Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển vọng từ mô hình nuôi hươu lấy nhung

Triển vọng từ mô hình nuôi hươu lấy nhung
Ngày đăng: 14/05/2015

Vợ chồng ông Nguyễn Oai, bà Nguyễn Thị Hà ở đội 4, thôn Tích Tường được xem là một trong những gia đình tiên phong nuôi hươu lấy nhung ở xã Hải Lệ. Bà Hà cho biết: “Khoảng năm 2005, xem tivi thấy người ta nuôi hươu lấy nhung hiệu quả cao, lại phù hợp với vùng đồi nên vợ chồng tôi quyết định bán mấy chỉ vàng ra miền Bắc mua một cặp hươu giống, học hỏi thêm cách nuôi, điều trị bệnh thông thường để nuôi.

Cũng nhờ hươu dễ nuôi, ít bị bệnh, nguồn thức ăn lại sẵn có (lá cây, phụ phẩm hoa màu các loại, cỏ…) nên việc nuôi thuận lợi. Đến nay gia đình tôi đã cắt bán được rất nhiều nhung hươu và xuất bán hàng chục con hươu giống, trị giá mỗi con hươu giống hiện tại trên 15 triệu đồng”.

Ông Oai vừa đi cắt cỏ cho hươu về cũng tranh thủ góp chuyện: “Cũng nhờ đàn hươu mà gia đình tôi có nguồn thu nhập khá cao, nuôi được 3 đứa con học hành tới nơi tới chốn. Những năm gần đây tại xã chúng tôi cũng đã có nhiều gia đình khác làm chuồng nuôi hươu lấy nhung”.

Ông Oai cho biết, hươu nuôi sau khi tách mẹ chỉ sau hơn 1 năm là bắt đầu cho lấy nhung. Hiện tại giá một cân nhung là 14 triệu đồng, mỗi năm mỗi con cho từ 7 - 8 lạng, thậm chí hơn 1 kg nhung. “Tính ra, đàn hươu 6 con của gia đình tôi nuôi cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng từ bán nhung/năm, chưa kể bán giống. Trong khi đó công chăm sóc, thức ăn lại đơn giản hơn những con nuôi khác rất nhiều”, ông Oai hồ hởi cho biết thêm.

Được biết, hiện nhu cầu thị trường của nhung hươu cũng như con giống hươu là khá lớn nên đầu ra của loại con nuôi này rất thuận lợi. Nắm bắt nhu cầu này, những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân mạnh dạn phát triển mô hình nuôi hươu để nâng cao hiệu quả kinh tế. Gia đình anh Nguyễn Văn Nhân hiện có 10 con hươu lấy nhung, mỗi năm cũng có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán nhung.

Anh Nhân cho biết, mô hình nuôi hươu lấy nhung được gia đình thực hiện cách đây vài năm khi nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. “Chuồng trại thì cũng như nuôi trâu bò thôi, chỉ khác là nuôi hươu phải nhốt hoàn toàn, cứ mỗi con nhốt một ô chuồng. Thức ăn thì tự kiếm quanh vườn, ngoài đồng ruộng. Loài này cũng sinh sản bình thường như trâu, bò, miễn trong đàn có ít nhất một con đực để giao phối. Cũng nhờ nuôi hươu mà mấy năm gần đây kinh tế gia đình tôi khấm khá hẳn lên, thu nhập đều đặn”, anh Nhân vui vẻ nói.

Theo anh Nguyễn Văn Hùng, một trong những gia đình đang nuôi 8 con hươu lấy nhung ở thôn Tích Tường cho biết, nuôi hươu không khó, bởi chúng không kén thức ăn, có khả năng ăn tất cả các loại lá cây, rau và cỏ. Hơn nữa chúng vốn là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh, dễ dàng cho việc chăm sóc. “Một con hươu trưởng thành trong một ngày ăn khoảng 5 - 7 kg cỏ, phụ phẩm từ hoa màu hoặc lá cây, vào mùa cắt nhung thì cho chúng ăn thêm từ 300 - 500g tinh bột/ngày (cám gạo hoặc cám ngô) và những loại lá cây có nhiều nhựa như sung, mít, đu đủ… thì chất lượng nhung sẽ tốt hơn.

