Triển Vọng Kinh Tế Từ Mô Hình Nuôi Gà Nhiều Cựa

Từ một huyện chỉ độc canh về cây lúa, đến nay huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã có nhiều chuyển đổi tích cực đa dạng hóa về cây trồng, vật nuôi. Các mô hình như: Nuôi lợn nái Móng Cái, nuôi giun kết hợp làm VAC, nuôi trâu bò vỗ béo và trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao đang ngày được nông dân mở rộng. Cùng với nhiều loại hình kinh tế phát triển nói trên, ở huyện Lộc Bình hiện nay còn có những mô hình được nhiều bà con quan tâm cần được nhân rộng đó là: Nuôi gà nhiều cựa thả vườn.
Gà nhiều cựa (hay còn gọi là gà 6 ngón), là một giống gà được nuôi phổ biến vùng núi cao Mẫu Sơn. Gà nhiều cựa có đặc điểm là mỗi bên chân gà có 5 hoặc 6 ngón, gà trống có màu lông đỏ, vàng và đen, gà mái thường chỉ có màu vàng, chân của loại gà này thấp hơn gà bình thường.
Hiện giống gà này đang được bà con ở nhiều nơi trong huyện Lộc Bình đưa về thuần hóa và nuôi thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hoàng Văn Len, thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình là một trong những hộ có thu nhập cao từ mô hình nuôi gà nhiều cựa thả vườn, trao đổi với chúng tôi, anh Len cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi các loại gà khác nhau nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi nuôi gà nhiều cựa theo hình thức thả vườn hiệu quả kinh tế mang lại hơn hẳn.
Đây là giống gà dễ nuôi, chi phí ít vì nuôi theo mô hình thả vườn nên gà tự kiếm ăn một phần, ngoài ra chỉ cần cho ăn thêm ít ngô, thóc. Hiện nay, gia đình tôi nuôi 30 con gà mái chuyên đẻ trứng tự ấp và khoảng 150 con gà thịt đều nuôi theo hình thức thả vườn. Sau 6 - 7 tháng nuôi, trọng lượng tối đa đối với gà trống từ 3 - 3,5 kg, gà mái từ 2 - 2,5 kg, với giá bán trên thị trường hiện nay là 220.000 – 250.000 đồng/kg, mỗi năm đem lại cho gia đình tôi khoản thu nhập gần 50 triệu đồng”. Gà nhiều cựa có thịt thơm ngon và ngọt, ít mỡ, hàm lượng đạm cao hơn nhiều so với một số giống gà địa phương nên dù giá đắt nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi gà nhiều cựa thả vườn, ông Triệu Sáng Lùng, thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn cũng mua giống gà này về nuôi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện gia đình ông Lùng có gần 100 con gà nhiều cựa, mỗi năm bán ra thị trường từ 50 - 70 kg gà mang lại khoản thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng. Ông Lùng nói: “Nuôi gà nhiều cựa theo hình thức thả vườn không mất thời gian chăm sóc, chi phí ít, lợi nhuận kinh tế cao hơn hẳn các giống gà khác nên hiện gia đình tôi đã bỏ hết các giống gà khác chỉ nuôi gà nhiều cựa và sẽ tiếp tục mở rộng đàn gà trong những năm tiếp theo”. Việc nuôi gà nhiều cựa thả vườn rất dễ, người nuôi chỉ cần tiêm phòng mỗi năm 2 lần và chú ý các bệnh hay xảy ra với gà thả vườn như: bệnh newcastle, gumboro và bệnh đậu gà…, làm tốt được khâu này coi như người nuôi đã nắm chắc được phần thắng.
Từ hiệu quả bước đầu đưa lại, mô hình nuôi gà nhiều cựa thả vườn là một bước đi mới, mạnh dạn, sáng tạo của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi ở huyện Lộc Bình. Tin tưởng rằng mô hình nuôi gà nhiều cựa thả vườn ở đây sẽ càng nhân rộng và phát triển hơn nữa, giúp bà con phát triển kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Bên cạnh những lo ngại như mất thị trường trong nước, gây xáo trộn quy hoạch một số ngành..., không thể phủ nhận việc thương nhân Trung Quốc (TQ) thu gom nông sản cũng tạo ra một số dấu hiệu tích cực, nếu không muốn nói đây chính là cơ hội để nông dân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam trưởng thành hơn, thúc đẩy giao thương, buôn bán giữa hai nước, giảm nhập siêu từ TQ

Tháng 9/2010, nông dân trồng cao su ở Tánh Linh (Bình Thuận) từng điêu đứng khi lần đầu tiên đối mặt với bệnh vàng lá. Đến tháng 5/2011, bệnh vàng lá lại một lần nữa xuất hiện sớm hơn so với dự kiến và có khả năng dịch bệnh sẽ lan rộng trên nhiều diện tích trồng cao su của huyện vào tháng 8, 9 tới

Trong những năm gần đây, ở huyện Dương Minh Châu (DMC), tỉnh Tây Ninh có rất nhiều nông dân đã và đang tự đi tìm cho mình những cung cách làm ăn mới, trong đó có nghề nuôi động vật hoang dã. Bên cạnh một số loài động vật được nuôi như rắn long thừa, cá sấu, nhím, heo rừng… đã có từ trên chục năm thì hiện còn có thêm nghề nuôi ba ba đạt hiệu quả kinh tế cao, đã và đang có chiều hướng phát triển.

Nếu như ở thời điểm đầu năm, giá lợn giống mới chỉ có 30 nghìn đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên 120-130 nghìn đồng/kg. Thực trạng trên không chỉ khiến ông Hoàng cũng như trên 200 hộ chăn nuôi lợn hàng hóa ở đây gặp khó khăn mà hàng nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng rơi vào trong tình trạng khan hiếm con giống

Hàng chục thương lái Trung Quốc đang núp bóng khách du lịch thu mua cua ở Cà Mau và có người đã bỏ trốn, mang theo số nợ tiền tỉ của nông dân địa phương.