Triển Vọng Từ Cây Đậu Phộng

Vài năm trở lại đây, nông dân huyện Tịnh Biên (An Giang) đã thực hiện chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế. Trong đó, đậu phộng được xem là loại cây có hiệu quả kinh tế cao và thích nghi tốt với điều kiện canh tác nông nghiệp tại huyện miền núi này.
“Trồng đậu phộng tính ra lời nhiều hơn trồng lúa vì chi phí nhẹ hơn mà cũng không tốn công chăm sóc nhiều. Mấy năm nay, nhờ có đậu phộng mà gia đình tôi có cuộc sống khá hơn. Hồi trước làm lúa cực lắm mà bán không được bao nhiêu. Đất ở vùng này cao, thiếu nước để trồng lúa nên nhiều người chuyển sang trồng đậu phộng mang lại thu nhập ổn định” - ông Chau Kên, nông dân xã An Cư thật tình. Đưa tay chỉ về rẫy đậu phộng đang phát triển xanh tốt, ông Chau Kên nói về cách trồng đậu phộng một cách say sưa.
Có lẽ, đối với người dân vùng Bảy Núi, việc tìm được loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như đậu phộng đã là một niềm vui, khá nhiều loại cây trồng không thể “ở lại” với vùng đất này. “Trồng cây đậu phộng không cần nhiều nước, chỉ việc cày đất lên rồi bắt liếp, sau đó xuống giống, khi tỉa mỗi bụi cách nhau 2 tấc, khoảng cách đó sẽ giúp cây đậu phộng phát triển tốt và cho nhiều củ. Tuy nhiên, nên chú ý rải vôi vào rẫy vì như vậy củ đậu phộng sẽ không bị bộp, nhiều người bỏ qua việc này nên khi bán không có giá cao” - ông Chau Kên nhiệt tình hướng dẫn.
Người nông dân chỉ nhọc công khâu xuống giống, sau đó thì lâu lâu bơm nước một lần vào rẫy đậu phộng. Khi đậu phộng phát triển được 30 ngày thì tiến hành nhổ cỏ, bón phân rồi lấp đất thêm vào gốc. Theo ông Chau Kên, khâu lấp đất rất quan trọng, nếu không thực hiện công việc này thì đậu phộng không có nhiều củ, thậm chí có cây không cho củ. Thời gian xuống giống đến khi thu hoạch đậu phộng kéo dài khoảng 3 tháng.
Năng suất bình quân khoảng 15-20 giạ/công. Ông Chau Kên cho biết, giá đậu phộng luôn ở mức cao, dao động từ 240.000 - 300.000 đồng/giạ. Vụ trước, ông bán 3 công đậu phộng, sau khi trừ tiền vốn 2 triệu, ông lãi khoảng 4-5 triệu đồng/công.
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Cư Tạ Văn Các cho biết: “Từ năm 2004, nông dân tại xã An Cư đã bắt đầu làm quen với cây đậu phộng, lúc đầu gặp nhiều khó khăn nhưng sau đó cây đậu phộng cũng “mặn mà” với vùng này nên bà con trồng mỗi lúc nhiều hơn và đã góp phần cải thiện kinh tế tại địa phương.
Những mảnh ruộng nào khó trồng lúa thì nông dân trồng đậu phộng, lợi nhuận cao hơn 2-3 lần trồng lúa”. Ông Các cho biết thêm, diện tích trồng đậu phộng của xã tăng lên rất nhanh nhưng nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp lại đang khó khăn.
Hiện, xã chỉ có 2 hệ thống bơm điện, phục vụ cho 120 héc-ta đất nông nghiệp nên vấn đề cần thiết hiện nay là chủ động được nguồn nước, nhằm giúp nông dân thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp. Theo định hướng của Hội Nông dân xã An Cư, sắp tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng đậu phộng trên địa bàn 6 ấp của xã, biến đậu phộng trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương.
Ông Chau Sóc, nông dân xã Văn Giáo (Tịnh Biên) chia sẻ: “Tôi có 7 công ruộng trên, trồng lúa hoài mà không có ăn. Năm nào mưa nhiều thì còn đỡ, không mưa thì trắng tay. Thấy trồng lúa khó quá nên tôi trồng đậu phộng, nhổ bán cũng có tiền mà dễ ăn hơn lúa nữa”.
Cũng như bao nhiêu nông dân khác, ông sẽ tiếp tục trồng đậu phộng với mong muốn loại cây này sẽ mang đến thu nhập cao hơn cho gia đình ông. Ông Sóc vui vẻ: “Miếng ruộng này tôi trồng đậu phộng mới xanh tốt vậy nè. Gặp thời tiết ít mưa như mấy ngày nay thì trồng lúa chắc không có hột nào ăn đâu!”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biện, hiện nay, trên địa bàn có 214 héc-ta đậu phộng, tập trung nhiều tại các xã An Cư (118 héc ta), Văn Giáo (50 héc-ta), Vĩnh Trung (10 héc-ta)… Thời gian tới, diện tích canh tác đậu phộng trên địa bàn huyện Tịnh Biên sẽ còn tăng lên khi loại cây này ngày càng cho thấy hiệu quả kinh tế cao và tính thích nghi khá tốt với vùng đất pha cát vốn luôn “khó tính” với cây nông nghiệp.
Anh Trần Hiếu Thuận, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tịnh Biên thông tin: “Hiện nay, cây đậu phộng đang mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho nông dân trên địa bàn huyện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất đồng thời kêu gọi đầu tư, chủ động trong việc thu mua nhằm đảm bảo đầu ra cho nông dân”.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay bên cạnh 8.000ha lúa đông xuân xuống giống theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn, một số diện tích lúa nông dân ở huyện Hồng Ngự tự ý xuống giống sớm cũng đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Do xuống giống trái mùa nên chi phí đầu tư sản xuất cũng như phòng, chống dịch bệnh trên lúa phát sinh nhiều, dẫn đến lợi nhuận đạt thấp.

