Triển Vọng Phát Triển Cây Sả Ở Tân Phú Đông (Tiền Giang)

Tân Phú Đông, huyện cù lao của tỉnh Tiền Giang thành lập cách nay hơn 5 năm. Nếu trước đây mãng cầu xiêm được xem là cây xóa đói giảm nghèo của huyện cù lao này thì khoảng 1 năm trở lại đây, cây sả đã "lên ngôi". Nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển từ ruộng lúa lên liếp trồng sả theo mô hình xen canh 1 vụ sả, 1 vụ lúa hoặc bỏ hẳn cây lúa, chuyển sang trồng sả quanh năm…
Hiện tại ở Tân Phú Đông, sả được trồng ở khắp nơi. Trước sân nhà, ngay cạnh lối đi, trên gò cao, trong vườn dừa, lề đường giao thông nông thôn… Nhưng tập trung nhiều nhất là ở các ấp: Cả Thu 1, Cả Thu 2, Giồng Keo (xã Phú Thạnh), Bà Tiên 1, Bà Tiên 2, Lý Quàn 1, Lý Quàn 2 (xã Phú Đông).
Anh Trần Công Khanh ở ấp Bà Tiên 1, xã Phú Đông, cho biết: Gia đình anh có 2 công đất. Mấy năm qua trồng lúa thường xuyên bị thua lỗ. Từ năm 2013, anh chuyển từ trồng lúa sang trồng sả. Ngay vụ đầu tiên, anh thu được lợi nhuận gần 20 triệu đồng (sau 3 tháng trồng). Nhờ đó, anh lên liếp trồng vụ tiếp theo…
Anh Nguyễn Văn Sang, ấp Bà Tiên 1, xã Phú Đông có nhiều kinh nghiệm trong trồng sả, cho biết: Vùng cù lao Tân Phú Đông nước mặn quanh năm. Mùa khô thiếu nước trầm trọng, trồng cây nào cũng bị mất mùa. Riêng cây sả chịu hạn tốt, giá tương đối ổn định". Qui trình trồng sả đơn giản, tháng nắng trồng bất kỳ nơi nào, còn tháng mưa lên liếp hoặc xẻ rãnh để tránh bị ngập úng khi mưa dầm.
Một vụ trồng sả có thể kéo dài thành 2 vụ nếu thu hoạch lần thứ nhất không nhổ tận gốc và mỗi bụi người thu hoạch chừa lại khoảng 2 - 3 tép. Nếu chăm sóc tốt, sả vẫn phát triển bình thường và cho năng suất cao như vụ thứ nhất. Ngoài khả năng chịu hạn tốt, cây sả ít bị sâu bệnh tấn công. Anh Nguyễn Văn Nhã, ngụ ấp Bà Tiên 2, xã Phú Đông, chia sẻ: "Chỉ có rệp sáp và bệnh thối thân thỉnh thoảng xuất hiện trong giai đoạn sả già, sắp thu hoạch. Vì vậy, người trồng sả rất an tâm."
Hiện tại, dọc theo tỉnh lộ 887B có rất nhiều cơ sở thu mua sả thương phẩm và nguồn tiêu thụ chủ yếu là các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh)… Theo thương lái, nhiều năm liền giá sả luôn ổn định, lúc thấp nhất cũng 4.500 đồng/kg và cao nhất lên đến 7.500đồng/kg. Với giá này, đảm bảo người trồng có lãi cao. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, toàn huyện có gần 450 ha trồng sả.
Trong đó, xã Phú Thạnh khoảng 245 ha, xã Phú Đông trên 145 ha và Tân Phú hơn 32 ha. Với giá bán hiện tại (5.500 đồng/kg) người trồng sả có lời cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và khả năng mất mùa là gần như không có. Sau 3 tháng trồng sả, bà con nơi đây thu lãi gần 10 triệu đồng/1.000 m2.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, cho biết: Chính quyền vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đối với cây sả, để phòng ngừa tình trạng cung vượt cầu, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với Hội Nông dân huyện hướng dẫn bà con trồng theo vùng quy hoạch.
Hiện nay, ngoài việc vận động người dân tiếp tục tăng diện tích, Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông đã liên kết với Công ty TNHH Đức Huệ Trường Thành (TP Hồ Chí Minh) đăng ký bao tiêu cây sả tươi cho nông dân. Đây là tín hiệu đáng mừng cho bà con ở vùng đất cù lao đầy khó khăn này. "Chỉ cần sả ổn định giá ở mức 5.000 đồng/kg thì từ nay đến năm 2015, xã Phú Thạnh sẽ có nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững" - ông Lương Công Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Đặc thù của ruộng vùng cao trong tỉnh là nhỏ hẹp, bậc thang, trước đây đồng bào Hrê thường dùng sức để làm đất xuống giống hay thu hoạch vụ mùa. Còn bây giờ, nhà nhà đều biết sử dụng máy móc vào đồng ruộng nên đã giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Sơn Tây là huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi được mệnh danh là xứ ngàn cau. Nơi đây có những chuyện khá ly kỳ: Thương lái thu mua cau non rồi… đổ bỏ, chủ vườn dùng dây thép gai quấn quanh thân hay gắn dao lam vào thân cau để phòng ngừa kẻ gian trộm cau.

Đánh giá này trong báo cáo nghiên cứu về hợp tác, liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp do RCD và Oxfam đồng thực hiện, vừa công bố.

Trung bình mỗi năm, ngành chăn nuôi cần thêm 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu trong nước; đồng nghĩa với việc, ngành chăn nuôi ngành càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập.

Trong những năm qua, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các nước trong khu vực, trong khi cơ chế xuất khẩu gạo lại mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.