Triển Vọng Mô Hình Nấm Linh Chi Đỏ

Thời gian qua, Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ đã xây dựng và thử nghiệm hiệu quả nhiều mô hình giống cây trồng, con vật nuôi cho năng suất cao, trong đó có mô hình trồng nấm linh chi đỏ.
Tháng 6.2014, được sự giúp đỡ của Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ, ông Phan Châu Mỹ (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) đã đưa mô hình sản xuất nấm linh chi đỏ vào trồng thử nghiệm bằng nguyên liệu sản xuất phôi tại chỗ với quy mô ban đầu là 2.000 bịch. Sau 6 tháng trồng thử nghiệm, mô hình này đã cho những kết quả khả quan, nấm sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Mỹ cho biết: “Nấm linh chi đỏ tương đối dễ trồng, ít dịch bệnh, không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phức tạp, vấn đề chủ yếu là phải đảm bảo được vệ sinh cho cây nấm. Để nấm mọc đều, to, không nhiễm bệnh thì trong quá trình trồng phải luôn tạo độ thông thoáng trong nhà trồng, loại bỏ sớm những bịch nấm bị nhiễm bệnh, nấm mốc. Bên cạnh đó, một ngày tưới 3 - 4 lần, nhiệt độ duy trì 28 – 310C là nấm sẽ phát triển tốt”.
Theo ông Mỹ, bỏ qua thời điểm tiến hành cấy giống, thời gian chăm sóc nấm 2,5 - 3 tháng là có thể thu hoạch. Sau khi thu hoạch thì sát trùng và tiếp tục chăm sóc để cho thu hoạch đợt nấm sau. Mỗi bịch nấm có thể cho thu hoạch 3 - 4 lần, trung bình 5 bịch sẽ cho thu hoạch 1kg nấm tươi, sau lần thu hoạch đầu tiên, cách 1,5 tháng là có thể thu hoạch tiếp.
Cũng giống như trồng nhiều loại nấm khác, trồng nấm linh chi đỏ phải trải qua công đoạn ủ mùn cưa (mùn cưa phải lấy từ cây cao su vì đây là loại cây không có tinh dầu) có phối hợp vôi đem ủ để sát khuẩn.
Sau đó đưa thêm cám gạo, bột bắp vào trộn đều, tưới ẩm rồi đóng bịch; chuyển bịch nấm vào lò hấp cách thủy trong 18 giờ, lấy ra cấy meo rồi chuyển ra trại nuôi. Trồng nấm không tốn nhiều diện tích, có thể tận dụng được nhiều không gian trong nhà.
Bình quân từ 2.000 bịch nấm thì sẽ thu hoạch được khoảng 50 – 70kg nấm khô. Giá nấm khô trên thị trường hiện nay là 600 nghìn đồng/kg, nếu từ 2.000 bịch phôi đã cấy meo giống qua 5 tháng thu hoạch, trừ đi chi phí sẽ cho lãi 22 – 34 triệu đồng.
Nấm linh chi đỏ là cây dược liệu quý, có giá trị rất cao trong y học. Để đảm bảo cho người dân yên tâm sản xuất, ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm, Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ đã xây dựng kế hoạch bao tiêu sản phẩm trong thời gian sắp tới.
Kỹ sư Đỗ Chí Vũ (Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ) cho biết: “Để ổn định đầu ra cho sản phẩm nấm linh chi, hiện nay chúng tôi tiến hành tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhân rộng mô hình này, đồng thời sẽ trực tiếp tổ chức thu mua sản phẩm để giúp bà con nông dân có thể yên tâm sản xuất. Có thể nói, đây là một trong những mô hình hiệu quả, góp phần đưa ngành nông nghiệp của TP.Tam Kỳ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị”.
Có thể bạn quan tâm

Cá nuôi sắp đến kỳ thu hoạch bỗng dưng bị chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân ở xã Phú An (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) lâm vào cảnh lao đao.

Nông dân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang có xu hướng chuyển đất lúa kém năng suất sang nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống bởi có thể tận dụng thức ăn là cám, bã tại địa phương để tăng thêm thu nhập.

Cùng với nhiều nông dân khác ở TP Cà Mau, anh Huỳnh Thanh Lãm ở khóm 7, phường 6 thành công với nghề nuôi và bán cá chình giống, được nhiều người biết đến. Anh còn thành công với mô hình thuần hoá cá chình giống bằng ao đất, tỷ lệ nuôi hao hụt dường như bằng không.

Ông Nguyễn Hoàng Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP. Vũng Tàu cho biết, hiện phường 12 có 28 hộ nuôi tôm sú theo mô hình ứng dụng công nghệ chế phẩm sinh học trên diện tích nuôi 59ha

Không sử dụng kích điện, chất nổ hay thuốc độc, người dân khu vực xã Trung Chải (Sa Pa) đánh bắt bằng phương pháp thủ công là dùng vợt và lưới để bắt cá.