Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Lươn Ở Xã Ngãi Hùng (Trà Vinh)

Anh Huỳnh Văn Thanh ở ấp Ngã Tư Một xã Ngãi Hùng huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) đã tận dụng nền chuồng heo cũ, cải tạo, nâng cấp lại để nuôi lươn thương phẩm và đang có triển vọng.
Trên diện tích 15m2, anh Thanh thả nuôi 150kg lươn giống, trung bình 1m2 thả nuôi 10kg. Lươn giống được anh Thanh mua với giá 370.000 đ/kg. Sau 04 tháng thả nuôi lươn đạt trọng lượng trung bình từ 3- 4 con/kg và đang phát triển tốt. Anh Thanh cho biết, tỷ lệ lươn giống hao hụt khoảng 20% chủ yếu ở giai đoạn 02 tuần đầu sau khi thả nuôi. Từ đó trở về sau lươn phát triển tốt và không còn hao hụt nữa.
Theo anh Thanh, lươn cũng dễ nuôi, mỗi ngày cho lươn ăn từ 1-2 lần, sau mỗi lần cho ăn cần phải thay nước để giữ cho môi trường nước được sạch sẽ thì lươn sẽ không bị nhiễm bệnh. Thức ăn dành cho lươn là cá vụn cộng thêm với thức ăn công nghiệp. Với số lượng lươn giống như trên, trung bình chi phí tiền thức ăn mỗi ngày khoảng 60.000đ. Hiện nay giá lươn thương phẩm trên thị trường khoảng 150.000đ/kg.
Nếu tính chi phí và số lượng lươn giống hao hụt cùng sự phát triển nhanh từ ao lươn của gia đình anh Thanh, thì mô hình nuôi lươn hứa hẹn cho lãi cao và đang là một nghề đầy triển vọng. Từ kết quả ban đầu qua mô hình nuôi lươn của gia đình mình, anh Thanh đã vận động thêm 04 hộ nông dân khác trong xã thực hiện mô hình nuôi lươn thương phẩm và mỗi hộ thả nuôi được từ 50 – 150kg lươn giống.
Riêng đối với anh Huỳnh Văn Thanh, qua tìm hiểu được biết anh là một nông dân cần cù lao động, luôn tìm tòi học hỏi những mô hình mới để phát triển kinh tế cho gia đình. Anh cũng là một trong những nông dân được bình chọn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện năm 2008 – 2009 và năm nay tiếp tục được xét chọn danh hiệu này.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiểu Cần, Lê Anh Ngãi nói: Với kết quả bước đầu từ mô hình nuôi lươn theo kỹ thuật mới này, thời gian tới Hội Nông dân huyện sẽ tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình ra toàn huyện. Đây là điều kiện thuận lợi để giúp hội viên nông dân tăng thu nhập phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời góp phần thực hiện Nghị quyết năm 2014 của Hội Nông dân đã đề ra.
Ngoài việc thực hiện mô hình nuôi lươn, anh Thanh còn đang sở hữu 13 công đất ruộng, 07 công đất vườn trồng dừa và 02 máy xới đất. Ngoài thu nhập từ ruộng, vườn, 02 máy xới đất cho thu nhập mỗi năm từ 90.000.000 – 100.000.000 đ. Cuộc sống gia đình anh Huỳnh Văn Thanh hiện nay khá ổn định.
Có thể bạn quan tâm

“Việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hoàn toàn khả thi và tin tưởng nhất định sẽ thành công. Tuy nhiên, việc triển khai đề án cần thận trọng, đặc biệt là việc chuyển đổi đất lúa”.

Sáng ngày 17/5, Tổng cục thuỷ sản phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại địa phận xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Cùng dự có lãnh đạo huyện Cao Phong, thành viên ban chỉ đạo 188 của tỉnh (chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2020).

Chiếm trên 90% diện tích cà phê của cả nước, Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng suất cũng như lượng xuất khẩu cà phê vào top đầu của thế giới.

Thực hiện các chương trình cải tạo, nâng cấp và phát triển đàn bò vàng Việt Nam, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều dự án nhằm lai tạo và cải thiện đàn bò của tỉnh như Sind hóa, Zebu hóa đàn bò. Hiện nay, Vĩnh Phúc có tổng đàn bò trên 94.000 con, trong đó, đàn bò lai đã chiếm trên 70%.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi từ mô hình nuôi con năng suất thấp sang mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội đã triển khai thành công mô hình thí điểm nuôi cá chép lai cho năng suất cao.