Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Vược

Không chỉ là xã ven biển có diện tích mặt nước mặn, nước lợ chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên, Tiền Phong (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) còn có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ hải sản. Chính vì thế, những năm qua, dựa vào lợi thế sẵn có của địa phương, người dân xã Tiền Phong đã mạnh dạn lựa chọn và đưa nhiều loại giống thuỷ sản mới vào nuôi thí điểm. Không ít mô hình nuôi trồng thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế cao đã thành công và được nhân ra trên diện rộng. Nuôi cá vược theo hình thức quảng canh là một trong những mô hình như thế...
Cá vược là loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, ít dịch bệnh, dễ thích nghi với môi trường sống và có thể nuôi ở cả khu vực ao đầm nước ngọt, mặn hoặc lợ. Trong môi trường tự nhiên, loài này đẻ trứng quanh năm nhưng mùa sinh sản chủ yếu vào tầm tháng 4, tháng 5. Là loài cá sinh trưởng và phát triển nhanh, cá vược thường đạt bình quân từ 3-5kg sau 2-3 năm chăm sóc. Không chỉ có ưu điểm vượt trội về tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, cá vược còn là một trong những loài có giá trị kinh tế cao, được thị trường tiêu dùng hết sức ưa chuộng. Nhận thấy đặc điểm sinh học và sinh trưởng của cá vược hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã đưa loại cá này vào nuôi xen lẫn trong môi trường nước lợ cùng nhiều loài thuỷ sản khác. Ước tính sản lượng cá vược mỗi năm đạt từ 1,5-2 tấn.
Ông Nguyễn Kiên Cường, Chủ tịch Hội Nông dân TX Quảng Yên, cho biết: “Trong những năm qua, mặc dù phong trào nuôi cá vược ở Tiền Phong phát triển khá nhanh và mạnh, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa thực sự cao, bởi sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều… Vì vậy, để hướng đi này phát triển, Hội Nông dân Quảng Yên đã quyết định xây dựng và triển khai Dự án nuôi cá vược theo hình thức quảng canh với sự tham gia của 10 hộ gia đình tại xã Tiền Phong trên diện tích 30ha…”. Tham gia mô hình lần này, các hộ dân không chỉ được tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc, mà còn được Hội Nông dân thị xã hỗ trợ vay vốn đầu tư sản xuất. Theo đó, mỗi hộ đã được vay 30 triệu đồng với mức lãi suất 0,8%/tháng từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh và 50 triệu đồng với mức lãi suất 0,9% từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã. Bắt đầu triển khai từ tháng 3, đến nay mô hình nuôi cá vược theo hình thức quảng canh tại xã Tiền Phong bước đầu đã cho thấy những kết quả khả quan. Cá vược không chỉ thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên mà còn phát triển nhanh, khoẻ mạnh, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ sống cao. Hiện tại, bình quân mỗi con đã đạt trọng lượng từ 1,1-1,5kg và có thể cho thu hoạch trong một vài tháng tới.
Gia đình anh Phạm Văn Thanh (xóm 4, xã Tiền Phong) là một trong những hộ nuôi cá vược đầu tiên của xã. Bắt đầu tập nuôi từ những năm 2005-2006, đến nay gia đình anh đã có gần chục năm kinh nghiệm trong nghề nuôi loài thuỷ sản này. Bình quân mỗi năm gia đình anh Thanh thu được gần 100 triệu đồng từ tiền bán cá vược. Theo anh cho biết, mặc dù lợi nhuận gia đình thu được từ cá vược thường cao gấp 5-6 lần so với một số loại cá khác như cá mè, cá chép, cá trắm… nhưng so với giá trị thực của loài này thì hiệu quả kinh tế như vậy vẫn chưa cao…
Anh Thanh cũng cho biết: “Năm nay, gia đình chúng tôi chuyển hẳn sang nuôi cá vược quy mô lớn, tập trung theo Dự án nuôi cá vược theo hình thức quảng canh của Hội Nông dân thị xã. Chỉ sau mấy tháng chăm sóc, hiện tại, đầm nuôi cá vược của gia đình tôi đã phát triển rất tốt. Nếu như mọi năm, vào thời điểm này, cá vược phát triển nhanh lắm cũng chỉ mới nặng từ 0,7-0,8kg/con thì năm nay bình quân mỗi con đã đạt từ 1,1-1,3kg. Thậm chí, có những con nặng tới 1,5kg. Có được kết quả này là nhờ vào việc chăn thả theo quy mô tập trung, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật đúng cách. Cứ theo tốc độ tăng trưởng nhanh như thế này, cuối năm nay, chắc chắn người dân nuôi cá vược sẽ có một vụ mùa bội thu”.
Mô hình nuôi cá vược theo hình thức quảng canh của Hội Nông dân TX Quảng Yên thành công không chỉ thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu, kém hiệu quả của người dân mà còn giúp bà con nâng cao năng suất lao động, tạo được nguồn thu nhập ổn định hàng năm. Với giá bán từ 160.000 - 170.000 đồng/kg, chắc chắn rằng hiệu quả kinh tế của cá vược sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cá nước lợ khác. Do đó, trong thời gian tới, nuôi cá vược sẽ sớm trở thành nghề làm giàu của người dân xã Tiền Phong nói riêng, TX Quảng Yên nói chung.
Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại nuôi chim cút Nguyễn Hồ, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay, trang trại của ông phối hợp với Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang đã xuất sang Nhật Bản hơn 12 triệu trứng cút đóng lon, với giá cao hơn thị trường nội địa khoảng 20%.

Vừa qua, tại huyện Cái Bè và Cai Lậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng với Chi cục Thủy sản tổ chức 2 cuộc hội nghị triển khai Thông tư số 23/2014/TT-BNNPTNT ngày 29-7-2014 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra cho đối tượng là các doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh.

Sáng 11-9, Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho tổ chức cho 70 nông dân ở các tổ hợp tác thuộc xã Tân Mỹ Chánh, xã Mỹ Phong và các câu lạc bộ, tổ hợp tác trồng bưởi da xanh theo mô hình VietGAP đi thực tế các mô hình trồng và thu mua bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre.

Chiều 11/9, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, trả lời các câu hỏi của phóng viên về những vấn đề báo chí quan tâm.

Trước khi xuống giống, các nhà vườn trồng thanh long ở Đài Loan đánh luống cao để tránh bị úng nước. Ngoài cây trụ cho thanh long bám, nhà vườn Đài Loan còn làm giá đỡ. Trong quá trình phát triển, cây thanh long được cung cấp thêm dưỡng chất canxi bằng cách rải nhiều vỏ trứng gà vịt, vỏ trấu vào gốc cây, tạo độ tơi xốp và mát cho rễ cây bởi nó có bộ rễ ăn lan mặt đất.