bước đầu đã mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.

05/12/2013