Triển vọng giống lúa thơm SV181

Với thời gian sinh trưởng ngắn, ít bị các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại, cho năng suất vượt trội, thích ứng rộng trong cả hai vụ sản xuất… giống lúa thơm SV181 có rất nhiều triển vọng trên đồng đất xứ Quảng.
Đầu vụ hè thu 2015, được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tam Thành 1 và Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Quảng Bình tích cực hỗ trợ nhiều khâu, ông Đinh Tiến Hùng ở thôn Khánh Mỹ (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh) triển khai sản xuất khảo nghiệm 2 sào giống lúa thuần SV181.
Ông Hùng cho biết, từ đầu đến cuối vụ nhờ nguồn nước tưới chủ động, ứng dụng bài bản gói kỹ thuật mới do ngành chuyên môn hướng dẫn nên số diện tích lúa trình diễn này phát triển rất tốt.Đặc biệt, mặc dù thời tiết diễn biến hết sức bất lợi nhưng ruộng lúa vẫn đẻ nhánh khỏe, trổ thoát và ít bị nhiễm các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn…
Nhìn ruộng lúa trĩu bông đang chín vàng, ông Hùng hồ hởi: “Tuy 2 sào lúa SV181 của tôi khi bước vào giai đoạn trổ đòng rộ có dính phải những đợt mưa bất thường nhưng thực tế tỷ lệ hạt lép trên bông vẫn rất thấp. Vụ này, bình quân 1 sào chắc chắn sẽ thu được 350kg lúa khô, tăng 50kg so với trước đây gieo sạ bằng giống lúa thuần HT1”.
Còn ông Nguyễn Văn Lan ở thôn Tú Hội 3 (xã Tam Thành) thì nói: “Qua theo dõi cho thấy, giống lúa thuần SV181 có thời gian sinh trưởng khoảng 83 - 85 ngày, ngắn hơn các loại giống sản xuất đại trà ở địa phương 5 - 7 ngày. Giống lúa này thích ứng rộng trên nhiều chân đất, chịu thâm canh cao, không bị đổ ngã, chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt và kháng được nhiều loại sâu bệnh. Hè thu năm nay gia đình tôi gieo sạ 3 sào lúa SV181, theo dự kiến thì năng suất sẽ đạt 360kg/sào, tăng 70kg so với làm những loại giống HT1, Xi23 trong những mùa trước”.
Ông Nguyễn Thế Nam - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Quảng Bình tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, vụ hè thu này đơn vị phối hợp cùng ngành nông nghiệp và một số hợp tác xã ở 4 địa phương gồm Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn hỗ trợ cho 200 hộ dân triển khai canh tác khảo nghiệm 38ha giống lúa thơm chất lượng cao SV181.
Ngoài những chân ruộng trình diễn ở xã Tam Thành của huyện Phú Ninh thì hầu hết mô hình tại những địa phương khác cũng mang lại thành công lớn. Theo đó, năng suất bình quân của những mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa thơm SV181 đạt khoảng 71 tạ/ha, cao hơn 8 tạ/ha so với giống đối chứng KD18 canh tác trên cùng chân đất. Mới đây, tại cuộc hội thảo đầu bờ đánh giá về hiệu quả của mô hình này, nhiều nông dân cho biết sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư thì 1ha giống lúa thuần SV181 cho mức lãi ròng hơn 18,7 triệu đồng, trong khi đó ruộng đối chứng KD18 chỉ lãi chừng 11 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Thế Nam, ngoài việc cho năng suất cao, cứng cây, ít bị nhiễm sâu bệnh, phù hợp trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu ở Quảng Nam thì gạo của giống lúa SV181 rất trong, không bạc bụng, cơm ngon, mềm, vị đậm, có mùi thơm nhẹ. Ông Nam nói: “Với những đặc tính vượt trội đó, chúng tôi đang đề nghị Sở NN&PTNT xem xét đưa giống lúa SV181 vào cơ cấu giống sản xuất của tỉnh, bắt đầu từ vụ đông xuân 2015 - 2016 sắp tới”.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù giá trị kinh tế không cao như nuôi thuỷ sản nhưng cây chuối ở Cà Mau có diện tích lớn nhất so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, với khoảng 5.000 ha, tập trung nhiều ở 3 huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình.

Xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông - Đồng Tháp) có kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Ngoài việc đồng áng, nhiều phụ nữ còn thời gian nhàn rỗi. Nhằm tạo thêm việc làm, năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tư vấn giới thiệu mô hình nuôi ong cho các chị phụ nữ trong xã.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đã giúp nông dân nâng cao chất lượng lúa gạo, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí trong khâu thu hoạch. Song, do máy gặt đập liên hợp phun rơm ra đồng ruộng trên diện rộng, khó thu gom sử dụng cho các mục đích sản xuất khác nên nguồn rơm này hầu như bị bà con nông dân bỏ phí hoặc đốt bỏ tại đồng gây ô nhiễm môi trường. Cách làm gây lãng phí này đang được ngành nông nghiệp TP Cần Thơ quan tâm tìm cách giải quyết.

Để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của một huyện vùng ven biển, năm 2012, Đông Hải (Bạc Liêu) đã tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến kết hợp. Đồng thời, thực hiện phương châm nuôi trồng đa con gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Từ một hộ trồng thanh long ruột đỏ (TLRĐ), đến nay Hà Nội đã có hàng chục hộ trồng, với diện tích hơn 30ha, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm. Cây TLRĐ đã và đang dần khẳng định thế đứng trên đất Thủ đô.