Triển Vọng Từ Cây Thanh Long Ruột Đỏ TL14

Được thành lập từ năm 2007, Công ty cổ phần Thanh Hương (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) chuyên về nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc.
Thời gian qua, công ty đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ TL14, bước đầu mang lại thành công và mở ra hướng đi mới trong việc trồng cây đặc sản trên vùng đất này.
Hiện tại, công ty có 7 sào thanh long ruột đỏ TL14 đã cho thu hoạch quả và 1ha mới trồng được 3 tháng. Bắt đầu từ năm 2010, khi dự án cây thanh long ruột đỏ TL14 được đưa về trồng thử nghiệm ở huyện Lệ Thủy, Công ty cổ phần Thanh Hương đã mua giống về trồng. Thử nghiệm trên 7 sào. Với đặc điểm đất trồng của công ty là đất cát ven biển, sau hai năm, cây thanh long đã bước đầu thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu đồng thời cho thu hoạch quả to, ngon.
Hiện cây thanh long ruột đỏ TL14 trồng ở đây đạt năng suất 4,7 tấn – 5 tấn/ha/năm, mỗi năm cho thu hoạch trái từ 6 – 8 đợt trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 10. Với giá bán từ 30 – 50 nghìn đồng/kg, cây thanh long ruột đỏ TL14 bước đầu đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới cho công ty.
Theo cán bộ kỹ thuật trồng trọt của Công ty cổ phần Thanh Hương cho biết, quả thanh long ruột đỏ TL14 thích nghi với nơi có nhiều ánh sáng, dưới ánh sáng cao, độ đường tăng, nhiệt độ thích hợp từ 15 – 35 độ C, nếu dưới nhiệt độ đó cây sẽ phát triển chậm.
Thực tế việc trồng cây thanh long ruột đỏ TL14 ở Công ty cổ phần Thanh Hương đã gặp phải sự phá hoại của kiến và ốc sên. Trong giai đoạn trước khi cây ra hoa, kiến đục các mắt nơi đầu gai (nơi ra hoa của cây), vào thời kỳ kết trái thì ốc sên lại bám vào ăn vỏ khiến cho quả thanh long bị nám hoặc bị hư làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Công ty đã tích cực phun thuốc diệt kiến Paparazzi, cắt cây dâm bụt dẫn dụ ốc sên đến ăn, bắt ốc sên bằng tay (vì đây là giai đoạn kết trái nên công ty tuyệt đối không dùng thuốc phun diệt ốc sên để bảo đảm chất lượng quả thanh long an toàn). Một hạn chế nữa khi trồng thanh long trên vùng đất này, đó là ảnh hưởng của gió Lào, gió to khiến quả thanh long chín sớm, quả nhỏ.
Được biết, thanh long ruột đỏ TL14 có đặc tính khác hoàn toàn so với thanh long ruột trắng, phần dinh dưỡng gấp đôi thanh long ruột trắng; được viện Paster công nhận là trái cây có hàm lượng màu tự nhiên cao, có thể chế biến màu thực phẩm, sản xuất mỹ phẩm, ép lấy nước làm thuốc trị bệnh và làm rượu rất tốt cho sức khỏe người già và phụ nữ. So với thanh long ruột trắng, năng suất của thanh long ruột đỏ TL14 cao hơn khoảng 0,1 tấn/ha, có lợi nhuận cao hơn bình quân 10 triệu đồng/ha.
Với những ưu điểm và hiệu quả kinh tế mà cây thanh long ruột đỏ TL14 mang lại, Công ty cổ phần Thanh Hương đang dự định mở rộng diện tích ươm trồng và sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây cho bà con trong vùng để từng bước nhân rộng mô hình.
Có thể bạn quan tâm

Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và gây bệnh…

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm, trong tháng 10, trên địa bàn huyện có 2 nơi phát hiện đàn bò có triệu chứng bệnh lở mồm long móng ở thị trấn Vũng Liêm và xã Hiếu Thành, nhưng đã được khống chế. Trên đàn gia cầm, tình hình dịch bệnh ổn định, có một số bệnh thông thường xảy ra ở một số nơi như bệnh Gumboro, bại liệt trên vịt,...; không có bệnh cúm trên đàn gia cầm.

Cấu trúc ngành chăn nuôi đang thay đổi nhanh, từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang chuyển sang mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín quy mô lớn, liên kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm tại các hệ thống siêu thị và phân phối lớn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam còn phụ thuộc nhiều từ nhập khẩu con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong khi giá các yếu tố này ngày càng tăng cao…

Trong khi nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gặp khó khăn do thiếu vốn, dịch bệnh và thị trường bấp bênh thì mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Đào Văn Hiểu, ở xóm Rẫy, xã Đào Xá (Phú Bình) vẫn đứng vững nhờ biết liên kết với doanh nghiệp, áp dụng mô hình chăn nuôi lợn gia công theo kỹ thuật tiên tiến. Tuy mới xây dựng được hơn 2 năm nay, song mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Thông tin từ ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, đến nay, toàn huyện đã thu hoạch gần 6.000ha mía, chiếm hơn 71% diện tích toàn huyện. Hiện tại, các vùng mía thường bị ngập sâu ở các xã như: Hòa Mỹ, Phương Bình, Hòa An, Phụng Hiệp,… bà con thu hoạch mía cơ bản dứt điểm, chỉ còn lại ở những địa phương có nền đất cao, không bị đe dọa nước lũ.