Triển Vọng Từ Mô Hình Sản Xuất Lươn Giống

Chuyên môn là kỹ sư tự động hóa nhưng sức hút và niềm đam mê nuôi lươn đã trở thành động lực khiến anh trở thành “kỹ sư thủy sản” lúc nào không hay. Với việc tạo ra lươn sinh sản thành công, chàng trai trẻ Hồ Văn Trung đang phát triển mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao…
Suốt 5 năm là sinh viên Khoa Tự động hóa, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chàng sinh viên vùng chiêm trũng Lý Thành (Yên Thành), trong một lần tình cờ đi thực tế với nhóm bạn, Hồ Văn Trung đã chứng kiến những mô hình nuôi lươn công nghiệp ở Đà Nẵng cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa.
Từ đó, ý tưởng đưa lươn về làng, trước hết giúp đỡ bố mẹ cải thiện cuộc sống gia đình, sau đó phát triển kinh tế được Trung nung nấu.
Ý tưởng thành hiện thực khi đến năm cuối trong đợt nghỉ làm khóa luận tốt nghiệp, Trung về nhà xây bể nuôi lươn. Tạo điều kiện để con trai thực hiện ý tưởng, ông Hồ Văn Lương (bố của Trung) phát quang vườn cùng con xây bể nuôi.
Đợt đầu xuống giống, chưa có kinh nghiệm, lại không đúng thời vụ, bể xây thiếu kỹ thuật nên khi xẩy ra dịch bệnh ở một số cá thể lươn thì không cứu được những con còn lại. Lặng lẽ đưa những mớ lươn bằng ngón tay bị bệnh cho trang trại nuôi ngan, số còn lại hai bố con phải mang đến góc vườn chôn xuống đất. Trung tâm sự: “Thời điểm đó thấy lươn bị bệnh chết đồng loạt, đưa từng xô đi chôn xót lắm anh ạ. Nhưng mình không thể bỏ cuộc được khi nhà nghèo đã đầu tư mấy chục triệu đồng rồi, còn vấn đề danh dự nữa...”.
Những thất bại ban đầu đã thôi thúc Trung trăn trở, tra cứu trên mạng về những kinh nghiệm nuôi lươn, lặn lội vào Đà Nẵng mua thuốc điều trị những bệnh thông thường xảy ra ở lươn.
Cũng từ thực tế nuôi, Trung rút kinh nghiệm sống còn trong nuôi lươn công nghiệp: khác với nuôi gia súc, gia cầm dịch bệnh có thể tiêm phòng, chữa trị từng con chứ đối với lươn thì hoàn toàn khác. Phòng bệnh là chính, ngoài việc phải đảm bảo môi trường sạch thì phải có chế phẩm vệ sinh bể tốt để hạn chế phát sinh dịch bệnh.
3 bệnh thông thường đồng thời xuất hiện trong quá trình nuôi lươn: bệnh tiêu hóa, bệnh đóng dấu và bệnh nấm thủy mi thì trang trại của Trung đều mắc phải. Rút kinh nghiệm từ đợt nuôi đầu tiên, mấy đợt nuôi sau từ nguồn lươn giống tự nhiên, Trung kỳ công thuần hóa, bằng cách cho ăn giảm dần thức ăn tự nhiên sang cho lươn ăn hoàn toàn thức ăn tự chế biến nên lươn lớn nhanh; chỉ sau 4-5 tháng trọng lượng đạt từ 1-1,5 lạng/con.
Thành công của Hồ Văn Trung là đã cho lươn sinh sản thành công, chủ động được nguồn giống cung cấp khi thị trường cần. Gần 10.000 lươn con nở ra sau 5-7 ngày ấp khiến Trung vô cùng sung sướng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngay sau đó Trung phải đối mặt với khó khăn do thiếu nguồn thức ăn cho lươn mới nở và khí hậu quá nóng.
Thức ăn của lươn mới nở là trứng nước, bọt nước nên rất khó khăn trong việc tạo nguồn, bị động nguồn thức ăn và yếu tố thời tiết khắc nghiệt (nhiệt độ quá cao) nên kết quả chưa được như mong muốn. Tỷ lệ lươn giống nuôi thương phẩm chỉ còn 10% (khoảng 1.000 con).
Trung cho biết: “Em biết là nuôi lươn sinh sản rất khó, tỷ lệ rủi ro cao, bởi hiện nay trên cả nước chỉ duy nhất Viện Thủy sản An Giang có nuôi lươn sinh sản. Nhưng việc em làm khẳng định phát triển nuôi lươn công nghiệp chúng ta có thể chủ động được nguồn giống, không quá phụ thuộc vào tự nhiên hay nguồn cung ở nơi khác”.
Hiện tại, trên diện tích 300m2 bao gồm phần đất vườn và đất ruộng của gia đình, Hồ Văn Trung đã quy hoạch xây dựng thành 2 khu vực nuôi lươn độc lập: khu vực nuôi lươn không bùn, nuôi công nghiệp gồm 10 bể và khu vực nuôi lươn cộng sinh 10 bể. Nhờ chủ động nguồn thức ăn bằng việc chế biến từ nguồn cá biển và một số nguyên liệu khác nên lươn nuôi của Trung tỷ lệ sống cao, đều lươn và lớn nhanh.
Theo cách tính toán của chủ trang trại trẻ thì nuôi lươn công nghiệp thương phẩm ở đây khá thuận lợi khi nguồn lươn giống tự nhiên rất dồi dào, nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn (chủ yếu là cá biển) sẵn, giá rẻ, nguồn nước phục vụ chăn nuôi sạch, có sẵn... nhu cầu tiêu thụ thị trường lớn nên rất hiệu quả.
Mỗi năm, sản lượng từ các bể nuôi đạt trên 1.500 kg, với giá bán 150.000 đồng/kg tại chỗ, trừ chi phí Trung lãi 150 triệu đồng. Khó khăn hiện nay của chủ trang trại trẻ Hồ Văn Trung là vốn để kiến thiết xây dựng mở rộng trang trại, các bể chứa quy mô bài bản hơn để vừa đảm bảo đủ ấm vào mùa đông, nhưng thoáng mát vào mùa hè, khả năng cấp, thoát nước tốt để đảm bảo phòng dịch bệnh.
Hiện nay, trang trại vẫn chưa có sự hỗ trợ gì về các chương trình vay vốn qua các kênh, hay chương trình hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật nên việc phát triển mô hình mặc dù đã khẳng định hiệu quả nhưng cũng đang rất khó khăn.
Khi hỏi về dự kiến kế hoạch sắp tới, Trung vui vẻ chia sẻ: Em sẽ mở rộng trang trại lên quy mô gấp đôi, xây dựng mái che kiên cố, cải tạo hệ thống cấp thoát nước để cuối năm nay có thể nâng sản lượng lên trên 2 tấn lươn thương phẩm và một số lượng lươn giống khi thị trường có nhu cầu.
Em sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho nhóm bạn để cùng nuôi lươn chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự liên kết gom nguồn hàng cung cấp đủ cho thị trường thường xuyên.
“Gác” bằng kỹ sư tự động hóa, Hồ Văn Trung về quê nuôi lươn. Trung là người đầu tiên cho lươn sinh sản thành công và đang có những tính toán mạnh dạn trong đẩy mạnh đầu tư kinh doanh nuôi lươn thương phẩm bằng công nghệ không bùn. Đây là điển hình thanh niên dám nghĩ, dám làm, lập thân, lập nghiệp làm giàu trên quê hương rất đáng trân trọng.
Có thể bạn quan tâm

