Triển Vọng Từ Mô Hình Trồng Cỏ Ghile

Cỏ Ghile (còn gọi là cỏ ngọt) được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng nhập giống từ Trường Đại học Nông - Lâm nghiệp Thái Nguyên từ cuối năm 2013, triển khai trồng mô hình tại xã Ngối Cáy. Giống cỏ này được sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò, dê, thỏ và cá, có những ưu điểm vượt trội so với cỏ voi và cỏ VA06 khi hệ số sử dụng đạt 100% bởi thân mềm, có vị ngọt mát.
Cỏ Ghile dễ trồng, có thể trồng xen với cây công nghiệp, như: táo mèo, sa nhân, dẻ... Đặc biệt, cỏ Ghile có thể phát triển trong mùa đông nên thích hợp với những xã vùng cao, thời tiết khắc nghiệt; là nguồn thức ăn dồi dào cho gia súc trong mùa đông lạnh giá khi các hộ dân không có điều kiện chăn thả gia súc.
Hiện loại cỏ này đã được nhiều hộ dân ở xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) tự mua giống về trồng xen dưới gốc táo mèo chưa khép tán.
Giống cỏ Ghile có thể nhân theo nhiều phương pháp khác nhau, khi trồng có thể dùng bằng hom, nhánh hoặc gieo trồng bằng hạt. Nếu gieo trồng bằng hạt, hàng cách hàng 25 - 30cm, hố sâu từ 5 - 7cm, rải một lớp phân lân phủ lớp đất mỏng lên bề mặt rồi tiến hành gieo hạt và phủ đất từ 2 - 3cm. Trung bình cỏ Ghile cho thu hoạch 1 lần/tháng, khi cây cao 1m (vì sẽ tận dụng được tối đa hơn). Cỏ Ghile có thời gian sinh trưởng dài, 5 - 6 năm sau mới phải trồng lại.
Ông Nguyễn Trọng Kính, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng cho biết: Tháng 10/2013, đơn vị triển khai mô hình trồng 500m2 cỏ Ghile kết hợp nuôi cá tại xã Ngối Cáy cho 5 hộ tham gia.
Còn tại xã Ẳng Cang mô hình trồng cỏ Ghile kết hợp nuôi bò sinh sản do người dân tự bỏ vốn đầu tư, Trạm tư vấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc. Để mô hình hiệu quả, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cỏ và nuôi cá cho các hộ tham gia mô hình.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tứ, bản Pom Ké, xã Ẳng Cang - một trong những hộ chăn nuôi đại gia súc tự mua giống cỏ Ghile về trồng, thì Ghile là giống cỏ có ưu điểm vượt trội so với cỏ voi là thân mềm, có thể sử dụng tối đa làm thức ăn gia súc. Bên cạnh đó, trồng cỏ Ghile không đòi hỏi kỹ thuật cao và không làm bạc màu đất như cỏ voi. Cỏ Ghile phát triển quanh năm nên rất thích hợp với những hộ chăn nuôi đại gia súc có quy mô lớn nhưng không có điều kiện chăn thả.
Diện tích khoanh nuôi rừng tăng hàng năm, do đó đồng cỏ tự nhiên dần bị thu hẹp. Để chăn nuôi gia súc người dân cần nhiều hơn nguồn thức ăn nhân tạo. Bởi vậy, mô hình trồng cỏ Ghile thành công trong thời gian tới sẽ giúp người dân vùng cao nhân rộng để sử dụng làm thức ăn gia súc, giảm bớt công chăn thả.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, 8/10 bản có điện lưới quốc gia, hầu hết các bản được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, nước sinh hoạt. Địa phương có lợi thế nguồn lao động dồi dào, an ninh trật tự tốt, nhân dân tích cực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thu nhập từ sản xuất cây trồng, vật nuôi thấp, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 58%.

Thật may mắn cho chúng tôi khi đến thăm gia đình cựu thanh niên xung phong (TNXP) Hà Đức Ngọ, đội 13B, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên lúc ông mới trở về từ ruộng lúa. Vì bình thường, ít có lúc nào ông rảnh rỗi ở nhà mà luôn chân luôn tay làm đủ việc.

Ấu là loài cây thủy sinh rất thích hợp trồng trong mùa nước nổi, vì vậy loại cây này được khá nhiều bà con nông dân huyện Lấp Vò chọn trồng nhằm cải thiện thu nhập. Nếu biết cách trồng và chăm sóc hợp lý thì đây là một trong những loại cây màu thích hợp sống chung với lũ ở những vùng trồng lúa kém hiệu quả.

Vợ chồng anh Võ Hoàng Nam ở ấp Tân Hưng, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông đã có hơn 2 năm làm nghề cào và luộc hến cho biết: hơn nửa tháng nay, ngày nào vợ chồng anh cũng sử dụng ghe cào được trên dưới 100kg hến; đưa vào lò luộc đãi vỏ lấy được 15 - 20kg thịt hến.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, tổng diện tích do bị đổ ngã là 4.827ha, tập trung ở các xã Mỹ An, Mỹ Quí, Mỹ Đông, thị trấn Mỹ An... lúa bị thiệt hại chủ yếu trong giai đoạn trổ chín; ước tính tổng thiệt hại là gần 4,4 tỷ đồng.