Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Bồ Câu Pháp

Là một dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cấp huyện được triển khai từ đầu năm 2013, đến nay, mô hình nuôi bồ câu Pháp trên địa bàn Chư Pah (Gia Lai) đã bước đầu cho thấy những hiệu quả nhất định.
Theo anh Phạm Minh Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chim bồ câu tuy là động vật hoang dã nhưng chỉ cần một không gian chuồng trại thoáng mát, có ánh sáng, sạch sẽ và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ, nguồn nước uống đảm bảo là có thể nuôi được. “Tại Chư Pah, mô hình được triển khai thí điểm cho 5 hộ tại xã Nghĩa Hòa và thị trấn Phú Hòa.
Đây là các địa phương có nhu cầu nuôi chim bồ câu. Hơn nữa, nhân dân nơi này chủ yếu sản xuất nông nghiệp với một số cây chủ yếu như cà phê, lúa nước, rau màu, đậu đỗ, vì thế, sẽ có điều kiện thuận lợi về nguồn thức ăn cho chim”- anh Châu cho biết thêm.
Tổng kinh phí của dự án là 175 triệu đồng, trong đó, 100 triệu đồng được hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học, 75 triệu đồng còn lại do dân tự đóng góp. Ban đầu, bà con sẽ được cán bộ kỹ thuật tập huấn kiến thức, hướng dẫn làm chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Theo đó, mỗi cặp chim trống-mái được ở một ô chuồng riêng, bên trên đặt các ổ đẻ và máng ăn, máng uống ở phía ngoài. Kích thước chuồng phải đảm bảo cao 40 cm, rộng 50 cm và sâu 60 cm. Sau khi chim mẹ đẻ và ấp nở ra chim con thì người dân cần tiếp tục làm thêm chuồng nuôi chim con, chim giống mới cũng như chuồng nuôi dưỡng chim thương phẩm…
Kế đến, dự án sẽ tiến hành hỗ trợ 100% chi phí con giống với 150 cặp chim bố mẹ (từ 4 đến 6 tháng tuổi trở lên, mỗi hộ 30 cặp), 30% chi phí thức ăn và 50% chi phí thuốc thú y, vitamin. Con giống được lấy từ các trại giống có uy tín trong tỉnh hoặc ở Đak Lak và đã được tiêm phòng đầy đủ. Trong suốt quá trình triển khai, cán bộ phụ trách dự án luôn thường xuyên kiểm tra, theo dõi để kịp thời giúp bà con khắc phục khi gặp khó khăn.
Anh Châu phân tích: Bồ câu Pháp là giống chim chuyên thịt, cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn. Chúng rất khỏe mạnh, ít bệnh tật, có thể đẻ 8-9 lứa/năm, chim con lớn nhanh và đạt trọng lượng cao. Vì thế, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi chim bồ câu Pháp là hướng đi mới thay thế cho những giống bồ câu nhà, năng suất thấp.
Thế nhưng, trong quá trình nuôi, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan như: vận chuyển đường dài, chim được đưa về đúng vào thời kỳ giao mùa, thay đổi đột ngột về môi trường sống, thức ăn, nguồn nước…, số chim ban đầu đã bị chết hơn 30%. Đến nay, số chim còn lại đã thích nghi, sinh trưởng, phát triển bình thường và hiện đa phần đã bước vào giai đoạn sinh sản, ấp trứng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng (khu phố 2, thị trấn Phú Hòa), một trong những hộ tham gia dự án, chia sẻ: “Lúc đầu về thấy chim chết nhiều tôi cũng lo, nghĩ nuôi loại này may rủi quá. Nhưng rồi sau một thời gian, chúng ổn định hẳn, không hề bị bệnh tật gì, phát triển tương đối tốt. 13 cặp chim còn lại đã đẻ và ấp nở được 8 chim con.
Loại này chu kỳ sinh sản khá ngắn, chim con cũng nhanh lớn và to xác. Việc nuôi dưỡng cũng dễ dàng, không tốn công, chỉ cần cho ăn uống ngày 2 buổi sáng-chiều và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là được”. Ông Dũng cũng dự kiến rằng, đến khoảng tháng 4-2014, ông sẽ gây được 40-50 cặp chim giống, đồng thời phát triển chim bồ câu thương phẩm, cung cấp ra thị trường.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, anh Châu cho hay: Sắp đến, toàn bộ số chim bồ câu sẽ đến thời kỳ sinh sản hàng loạt. Thường thì ở lứa đầu tiên, tỷ lệ ấp và nở sẽ chưa đều, phải đợi đến lứa thứ 2, 3 trở đi mới ổn định. Mô hình này hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao trong tương lai không xa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành nhân rộng mô hình đến các xã khác của huyện, giúp bà con cải thiện đời sống, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Bồ câu Mimas còn có tên khác là bồ câu “siêu lợi”, có nguồn gốc từ Pháp nhập vào Việt Nam từ tháng 5-1998. Loài chim này có đặc điểm: toàn thân có lông vũ bao phủ, mình hình thoi, cổ dài; có khả năng sinh sản nhanh, ấp trứng tốt, nuôi con giỏi, kiếm mồi và khả năng định hướng biết đường đi, về. Chúng được con người thuần hóa và nuôi dưỡng từ cách đây khoảng 5.000 năm để phục vụ cho cuộc sống như lấy thịt, đưa thư và làm cảnh.
Có thể bạn quan tâm

Tại các bến bãi của xã, một không khí nhộn nhịp và đông đúc chưa từng thấy. Những con đường dẫn vào bãi sò tắc nghẽn liên tục vì lượng sò ngư dân vận chuyển quá lớn. Trên bãi sò, hàng trăm lao động tất bật chen nhau vận chuyển, phân loại, cạy tách vỏ sò. Các bãi sò ở Chí Công liên tiếp, nối liền nhau như một đại công trường khai thác hải sản.

Vụ chiêm xuân 2013 – 2014, toàn tỉnh gieo cấy 8.273ha, đạt 98,25% kế hoạch. Để đảm bảo nước tưới cho lúa chiêm xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp cung cấp nguồn nước, kịp thời cho cây lúa.

Không chỉ có vậy, trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp tại miền Trung nói chung và Việt Nam nói riêng còn phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ các thương lái nước ngoài, khi họ trực tiếp đến các cảng cá thu mua nguyên liệu mà hoàn toàn không chịu thuế.

Ngoài hàng loạt khó khăn như chi phí tăng cao, ngư trường không ổn định đã ảnh hưởng đến nghề khai thác, những chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa luôn canh cánh với nỗi lo bị ép giá. “Được mùa” nhưng lại mất giá và hiện nay là tình trạng ép giá; ngư dân đánh bắt cá ngừ đang còn gặp rất nhiều khó khăn đầu ra cho sản phẩm.

Từ đầu năm đến nay tỉnh Cà Mau đã phát hiện, tiêu hủy 756 con gia cầm bị bệnh. Trên thực tế, mặc dù đã được tuyên truyền nhiều về việc chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm, nhưng từ sự chủ quan dẫn đến ý thức của người chăn nuôi còn nhiều hạn chế.