Triển vọng từ cây dứa Cayenne

Dứa Cayenne có nguồn gốc từ Lâm Đồng, được nông dân Khánh Vĩnh gây trồng đã khá lâu. Ông Trần Nhãn (thôn Ngã Hai, xã Khánh Phú) cho biết, thấy giống dứa này thơm, ngon, nên ông gom nhặt giống đem về trồng, số lượng khoảng 5.000 gốc. Đến nay, vườn dứa đã đến độ thu hoạch. Ông Nhãn trồng dứa xen với chuối, sả để lấy ngắn nuôi dài. Với đất rẫy như Khánh Vĩnh, cách trồng này có ưu thế hơn hẳn trồng chuyên canh bởi giảm được cỏ dại, cho thu nhập đồng thời của nhiều loại cây.
Theo ông Nhãn, dứa Cayenne dễ trồng, chỉ cần đất ẩm là cây lên nhanh, không cần bỏ phân, xịt thuốc. Cây dứa sau 8 đến 12 tháng có thể cho trái, quả nặng từ 1,5 - 4kg. Hiện tại, giá thu mua của thương lái tại vườn là 5.000 đồng/kg, nếu đưa tới các chợ lớn ở TP. Nha Trang có giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Với 1ha dứa xen canh, ông Nhãn thu được khoảng 20 triệu đồng và dự kiến còn thu thêm 40% nữa (tương ứng khoảng hơn 30 triệu đồng/ha). Đó là chưa kể nguồn thu từ cây sả, chuối và chồi giống dứa với giá hiện nay là 2.500 đồng/chồi.
Theo ông Lưu Nguyên - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, dứa Cayenne du nhập vào Lâm Đồng từ rất lâu và được canh tác tại thị trấn Dran - Đơn Dương. Cây trồng này phát triển tốt trên nhiều loại đất, cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn. Vì thế, dứa Cayenne là cây đặc thù của vùng Đơn Dương, đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Dứa Cayenne Đơn Dương” và được UBND tỉnh Lâm Đồng ủy quyền cho huyện Đơn Dương quản lý, sử dụng nhãn hiệu này.
Được biết, Khánh Vĩnh giáp Lâm Đồng, có nhiều thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển loại dứa này, phù hợp với trình độ thâm canh của đồng bào miền núi, vốn đầu tư không cao. Thời gian qua, người dân các xã: Liên Sang, Khánh Thượng, Khánh Phú đã mang giống dứa Cayenne về trồng cho quả to 3 - 5kg/quả (vùng Đơn Dương - Lâm Đồng bình quân 1,5kg/quả), hình dáng quả đẹp, chất lượng thơm ngon, không đủ cung cấp cho thương lái.
Hiện huyện Khánh Vĩnh đã đề xuất với tỉnh xây dựng mô hình phát triển loại dứa này. Huyện nghiên cứu 2 giống khác nhau tại Đơn Dương và Khánh Vĩnh, xây dựng 2 mô hình thực tế tại các xã Khánh Thượng và Sông Cầu theo phương thức trồng hàng kép, mỗi mô hình có diện tích 5.000m2, trồng 2 giống có xuất xứ khác nhau để kiểm chứng. Theo ông Nguyên, các số liệu thu thập từ mô hình cho thấy, với suất đầu tư dự kiến cho năm đầu 100 triệu đồng/ha, có đầu ra cho sản phẩm, giá cả ổn định thì đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được phát huy, nhân rộng trong thời gian tới.
Được biết, hiện đề tài đã được Hội đồng tư vấn chuyên ngành xét tuyển và thống nhất cho phép triển khai.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều năm qua, sản phẩm mận Bắc Hà đã rất quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để các loại mận trồng ở Bắc Hà (Lào Cai) được “chính danh” trên thị trường trong và ngoài nước luôn là nỗi canh cánh của các cấp, các ngành hữu quan trên “Cao nguyên trắng”.

Đối với các vườn bưởi được trồng hơn 3 năm, năng suất vụ này khoảng 3,5 - 4 tấn/công, sau khi trừ chi phí sản xuất, nhà vườn lời hơn 100 triệu đồng. Với việc bưởi đang được giá và hút hàng như hiện nay, nhà vườn trồng bưởi đang kỳ vọng vào mùa bưởi tết thắng lợi. Huyện Long Mỹ có trên 10ha trồng bưởi, tập trung nhiều ở các xã Long Bình, Long Trị, Long Trị A và Thuận Hưng.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, để góp phần hạn chế tình trạng tôm chết lan rộng, ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục hoàn thiện thêm hệ thống cấp và tiêu nước phục vụ nuôi thủy sản.

Lươn sống ở mương, lạch, nơi đầm lầy, ruộng lúa. Lươn không chỉ là món ăn đặc sản giàu dinh dưỡng mà theo các thầy thuốc đông y, còn là vị thuốc có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lỵ, đau nhức xương sống, phong thấp... Vì vậy, lươn trở thành loại thực phẩm có giá trị cao.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL. Từ đó đến nay, nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn đang nở rộ, nhất là vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu ở khu vực này.