Triển Vọng Mới Cho Khoai Lang Đồng Thái (Hà Nội)

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, ngày 8/4/2014, nhãn hiệu Khoai lang Đồng Thái của xã Đồng Thái, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã chính thức được Sở KH&CN Hà Nội công bố, mở ra một tương lai mới cho cây trồng truyền thống này.
Gia đình anh Phùng Quốc Đức, thôn Tri Lai, xã Đồng Thái trồng 3 sào khoai lang, năng suất đạt 4 - 5 tạ/sào, với giá bán bình quân từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu được trên 18 triệu đồng. Tương tự, gia đình chị Lê Thị Huyền trồng 7 sào khoai lang, mỗi vụ trừ chi phí, thu về 28 triệu đồng.
So với cấy lúa, khoai lang cho thu nhập cao gấp 3 lần, đó là chưa kể công chăm bón ít hơn, bảo quản đơn giản hơn, thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy, không lo ế. Khoai lang ở xã Đồng Thái là giống khoai Hoàng Long, củ to, vỏ màu nâu đỏ, lòng vàng sẫm, ăn có vị ngọt, bùi, rất đặc biệt, khác hẳn các giống khoai lang khác.
Trước đây, giống khoai này là một trong những đặc sản tiến vua của xứ Đoài. Hàng năm, thu nhập từ sản xuất khoai lang chiếm hơn 30% tổng thu nhập của các hộ gia đình.
Theo UBND xã Đồng Thái, diện tích khoai lang trên địa bàn xã đạt trên 300ha, năng suất trung bình từ 750 - 800kg/sào (khoảng 20 tấn/ha), thu nhập bình quân 75 - 90 triệu đồng/ha/vụ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của khoai lang Đồng Thái là Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ và một số tỉnh lân cận.
Theo đánh giá của ông Vũ Như Hạnh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm nông đặc sản, có giá trị kinh tế cao, trong đó, Ba Vì là huyện có nhiều đặc sản hơn cả. Đến nay, khoai lang Đồng Thái là sản phẩm thứ ba được cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể trên địa bàn huyện, sau Sữa Ba Vì và Chè Ba Vì.
Đây là tài sản trí tuệ của Nhân dân Ba Vì xây dựng nên, được sự quan tâm của UBND huyện và các sở, ngành và TP Hà Nội. Khi có thương hiệu, sản phẩm khoai lang Đồng Thái sẽ có giá trị về kinh tế, có vị thế trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống người dân. Vì thế, huyện Ba Vì và xã Đồng Thái phải có trách nhiệm bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị của thương hiệu.
Để tiếp tục nâng cao giá trị của thương hiệu khoai lang Đồng Thái, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo phát triển thành vùng khoai lang với diện tích 1.200ha vào những năm tới tại xã Đồng Thái và các vùng lân cận. Đồng thời yêu cầu xã cần làm tốt việc quản lý nhãn hiệu sản phẩm, cấp giấy phép cũng như đảm bảo việc mở rộng vùng sản xuất theo đúng các tiêu chí về chất lượng.
UBND huyện Ba Vì đề nghị TP và các sở, ngành quan tâm hơn nữa tới việc phát triển vùng sản xuất; hỗ trợ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, chế biến, đồng thời phát triển thị trường cho khoai lang Đồng Thái trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm

Trước năm 2007, hầu hết người dân ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đều sống bằng nghề nuôi tôm sú nước lợ. Nghề nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, tuy nhiên ẩn chứa nhiều rủi ro. Đặc biệt là trong giai đoạn 2003-2005, các vụ tôm liên tục lỗ lớn khiến nhiều bà con lâm vào cảnh khó khăn.

Vụ 1 nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ năm 2013, nhân dân vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã nuôi trồng được 2.557 ha, trong đó có 1.907 ha tôm sú, 615 ha ngao, 50 ha tôm thẻ chân trắng.

Hầu hết các nước có tốc độ phát triển nhanh nhiều năm qua đều là những nước đã hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông nông thôn.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích lúa cả năm 2012 đạt gần 7,75 triệu ha, tăng 1,2% so với năm 2011; năng suất bình quân ước đạt 56 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn (+2,6%) so với năm trước.

Nghiên cứu mới nhất của Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết, xây đập trên dòng chảy chính tại khu vực hạ nguồn sông Mê Công có thể trở thành mối đe dọa đối với sự sống còn của loài cá tra dầu sinh sống tại đây.