Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Lóc Bằng Thức Ăn Công Nghiệp

Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Lóc Bằng Thức Ăn Công Nghiệp
Ngày đăng: 10/10/2013

Vừa qua, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi- thủy sản TP Cần Thơ, Công ty Cổ phần EWOS Việt Nam đánh giá kết quả dự án "Mô hình trình diễn nuôi cá lóc trong vèo sử dụng thức ăn viên EWOS" tại một số hộ dân trên địa bàn TP Cần Thơ. Mô hình trình diễn này cho kết quả cao so với cách nuôi truyền thống (sử dụng cá bổi làm mồi) và hứa hẹn cơ hội phát triển nghề nuôi cá lóc, tạo thêm thu nhập cho các nông hộ ở nông thôn…

Thời gian qua, con cá lóc được nông dân tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ theo các mô hình nuôi ao, hầm, nuôi vèo đặt trong ao, vèo đặt trên sông… Tuy nhiên, người dân chủ yếu sử dụng các loại cá tạp tươi sống để làm mồi nuôi cá lóc, nên việc phát triển mô hình gặp khó do nguồn thức ăn thường bị thiếu hụt và không ổn định về chất lượng. Chính vì vậy, các mô hình nuôi cá lóc, nhất là nuôi cá lóc trong vèo chỉ được nông dân phát triển mạnh vào mùa lũ- thời điểm mà nguồn cá tạp trong tự nhiên dồi dào nhất trong năm.

Song, việc khai thác đánh bắt quá mức các loại thủy sản trong tự nhiên thời gian qua khiến lượng cá tạp mùa lũ giảm dần, nguồn cung hạn chế, giá bán cao, lợi nhuận của người nuôi cá cũng giảm theo. Từ thực tế đó, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố) rất quan tâm việc hỗ trợ nông dân có hướng chuyển từ nuôi cá lóc sử dụng nguồn cá mồi truyền thống sang các loại thức ăn công nghiệp. Mô hình này tạo thuận lợi hơn cho người nuôi cá lóc, đồng thời giảm các tác động xấu đến môi trường.

Để có mô hình điểm làm cơ sở hướng dẫn và nhân rộng, tháng 4-2013, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi- thủy sản TP Cần Thơ và Công ty cổ phần EWOS Việt Nam (thuộc Tập đoàn EWOS- Na Uy) thực hiện Dự án mô hình trình diễn nuôi cá lóc thâm canh trong vèo sử dụng thức ăn công nghiệp EWOS. Mô hình chính thức triển khai thả nuôi cá từ tháng 5-2013, với sự tham gia của 6 hộ dân thuộc các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ và một điểm nuôi tại Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi- thủy sản TP Cần Thơ.

Tham gia dự án, Công ty cổ phần EWOS Việt Nam hỗ trợ con giống và 50% chi phí tiền thức ăn cho các mô hình nuôi trình diễn. Kết quả cho thấy, tại các hộ dân và 1 điểm nuôi trình diễn tại Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi- thủy sản TP Cần Thơ, cá lóc nuôi tăng trọng khá nhanh, khoảng 4 tháng 20 ngày (đối với cá lóc đầu nhiếm) là có thể xuất bán, tỷ lệ cá bị dị tật rất ít, hệ số thức ăn chỉ ở mức 1,1-1,3 kg thức ăn/kg cá.

Và hầu hết các mô hình nuôi trình diễn đều cho lợi nhuận tương đối tốt, người nuôi cá được hưởng thêm một phần lợi nhuận do được EWOS hỗ trợ một phần tiền con giống, thức ăn…

Theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình trình diễn, nuôi cá lóc thâm canh trong vèo sử dụng thức ăn viên công nghiệp EWOS thuận lợi hơn cách nuôi truyền thống, do chủ động được nguồn thức ăn và tiết kiệm được thời gian, chi phí. Điều mà người nuôi phấn khởi nhất là họ có được lợi nhuận không thua gì so với cách nuôi cá lóc bằng mồi truyền thống.

Tham gia mô hình nuôi trình diễn, ông Huỳnh Văn Liêm ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ thả nuôi 2.400 con cá giống. Kết quả hơn 4 tháng nuôi, ông bán cá được tổng cộng 627kg cá thịt, giá bán cá lóc thương phẩm loại trên 300g/con từ 37.000 đồng/kg trở lên, ông thu gần 23 triệu đồng, trừ đi chi phí, ông còn lợi nhuận trên 6 triệu đồng.

Ông Liêm cho biết: "Nuôi cá lóc bằng thức ăn viên công nghiệp có hiệu quả kinh tế và rút ngắn được thời gian nuôi ít nhất 1 tháng so với trước. Tới đây, tôi tiếp tục thả cá nữa, nuôi cá theo mô hình này cũng ít rủi ro so với nuôi bằng mồi cá tạp".