Nhu cầu nhung hiện rất lớn, hầu hết nhung cắt bán đều đã có khách đặt trước nên không lo đầu ra”, anh Nhân chia sẻ. Qua tìm hiểu, những nông dân nuôi hươu ở xã Hải Lệ cho biết, một năm thường thu nhung một lần chính và một lần phụ. Nhung thu đợt chính từ khi mọc đến khi cắt mất khoảng 50 - 55 ngày (nhung cho chất lượng tốt nhất là khi cao khoảng 22 - 25 cm).

Sau khi cắt đợt 1 thì khoảng 20 - 30 ngày cắt đợt 2 (đợt phụ và gọi là nhung chồi), tuy nhiên lượng nhung thu được ít và tuỳ vào thể trạng, độ tuổi từng con hươu mới cho nhung đợt 2. Khi cắt nhung phải dùng dụng cụ sắc và được khử trùng cẩn thận. Khi cắt đồng thời phải tiến hành cầm máu nhanh để tránh mất sức cho hươu. Sau đó cho hươu ăn bổ sung thêm thức ăn tinh bột để giúp chúng nhanh hồi sức.

Anh Hồ Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Lệ cho biết, hiện toàn xã có 10 mô hình nuôi hươu lấy nhung với tổng đàn khoảng 67 con. Anh cho biết thêm: “Nuôi hươu lấy nhung bắt đầu xuất hiện tại địa phương từ khoảng gần 10 năm nay, tuy nhiên mô hình này chỉ thật sự phát triển mạnh từ khoảng 3 năm nay.

Đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc chăn nuôi lại ít tốn chi phí, chăm sóc dễ dàng nên đang được nhiều bà con nông dân địa phương ưa chuộng. Tuy nhiên do giá thành của hươu giống còn khá cao nên hiện chưa có nhiều gia đình tham gia. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích đồng thời tìm các nguồn vốn để hỗtrợ người dân phát triển hơn nữa mô hình chăn nuôi có nhiều triển vọng này”.


Có thể bạn quan tâm

Chè xuất khẩu bị từ chối hệ lụy từ những bất cập Chè xuất khẩu bị từ chối hệ lụy từ những bất cập

Đầu năm 2015 đến nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu (XK) chè của Việt Nam đã gặp phải tình trạng chè đã xuất đi bị trả lại. Đây là hệ lụy của hệ thống sản xuất và quản lý nhiều vùng chè còn bất cập.

21/05/2015
Tìm lối ra cho thị trường nông sản Tìm lối ra cho thị trường nông sản

Câu chuyện các tổ chức, các bộ, ban, ngành liên quan đứng lên kêu gọi người dân mua ủng hộ nông sản Việt thời gian qua là nguồn động viên thiết thực, góp phần gỡ khó cho nông dân. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp căn cơ thì có lẽ kịch bản đó rất có thể lặp lại.

21/05/2015
Loạn giá vải đầu mùa Loạn giá vải đầu mùa

Trong khi các cơ quan chức năng đang đôn đáo tìm giải pháp tiêu thụ khi vải thu hoạch rộ thì trên thị trường lặp lại nghịch cảnh giá quả đầu vụ đắt đỏ dù chưa ngon.

21/05/2015
Đẩy mạnh công tác khuyến nông trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Đẩy mạnh công tác khuyến nông trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nội dung quan trọng, cốt lõi trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng NTM của tỉnh nhằm xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn.

21/05/2015
Để nâng cao hiệu quả quản lý đất nông, lâm trường Để nâng cao hiệu quả quản lý đất nông, lâm trường

Giai đoạn đầu mới thành lập, các nông - lâm trường quốc doanh được Nhà nước giao quản lý một lượng lớn diện tích lớn đất rừng, đất sản xuất. Tuy nhiên, khi thay đổi cơ chế quản lý từ bao cấp sang kinh tế thị trường, các nông lâm trường phải tự hạch toán kinh doanh, chuyển thành các công ty nông, lâm nghiệp, sau đó thực hiện cổ phần hóa thì vấn đề quản lý sử dụng đất đã nảy sinh nhiều bất cập, dẫn đến nhiều hệ lụy.

21/05/2015