Theo lịch thời vụ trong đánh bắt hải sản, bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 9 âm lịch là thời điểm diễn ra hoạt động khai thác vụ cá Nam. Tuy chỉ kéo dài trong thời gian 5 tháng song vụ cá này sẽ góp phần quan trọng vào tổng sản lượng thuỷ hải sản của toàn tỉnh; là vụ có thể khai thác được nhiều luồng cá nổi và mực.

Sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, nông dân đã cải tạo ruộng và xuống giống gần 14.000ha lúa thu đông và hơn 1.000ha lúa trên đất tôm - lúa. Bên cạnh đó, nông dân TP. Bạc Liêu và huyện Đông Hải đã xuống giống gần 2.000ha lúa cao sản.

Sau hơn 20 năm cật lực lao động, ông Phạm Văn Quất ở thôn Bằng Bộ, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện đã biến khu ruộng trũng cấy lúa bấp bênh thành trang trại thủy sản trù phú nhất, nhì tỉnh Hải Dương. Đó là "trang trại thủy sản vàng Dung Quất".

Nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) rất phấn khởi khi thực hiện thành công mô hình nuôi cá bống tượng do Hội Nông dân Việt Nam đầu tư. Từ nguồn cá giống dễ mua và có thể bắt được trong thiên nhiên; thức ăn là những loại cá tạp tận dụng quanh ao, đầm; cá bán ra được giá cao… Những ưu điểm ấy đã thúc đẩy mô hình này ngày càng phát triển.

Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, mấy ngày gần đây cá cơm, cá nục xuất hiện dày đặc trên ngư trường của tỉnh. Hiện có khoảng 4.000 phương tiện tham gia đánh bắt hải sản với khoảng 20.000 ngư dân đang tập trung khai thác vụ cá Nam.