Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Mường Lay (Điện Biên)

Triển Vọng Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Mường Lay (Điện Biên)
Ngày đăng: 10/09/2013

Trước đây, người dân trên địa bàn TX. Mường Lay (Điện Biên) nuôi thả cá chủ yếu theo hình thức quảng canh cải tiến, tận dụng các sản phẩm dư thừa trong sinh hoạt, chăn nuôi, đầu tư ít nên chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong khi đó cá nuôi phần lớn là các loại cá truyền thống nên hiệu quả kinh tế thấp.

Được hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương thuộc chương trình nông thôn miền núi, Trung tâm Thủy sản tỉnh triển khai Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi lồng bè cá rô phi đơn tính dòng GIFT thương phẩm trên hồ Thủy điện Sơn La tại TX. Mường Lay, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân hậu tái định cư trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh cho biết: Hồ chứa Thuỷ điện Sơn La trên địa bàn thị xã Mường Lay bắt đầu vận hành từ năm 2011 với mực nước dâng bình quân 215m, lưu lượng nước lớn, chất lượng nước tương đối sạch, dòng chảy ổn định phù hợp với nuôi thủy sản. Đặc biệt là phát triển nghề nuôi thủy sản trong lồng vừa tận dụng diện tích mặt nước tự nhiên đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động vùng tái định cư.

Dự án triển khai không chỉ tạo nghề mới, giải quyết việc làm cho người lao động bị mất đất canh tác chuyển đổi nghề mà còn thúc đẩy người dân đa dạng hóa hình thức nuôi thủy sản; củng cố và phát triển nghề nuôi cá lồng, nhằm ổn định đời sống cho người dân vùng tái định cư và phát triển kinh tế xã hội. Sau khi dự án hoàn thành, người dân có thể đúc rút kinh nghiệm và nhân rộng nghề nuôi cá lồng trên địa bàn. Dự án thực hiện trong 2 năm (2013 - 2014) với tổng số 45 lồng (900m3); trong đó, thực hiện trong năm 2013 là 20 lồng (400m3).

Các hộ tham gia mô hình là người dân tái định cư, được hỗ trợ 100% cá giống, lồng bè, thuốc phòng chữa bệnh và hỗ trợ từ 50 - 70% lượng thức ăn cho cá. Kích cỡ cá nuôi lồng bè phù hợp nhất khi thả giống có chiều dài 8 - 10cm, trọng lượng 15 – 20 gam/con; mật độ thả đảm bảo 100 con/m3. Ngoài ra, nông dân sẽ được tập huấn để nắm bắt kỹ thuật nuôi cá thương phẩm và ứng dụng vào sản xuất.

Ông Khoa cũng cho biết, đặc tính ưu việt của công nghệ nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng đó là nâng cao năng suất và sản lượng trên đơn vị diện tích so với nuôi trong ao, ruộng, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, cá rô phi dòng GIFT là loài chống chịu được với điều kiện khắc nghiệt của môi trường, ít dịch bệnh; thời gian nuôi ngắn hơn so với các loài khác, phù hợp nuôi lồng với mật độ cao.

Ông Lù Văn Túng, nông dân tham gia mô hình cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu là khai thác thủy sản tự nhiên trên hồ Mường Lay và nuôi thả cá theo hình thức quảng canh nên hiệu quả kinh tế thấp, không ổn định. Tham gia Dự án, gia đình tôi được cung ứng giống, lồng bè, thuốc phòng trị bệnh và thức ăn cho cá. Ngoài ra, chúng tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Thủy sản tỉnh hướng dẫn kỹ thuật ương, nuôi cá rô phi; quá trình vận chuyển giống, thiết kế lồng bè nuôi phù hợp điều kiện nuôi trên hồ; quản lý môi trường, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh...

Kỹ thuật chăm sóc cá cũng không khó lắm: giai đoạn cá nhỏ (dưới 300 gam) cho cá ăn thức ăn tự chế có hàm lượng đạm 25 - 30% hoặc thức ăn công nghiệp; giai đoạn cá trên 300 gam nên cho ăn thức ăn công nghiệp và có sự điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Sau hơn 1 tháng thả cá giống xuống hồ, qua theo dõi cho thấy, tại 4 lồng nuôi theo mô hình, cá phát triển tốt, không mắc dịch bệnh.

Ông Trần Văn Ngạn, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Mường Lay cho biết: Tiềm năng nuôi thả, khai thác thủy sản trên địa bàn khá lớn với khoảng 120ha diện tích mặt hồ và 15ha diện tích ao, song sản lượng thu hoạch thủy sản hằng năm chưa tương xứng. Do trình độ nhận thức của người dân về sản xuất, nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa, khả năng hạch toán hiệu quả kinh tế còn nhiều hạn chế.

Điều kiện tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng mới chưa nhiều dẫn tới các hình thức nuôi có tính tự phát theo điều kiện kinh tế gia đình. Vì vậy, việc đưa các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi thủy sản (đối tượng nuôi, hình thức nuôi) theo hướng sản xuất hàng hóa, thay đổi tập quán nuôi truyền thống cho người dân tái định cư Thủy điện Sơn La trên địa bàn thị xã là rất cần thiết, góp phần tạo việc làm, giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống.


Có thể bạn quan tâm

Người Nuôi Chim Trĩ Đỏ Ở Xã Phương Viên Người Nuôi Chim Trĩ Đỏ Ở Xã Phương Viên

Chim trĩ đỏ đã được nhiều người dân ở các tỉnh trong cả nước nuôi mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Tuy nhiên, ở tỉnh Bắc Kạn việc nuôi loại động vật quý hiếm này còn rất mới mẻ đối với nhiều người dân trên địa bàn.

26/05/2012
Mở Rộng Diện Tích Cây Vải Lên 35.000ha Ở Bắc Giang Mở Rộng Diện Tích Cây Vải Lên 35.000ha Ở Bắc Giang

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung.

27/05/2012
Chấn Chỉnh Nuôi Tôm Ngoài Quy Hoạch Ở Bình Định Chấn Chỉnh Nuôi Tôm Ngoài Quy Hoạch Ở Bình Định

Thời gian qua, ở Bình Định, tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn người dân đã tự phát phá bỏ nhiều diện tích vườn nhà và đất sản xuất nông nghiệp để đào ao nuôi tôm, gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch sản xuất. Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở NN-PTNT đã tăng cường kiểm tra và triển khai nhiều biện pháp khắc phục.

29/05/2012
Nuôi Ong Mật Trong Vườn Dừa Ở Bến Tre Nuôi Ong Mật Trong Vườn Dừa Ở Bến Tre

Về thăm Phú Khánh, một trong những xã đạt hiệu quả kinh tế cao của huyện Thạnh Phú (Bến Tre), chúng tôi cảm nhận sự thay đổi sâu sắc của đời sống người dân nơi đây. Hai bên đường là những ngôi nhà tường khang trang xen lẫn những ao cá, vườn dừa xanh mướt.

30/05/2012
Mô Hình Nuôi Cá Bống Tượng Bằng Mùng Lưới Mô Hình Nuôi Cá Bống Tượng Bằng Mùng Lưới

Hiện nay, trên địa bàn xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai - Bạc Liêu) có khoảng 20 hộ nuôi cá bống tượng với diện tích 5 ha. Đây được xem là mô hình nuôi thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao. Điển hình là ông Lê Văn Minh (ngụ ấp 3) nuôi với mật độ 0,5 con/m2 trên diện tích 0,5 ha, cho lợi nhuận 70 triệu đồng/năm.

01/06/2012