Hiện nay đã thu hoạch hơn 3ha, số diện tích này do xuống giống sớm bị ảnh hưởng nhiều đám mưa to, dưa bị thúi trái nên năng suất giảm khoảng 50% so với năng suất trung bình. Mỗi công dưa nông dân thu hoạch cao nhất chỉ được 1 tấn trái, vì vậy số diện tích này nông dân chắc chắn thua lỗ.

Anh Phạm Hoàng Khanh, Cán bộ Bảo vệ thực vật thị trấn Long Mỹ, thông tin: Ngoài tập trung đầu tư hạ tầng đê bao đồng bộ thì công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân cũng được lực lượng chuyên môn thị trấn, huyện, cùng các doanh nghiệp tham gia thực hiện mạnh mẽ.

Trong vài năm trở lại đây, ngoài trái bưởi Năm Roi thương phẩm thì Câu lạc bộ (CLB) khuyến nông ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành đã tạo dáng cho trái bưởi có giá trị cao gấp nhiều lần so với bưởi thường. Và giờ đây, cũng từ việc tạo dáng, các thành viên CLB cho ra thị trường loại sản phẩm mới là trái đào tiên hồ lô vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Hiện nay một số loại rau màu vụ đông trồng sớm, có thời gian sinh trưởng ngắn như: bí xanh, dưa chuột bao tử, su hào, cải bắp, súp lơ, cà chua… đang cho thu hoạch. Bí xanh được bán với giá 4.500-5.000 đồng/kg; dưa chuột xuất khẩu giá 5.000-7.000 đồng/kg; cải bắp giá 5.000-6.000 đồng/cây; su hào 3.000-4.000 đồng/củ; cà chua 6.000-7.000 đồng/kg… cho thu nhập cao hơn, sản phẩm dễ tiêu thụ hơn so với chính vụ.