Triển Vọng Phát Triển Cây Cam, Quýt

Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả trung ương tiến hành đề tài "Nghiên cứu chất lượng đặc thù, điều kiện tự nhiên của vùng trồng quýt", đây là bước tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loại cây trồng này.
Hiện nay đề cương của đề tài đã được Hội đồng khoa học và UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện trong năm 2011 đến 2012, mở ra cơ hội phát triển cho cây cam, quýt trên địa bàn...
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 ha cây cam, quýt tập trung tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn và Ba Bể, trong đó trữ lượng lớn nhất tập trung tại huyện Bạch Thông với diện tích khoảng 700 ha. Trước đây cam, quýt địa phương chỉ phát triển tự nhiên chưa được đầu tư chăm sóc nên chất lượng không đều, người nông dân chủ yếu trồng để dùng trong gia đình, có bán thì cũng chỉ là tại các chợ xã.
Nhận thấy đây là loại cây trồng phù hợp với khí hậu, đất đai của những địa phương này, nên Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư để đưa cây cam, quýt trở thành cây trồng thế mạnh của tỉnh. Trong đó ưu tiên đưa khoa học kỹ thuật mới vào các vùng trồng quýt. Nếu trước đây để nhân giống, nông dân chỉ dùng biện pháp chiết cành truyền thống. Thì nay khoa học kỹ thuật đã giúp bà con chọn tạo giống tốt, chọn cây tốt để làm cây đầu dòng, áp dụng kỹ thuật ghép mắt, ghép cành và kỹ thuật vi ghép. Vì vậy hệ số nhân giống nhanh hơn, chất lượng cam, quýt cao hơn. Nhờ có kỹ thuật này mà diện tích cam, quýt ngày càng được mở rộng, đem lại năng suất và giá trị kinh tế.
Huyện Bạch Thông là địa phương có diện tích cam, quýt lớn nhất. Những năm qua được đầu tư quan tâm về giống, khoa học kỹ thuật, cơ chế khuyến khích từ các dự án, đề án của tỉnh nên diện tích, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên theo từng năm. Cụ thể, năm 2007 diện tích cam, quýt của huyện là 440 ha, diện tích cho sản phẩm là 130 ha, sản lượng đạt 525 tấn. Năm 2009 tổng diện tích là 686 ha, diện tích cho thu hoạch là 477 ha, sản lượng đạt 1.715 tấn, đạt giá trị 13,7 tỷ đồng. Năm 2010 sản lượng đạt 1.755 tấn, giá trị đạt trên 14 tỷ đồng.
Tính chung trên địa bàn tỉnh thì hằng năm sản lượng quýt đạt khoảng vài nghìn tấn. Nhiều gia đình thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng mỗi vụ, từ đó không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Nhờ có tiến bộ kỹ thuật mà chất lượng cam, quýt ngày càng được khẳng định, theo đánh giá cam, quýt của tỉnh Bắc Kạn có mùi vị đặc trưng, ngon, quả to đều, mẫu mã đẹp, độ chua vừa phải, giàu vitamin C, tốt cho sức khoẻ và là sản phẩm đặc thù không lẫn với bất kỳ giống quýt nơi nào khác.
Hiện nay quýt thương phẩm của Bắc Kạn đã được xuất bán đi thị trường các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, sự nhìn nhận, đánh giá, khai thác đúng tiềm năng của tỉnh.
Trên cơ sở diện tích cam, quýt ngày càng được mở rộng, chất lượng được khẳng định, sản lượng lớn nên việc quảng bá thương hiệu là rất cần thiết. Vì vậy Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả trung ương triển khai nghiên cứu, xác định các tính chất, chất lượng đặc thù của cam, quýt Bắc Kạn và điều kiện tự nhiên của các vùng trồng quýt để đề nghị cấp chỉ dẫn địa lý cho cây cam, quýt.
Hiện nay đề cương của Đề tài này đã được Hội đồng khoa học và UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện từ năm 2011 đến năm 2012. Đồng chí Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Để cây cam, quýt của Bắc Kạn được cấp chỉ dẫn địa lý thì trước hết, người trồng quýt phải nhận thức sâu sắc đây là sản phẩm của quốc gia, của tỉnh. Do đó phải làm thế nào để chất lượng cam, quýt ngày càng nâng cao, mẫu mã đẹp, quả đồng đều. Muốn làm được như vậy phải áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công chăm sóc, phải thay đổi tập quán canh tác cũ, tập trung trồng thâm canh và đầu tư chăm sóc, bón phân, đốn tỉa, phòng trừ sâu bệnh.
Hy vọng với nhiều nỗ lực từ phía tỉnh và người nông dân, năm 2012 cây cam, quýt của Bắc Kạn sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, mở ra cơ hội phát triển cho loại cây trồng đặc sản thế mạnh của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Những hộ nuôi cá thác lác cườm cho biết, nhu cầu tiêu thụ chả cá tại các chợ đầu mối tăng mạnh nên giá cá thác lác cườm thương phẩm tăng cao. Hiện, các tiểu thương thu mua cá thác lác cườm cỡ 400 - 500 gram/con, với giá 85.000 - 90.000 đồng/kg mà cũng không đủ nguồn cung.

Nông dân xã Bình Thạnh (Châu Thành, An Giang) đạt lợi nhuận cao từ mô hình trồng hành. Anh Lê Văn Hoàng, ngụ ấp Thạnh Hòa cho biết, gia đình trồng 2 công hành, năng suất gần tấn/công, bán với giá 7.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, còn lãi 12 triệu đồng/công.

Anh Trần Thanh Phương (chủ cơ sở sản xuất - thương mại gạo Hạt Ngọc An Giang tại phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang) cho biết: Giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 do anh trồng thử nghiệm tại ấp An Hòa, xã An Hòa (Châu Thành) trong vụ hè thu 2013 vừa thu hoạch đạt năng suất 600 kg/công (1.000m2), bán lúa khô giá 9.000 đồng/kg, lãi 3 triệu đồng/công. Theo anh Phương, giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 (dòng F1) do anh mua của Công ty Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) 2,5kg về gieo mạ và cấy 2.500m2 tại Châu Thành. Thời gian sinh trưởng của giống lúa này (vụ hè thu) là 115 ngày, cách chăm sóc gần giống như giống lúa OM 6976, lúa kháng bệnh tốt, kháng rầy nâu, bệnh cháy lá và đạo ôn... Do thời gian sinh trưởng hơi dài ngày nên anh không trồng vụ thu đông mà tiếp tục xin phép trồng thử nghiệm tiếp vụ đông xuân 2013 - 2014 tới. Nếu thành công trong vụ đông xuân, anh sẽ tổ chức sản xuất lúa hàng hóa, bởi được Công ty Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa cung ứng giống và bao tiêu lúa hàng hóa với

Do nguồn cung tăng, giá nhiều loại trái cây có múi như: cam, bưởi, quýt… hiện giảm từ 5.000 - 15.000 đồng/kg so với cách nay hơn một tháng. Trong đó, giảm nhiều là bưởi da xanh, bưởi 5 roi và quýt đường.

Quýt đường có thể trồng trên nhiều loại đất với điều kiện tưới tiêu tốt. Trong điều kiện đất đai màu mỡ, tơi xốp và thông thoáng, độ pH từ 6 - 6,5 là rất lý tưởng.