Còn ông Nguyễn Hoàng Vân, ngụ phường Thới Hòa, quận Ô Môn cho biết nuôi vèo cá rộng 24m2 được thiết kế đặt trong ao nuôi có diện tích 300 m2. "Vèo cá lóc của tôi thả nuôi mật độ 100 con/m2, còn bên ngoài ao tôi thả nuôi thêm các loại cá như: điêu hồng, cá chép, cá trê… để tận dụng nguồn thức ăn thừa. Kết quả sau 4 tháng 20 ngày thả nuôi, tôi thu hoạch cá, tổng lượng cá ước đạt trên 710kg, tính ra trừ đi chi phí tôi còn lời trên 9,3 triệu đồng"- ông Vân nói. Theo ông Vân, nuôi cá trong vèo sử dụng thức ăn viên công nghiệp rất phù hợp với nông hộ có ít đất sản xuất.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, thành công từ Dự án "Mô hình trình diễn nuôi cá lóc trong vèo sử dụng thức ăn viên EWOS" trên địa bàn thành phố hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội cho nông dân muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết kết quả thực hiện dự án sẽ giúp cho bà con có thêm cơ sở lựa chọn. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp để phát triển các mô hình nuôi cá lóc trong vèo tại các nông hộ sẽ giúp nông dân cải thiện đời sống kinh tế.

Tuy nhiên, khi phát triển nuôi với số lượng lớn, thì phải có đơn vị đặt hàng bao tiêu đầu ra. Có như vậy, mô hình mới phát triển toàn diện và bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Khát Vọng Làm Giàu Của Một Nông Dân Khát Vọng Làm Giàu Của Một Nông Dân

Trong ngôi nhà mới xây, anh Thắng không giấu nổi niềm vui xen lẫn niềm tự hào bộc bạch: “Thực tế cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng mình bàn nhau nhận thầu toàn bộ đập Đồng Màu gần 30ha để nuôi thả cá kiếm thêm thu nhập. Ban đầu đồng nước hoang vu toàn lau sậy, nhiều người cũng nói vào nói ra nhưng được chính quyền địa phương, khu dân cư ủng hộ mình quyết tâm làm đến cùng”.

23/01/2015
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Giun Quế Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Giun Quế

Anh Lê Thanh Học người dân tộc Mường ở xóm Múc, xã Tam Thanh, huyện Tân Sơn bắt đầu nuôi giun quế từ tháng 2-2014. Sau khi anh cùng các hội viên Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng xã Tam Thanh đến thăm trang trại nuôi giun quế ở Đông Anh - Hà Nội thì anh mới biết tới nghề nuôi giun này.

23/01/2015
Thu Trên 14 Tỷ Đồng Từ Hồng Không Hạt Thu Trên 14 Tỷ Đồng Từ Hồng Không Hạt

Qua kiểm tra, đánh giá giai đoạn 2005-2010 thành phố Việt Trì đã khuyến khích khôi phục, phát triển lại; huyện Phù Ninh lập dự án trồng hồng không hạt Gia Thanh. Giai đoạn 2012-2015 UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng mới 30 ha hồng không hạt trên địa bàn huyện Phù Ninh, đến nay đã trồng được 13 ha.

23/01/2015
Hiệu Quả Từ Giống Mới Hiệu Quả Từ Giống Mới

Vụ mì vừa qua bà Mai cùng một số hộ nông dân khác ở Nghĩa Điền sử dụng giống mì NA1 để trồng trên đất mì cũ. So với giống mì KM94 mà nhiều hộ dân trồng trước đó, giống mì NA1 mới này cho năng suất bình quân lên đến 40 tấn/ha. Bà Mai cho biết thêm, so với thu nhập 7 triệu đồng/vụ mì từ giống KM94 thì khi chuyển sang trồng mì NA1, vụ mì năm 2014 thu nhập lên đến 12 triệu đồng/ha.

24/01/2015
Xây Dựng Nông Thôn Mới Khó Khăn Ở Những Xã Giáp Ranh Xây Dựng Nông Thôn Mới Khó Khăn Ở Những Xã Giáp Ranh

Nhiều xã khi còn thuộc huyện Sơn Tịnh đã được phê duyệt về “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên mọi nguồn vốn đầu tư... vẫn còn trên giấy, dẫn đến khối lượng công việc không thể thực hiện được, ứ lại, dồn qua năm sau. “Đến khi sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi, cấp trên yêu cầu phải thực hiện lại Đề án trong khi số tiền thuê tư vấn thực hiện đề án của những năm trước vẫn còn nợ”, ông Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Thiện bày tỏ.

24/01/2015